'Mở lối' đi cho sản phẩm OCOP của HTX thông qua livestream
Giữa đại dịch COVID-19, livestream đã và đang thể hiện những tiềm năng lớn khi giúp người dân, HTX tiêu thụ nông sản. Đây cũng được coi là hướng “bán hàng” hiệu quả đối với các HTX trong thời đại công nghệ số đang phát triển không ngừng.  

Theo khảo sát của công ty nghiên cứu tiếp thị Statista, có khoảng 61,3 triệu smartphone đang được sử dụng tại Việt Nam và nước ta cũng nằm trong top 10 quốc gia có số lượng smartphone cao nhất. Đi liền với đó là xu hướng xem video và livestream được rất nhiều người yêu thích vì phù hợp trong điều kiện dịch bệnh.

Kết nối trực tiếp nhà sản xuất và người tiêu dùng

Nắm bắt được điều này, từ chỗ chỉ bán hàng theo hình thức truyền thống nhưng đến nay, HTX Po Mỷ (Hà Giang) đã chủ yếu bán các mặt hàng nông sản, đặc sản OCOP địa phương thông qua hình thức bán hàng online.

Tại buổi đào tạo về kỹ năng livestream và bán sản phẩm OCOP do Văn Phòng điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức ngày 1/11, chị Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp dịch vụ thương mại Po Mỷ, cho biết chỉ riêng một buổi livestream bán hàng qua phiên “Chợ đêm trên mây” trong khoảng 45 phút, HTX đã tiếp nhận 40 đơn hàng với 1.000 chiếc bánh chưng đặc sản của cao nguyên đá Đồng Văn.

Hiện nay, HTX đều thực hiện livestream vào tối thứ Bảy hàng tuần trên fanpage để kết nối với khách hàng và tiếp thị sản phẩm. Nhờ đó, tỷ lệ tăng trưởng của các đơn hàng nông sản trong thời gian giãn cách xã hội lên tới 50%.

Livestream là hình thức mua, bán hàng được nhiều người quan tâm, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát.

Hay như tại HTX bưởi đỏ Đông Cao (Hà Nội) trước đây chỉ bán hàng theo hình thức trực tiếp nhưng 2 tháng gần đây, vào mỗi tối thứ Sáu hàng tuần, các thành viên HTX lại tham gia bán hàng trực tuyến trên các group, fanpage. Mỗi lần livestream, HTX nhận được đơn hàng bưởi đỏ, cây giống bưởi đỏ của hàng trăm khách hàng trên mọi miền tổ quốc.

Có thể thấy, bán hàng qua hình thức livestream đã được không ít HTX tiếp cận và cho những kết quả khả quan. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, bán các sản phẩm nông sản, nhất là các sản phẩm OCOP bằng hình thức livestream được coi là hướng đi phù hợp với điều kiện thực tiễn. Thông qua việc áp dụng công nghệ, các HTX đã giúp chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP không bị đứt gãy, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn của người dân.

Báo cáo từ công ty cổ phần công nghệ GoStream cho thấy, mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 70.000-80.000 (phiên) livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Ngoài ra, có khoảng 2.000-3.000 phiên livestream qua các nền tảng thương mại điện tử.

Như vậy, trung bình mỗi tháng, đang có 2,5 triệu phiên bán hàng qua livestream với sự tham gia của 50.000 nhà bán hàng. Dự báo số lượng này sẽ tiếp tục tăng vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân có nhiều thời gian ở nhà hơn và đi kèm với đó là số lượng người sử dụng smartphone ngày càng tăng.

Livestream là xu hướng bán hàng thu hút nhiều người là vì thông qua hình thức phát trực tiếp, người bán hàng vẫn có thể tương tác trực tiếp với người mua (dù là qua màn hình điện thoại) hay thuyết minh, giới thiệu về hàng hóa của mình. Trong khi đó, người mua vẫn có thể hỏi han về món đồ mình cần và bình luận của họ xuất hiện trên màn hình theo thời gian thực nên HTX có thể giải đáp thắc mắc kịp thời.

Ông Tạ Văn Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN, cho biết livestream là hình thức truyền thông, bán hàng thu hút người xem bởi nó đảm bảo giãn cách hiệu quả, đồng thời vừa giúp người tiêu dùng có cái nhìn trực quan hơn về sản phẩm, tạo độ tin cậy hơn khi mua sắm.

“Ngoài ra, mức phí mà người dân, HTX phải trả để livestream cũng tương đối thấp, thậm chí trên các nền tảng như Facebook, TikTok… mức phí phải trả là 0 đồng. Trong khi nếu HTX thuê mặt bằng để kinh doanh thì mức chênh lệch sẽ là con số không hề nhỏ chút nào”, ông Thắng cho biết.

Muốn livestream, trước hết phải thay đổi tư duy

Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, đặc biệt là facebook, youtube, Tiktok… quay video livestream không còn là trào lưu mà đã trở thành nghề nghiệp có tầm ảnh hưởng. Dẫn chứng về việc 7 bộ trưởng Hàn Quốc xuất hiện trên các kênh livestream bán hàng khiến sản phẩm như rong nho muối hay các chất tẩy rửa liên tục cháy hàng sau khi kết thúc livestream, ông Tạ Văn Thắng cho biết livestream đã phát huy tác dụng trong việc quảng bá, tiếp thị và mua bán các sản phẩm đồng thời giúp các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nguồn lực của các HTX để thực hiện livestream chuyên nghiệp vẫn chưa được cao. Các HTX chủ yếu livestream tự phát, chưa có sự đầu tư nên chất lượng và hiệu quả livestream chưa cao. Đặc biệt, có những sản phẩm OCOP của các HTX ở vùng miền núi và do người dân tộc thiểu số là thành viên nên việc tiếp cận công nghệ thông tin, nhất là hình thức livestream chưa được phổ biến.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Lưu Thị Hòa, Giám đốc HTX Po Mỷ cho biết, từng là người dân tộc Cờ Lao nên khi bắt đầu với livestream, mọi thứ với chị đều có vẻ lúng túng. Đặc biệt nhiều người dân vẫn chưa sẵn sàng thực hiện hình thức bán hàng này.

Thay đổi tư duy, sẵn sàng tiếp cận công nghệ sẽ giúp HTX thích nghi với thị trường.

Khảo sát về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Liên minh HTX Việt Nam mới đây cho thấy, hạ tầng và thiết bị phục vụ quá trình số hóa của HTX chỉ đạt 2,28/5 (điểm), mức độ hiểu biết về công nghệ thông tin và số hóa của lãnh đạo HTX ở mức 2,75/5, mức độ sẵn sàng đầu tư tài chính cho số hóa chỉ chiếm 2,38/5, mức độ về thực hiện chuyển đổi số và áp dụng công nghệ thông tin của thành viên HTX chiếm 2,42/5.

Điều này cho thấy mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số của các HTX vẫn ở mức cơ bản. Nguyên nhân là do các HTX đang gặp những khó khăn nội tại về nguồn nhân lực và đặc biệt là chưa mạnh dạn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo Giám đốc HTX Po Mỷ, người nông dân hoàn toàn có thể tự livestream giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản của mình, đây chính là điểm mạnh của việc bán hàng trực tuyến hiện nay. Các khâu từ chuẩn bị đến chốt đơn, bán hàng đều khá đơn giản. Điều cần là các thành viên HTX có dám làm, dám thay đổi vì tất cả các khâu có thể được luyện tập trong một thời gian ngắn vẫn có thể mang lại hiệu quả.

Một trong những cách thức được các chuyên gia đưa ra đó là thành viên HTX nên đứng trước máy quay thực hiện livestream 3 lần/ngày, mỗi lần 7 phút và duy trì trong vòng 21 ngày. Bên cạnh đó, HTX cần chú trọng xây dựng nội dung livestream để trở thành người bán hàng chuyên nghiệp.

Chẳng hạn, chủ thể cần bán đặc sản miến đạt OCOP 4 sao thì cần nêu được lịch sử hình thành, nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, giấy chứng nhận OCOP, thị phần và thị trường HTX mong muốn phát triển; sự quan tâm đến khách hàng trước, trong và sau khi mua, hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm và cách phân biệt sản phẩm của mình với sản phẩm khác.

Livestream cho khách hàng cảm giác thật nhất về hình ảnh, chất lượng. Livestream cũng là số hóa quá trình bán hàng offline. Chính vì vậy, người bán hàng cũng phải nói thật nhất, chân thành nhất về sản phẩm của mình. Và muốn livestream, theo các chuyên gia, trước hết HTX phải làm ra sản phẩm có giá trị thì mới tiếp cận được khách hàng nhanh hơn và nhiều hơn.

Bên cạnh đó, không phải cứ bán hàng mới livestream mà ngay cả khi HTX muốn khẳng định giá trị sản phẩm, giữ mối liên kết với khách hàng thì đều có thể sử dụng hình thức này.

Theo Huyền Trang/Thời báo kinh doanh

 

 

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang