Lào Cai sau 03 năm đẩy mạnh đổi mới, nâng cao, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp
Sau 03 năm đẩy mạnh đổi mới, nâng cao, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng về số lượng, số thành viên, nguồn vốn và doanh thu thực sự là điểm tựa cho các hộ thành viên và người dân nông thôn

Xác định rõ việc đổi mới và phát triển các hình thức kinh tế hợp tác nhằm nâng cao vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, đây là một thách thức đối với một tỉnh miền núi như Lào Cai đòi hỏi phải tập trung thống nhất cao của toàn thể hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và đặc biệt sự đồng thuận của nhân dân. Tỉnh Lào Cai đã tổ chức triển khai thực hiện như việc “Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 tỉnh Lào Cai”; thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012...”; thí điểm mô hình đưa tri thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn tại hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các chính sách Nghị quyết số 85/2016/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 Quy định về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 - 2020; Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 Ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai...

Mô hình làm bánh trưng đen của bà con người Giáy.

Sau 3 năm thực hiện, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng về số lượng, số thành viên, nguồn vốn và doanh thu; chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao, nhiều HTX thực sự là điểm tựa cho các hộ thành viên và người dân nông thôn. Tổng số HTX nông nghiệp 201 HTX, tăng 30,5% so với năm 2017 (154 HTX). Số thành viên HTX 2.123 người, tăng 430 thành viên so với năm 2017 (1.640 thành viên); số lao động làm việc trong HTX 2.628 lao động, tăng 559 lao động so với năm 2017. Tổng số vốn hoạt động của HTX khoảng trên 250 tỷ đồng tăng 81 tỷ đồng so với năm 2017. Doanh thu bình quân của HTX khoảng 1,48 tỷ đồng tăng 244 triệu đồng so với năm 2017; Thu nhập bình quân của thành viên, lao động 54 triệu đồng, tăng 04 triệu đồng so với năm 2017. Tổng số cán bộ quản lý khoảng 600 người, tăng 138 người so với năm 2017... Một số HTX hoạt động hiệu quả đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn như: HTX Thành Sơn, HTX Tiên Phong huyện Bát Xát; HTX Mai Anh, HTX Lâm Phong thị xã Sa Pa; HTX Tiến Đạt huyện Bảo Yên; HTX Hoa Lợi thành phố Lào Cai; HTX Duy Phong, HTX chè Bản Liền huyện Bắc Hà... Đa số các HTX hoạt động hiệu quả ở các địa bàn bàn thuận lợi, có đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, có nguồn vốn sản xuất kinh doanh và khả năng tiếp cận với chính sách, tiếp cận thông tin thị trường tốt, sản phẩm đều được HTX được liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức để giúp các hộ thành viên tổ chức sản xuất ổn định. Hoạt động của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu thập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Trong xây dựng nông thôn mới, hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện các mô hình sản xuất theo quy hoạch; thực hiện tiêu chí thu nhập cho nông dân; triển khai các Đề án, dự án trong xây dựng nông thôn mới và phát huy vai trò của thành viên trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời HTX nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong tạo việc làm, thực hiện an sinh xã hội, ổn định chính trị, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn. Thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh các hộ thành viên HTX gắn kết với nhau, giúp đỡ nhau trong sản xuất, về giống, vốn khi gặp khó khăn. Tổng nguồn kinh phí hỗ trợ các HTX nông nghiệp là 25.038,7 triệu đồng... Tuy nhiên, HTX nông nghiệp còn một số hạn chế như quy mô còn nhỏ, số lượng thành viên ít, doanh thu và thu nhập còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đội ngũ quản lý hợp tác xã có trình độ chuyên môn còn ít (chiếm 40%) tổng số cán bộ quản lý, do đó rất khó khăn cho việc quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh các HTX nên dẫn đến số lượng HTX hoạt động động tốt, khá còn hạn chế.

Về số lượng Tổ hợp tác (THT) có khoảng 3.141 tổ, giảm 626 tổ; Số thành viên khoảng 31.150 người, tăng 12.315 thành viên; số lao động làm việc trong THT 12.465 người tăng 1.164 người. Doanh thu bình quân của THT khoảng 198 triệu đồng/năm; Lợi nhuận bình quân của THT khoảng trên 40 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của 01 tổ viên và lao động trong THT khoảng trên 18 triệu đồng/năm... Một số THT hoạt động trên địa bàn tỉnh hoạt động còn thiếu tính bền vững, chủ yếu thành lập theo các chương trình, dự án và chủ yếu hoạt động theo mùa vụ trong thời gian; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững; lợi nhuâ%3ḅn bình quân và thu nhâ%3ḅp các thành viên còn thấp nên chưa khuyến khích được các thành viên tham gia; trình độ quản lý còn yếu, cơ chế quản lý, giám sát tình hình sản xuất kinh doanh còn hạn chế nên chất lượng sản phẩm không đồng đều; một số địa phương thành lập tổ hợp tác theo phong trào, chương trình NTM giai đoạn trước để hoàn thành tiêu chí nên hiệu quả hoạt động không cao...

Các hình thức liên kết trong sản xuất nông, lâm nghiệp và tiêu thụ nông sản hàng hóa ở Lào Cai trong những năm qua được hình thành và phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương. Nhiều mô hình liên kết đem lại giá trị tiêu thụ lớn như: Quế, Dược liệu, Gạo séng cù, Chè, Dâu tằm, Ớt… Liên kết tiêu thụ sản phẩm bước đầu giải quyết được tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất, thúc đẩy, tạo tiền đề kêu gọi các Doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay có 04 hình thức liên kết: Liên kết giữa Doanh nghiệp với các tổ chức đại diện hội nông dân (HTX, THT); Liên kết giữa Doanh nghiệp với hộ nông dân, trang trại; Liên kết giữa Hợp tác xã với Hợp tác xã và Tổ hợp tác; Liên kết Hợp tác xã và Tổ hợp tác với nông dân. Đến nay, toàn tỉnh có 52 Doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất, trong đó số HTX tham gia các mối liên kết là 33 HTX, tăng 16 HTX so với năm 2017. Với tổng số 58 mối liên kết, trong đó hình thức liên kết mở rộng sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa Doanh nghiệp với các tổ chức đại diện hộ nông dân (HTX, THT) có 10 liên kết; Doanh nghiệp với hộ nông dân, trang trại có 11 liên kết; Hợp tác xã với Hợp tác xã và Tổ hợp tác là 02 liên kết; Hợp tác xã và Tổ hợp tác với nông dân có 35 liên kết. Quy mô liên kết trên địa bàn tỉnh đạt gần 15.000 ha với 20.049 hộ tham gia. Tổng giá trị tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng ước đạt 800 tỉ đồng gấp gần 2,5 lần so với năm 2017... Nhưng các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ; sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, THT, trang trại và nông dân còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Nhiều hộ nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định; doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm hỗ trợ kỹ thuật và giám sát tình hình sản xuất tại các vùng liên kết. Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu vốn; tập quán canh tác lạc hậu; tư duy kinh tế hộ; thiếu kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của nông dân, các tổ, nhóm, HTX cũng ảnh hưởng rất lớn đến các mô hình liên kết...

Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục duy trì số lượng và chất lượng của các HTX, tổ hợp tác trong nông nghiệp đã được hình thành trong giai đoạn trước; đồng thời tổ chức thành lập mới các HTX và chuyển đổi các THT hoạt động có hiệu quả có nhu cầu thành lập hợp tác xã. Đồng thời tuyên truyền, vận động, tư vấn hỗ trợ mỗi năm phấn đấu phát triển 15 - 20 HTX nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 250 HTX nông nghiệp, trong đó có 230 HTX hoạt động hiệu quả. Xây dựng và nhân rộng 30 mô hình HTX kiểu mới gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm an toàn, có thương hiệu trên thị trường. Doanh thu bình quân 1 HTX đạt từ 3 - 3,5 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt khoảng từ 65- 70 triệu đồng/năm, nâng cao đời sống cho người lao động.

 

Q.H
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang