Năm 2018, UBND tỉnh Lào Cai vừa quyết định công nhận 10 sản phẩm đạt sao
OCOP cấp tỉnh đợt đầu tiên, trong đó, huyện Sa Pa có đến 3 sản phẩm đạt
hạng 3 sao cấp tỉnh. Điều đặc biệt hơn là có đến 2 sản phẩm rượu của một
HTX đạt 3 sao cấp tỉnh, đó là sản phẩm rượu thóc Thanh Kim và rượu gạo
Thanh Kim của HTX sản xuất chưng cất rượu truyền thống Thanh Kim. Dựa
trên cách nấu rượu truyền thống của người dân địa phương, HTX đã đứng ra
tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ nông dân nấu rượu trên quy mô lớn, tiêu
thụ và tổ chức phân phối sản phẩm trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố
trong cả nước. Việc duy trì và phát triển thương hiệu rượu Thanh Kim
đang giúp địa phương này thực hiện hiệu quả tiêu chí thứ 13 trong xây
dựng NTM (tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất).
Nấu rượu gạo, rượu thóc của người dân tộc Dao Thanh Kim đã có từ nhiều đời nay.
Xã Thanh Kim có khí hậu mát mẻ quanh năm, điều kiện tự nhiên này
đã được người dân tộc Dao khai thác để phát triển nghề nấu rượu theo phương
thức cổ truyền. Gạo nấu thành cơm hoặc thóc được đồ chín, ủ với men được làm từ
các loại lá rừng. Với phương pháp nấu cổ truyền và dùng nguồn nước mát quanh
năm đã tạo nên nét đặc trưng riêng của rượu Thanh Kim. Anh Nguyễn Văn Thự không
phải là người địa phương nhưng đã nhận thấy tiềm năng này và quyết định thành
lập HTX chuyên về chưng cất rượu. Các thành viên là người dân tộc Dao tại xã
Thanh Kim sẽ nấu rượu và HTX chịu trách nhiệm trong khâu tiêu thụ sản phẩm. HTX
chưng cất rượu truyền thống Thanh Kim được thành lập năm 2008 trên cơ sở nghề
nấu rượu truyền thống của người dân bản địa tại địa phương. Rượu thóc và rượu
gạo Thanh Kim do người dân tộc Dao nấu theo cách truyền thống, đó là nấu rượu cách
thủy. Từ thời điểm thành lập đến nay, HTX đã phát triển cả về quy mô và sản
lượng. Nếu năm 2008, HTX chỉ cung cấp khoảng 3 nghìn lít rượu ra thị trường thì
kết thúc năm 2018, đã đạt 8 nghìn lít rượu và mục tiêu đến năm 2020 sẽ
đạt 10 nghìn lít rượu. Trước đây, bà con nấu rượu chủ yếu để sử dụng và một
phần nhỏ bán ra thị trường nhưng từ khi HTX được thành lập, bà con người dân
tộc Dao nấu rượu, bán cho HTX, HTX sẽ lọc khử andehit và xử lý rượu qua máy ủ
(một thiết bị làm già rượu). Khi rượu được chạy qua thiết bị ủ khoảng 2 tiếng
sẽ tương đương với thời gian ủ khoảng 2 năm, giúp rượu uống ngon hơn. Phát
triển nghề nấu rượu truyền thống đang giúp nhiều hộ dân xã đặc biệt khó khăn
này có thu nhập ổn định hơn. Bà Lý Cò Mẩy, Đội 2 thôn Lếch Dao, xã Thanh Kim,
huyện Sa Pa chia sẻ: "Rượu này nấu bằng men bà con người Dao tự làm, đi
rừng lấy lá về, thái nhỏ, chộn với gạo nghiền nhỏ để làm men nấu rượu. Trước
chỉ nấu ít thôi, bây giờ nấu nhiều để bán cho HTX".

Rượu ngon hay không phụ thuộc vào lá để làm men.
Mỗi quả men có đến cả chục loại lá cây rừng, từ khi còn bé, ông
Chảo Lồng Nhàn đã theo các cụ vào rừng tìm lá để làm men truyền thống. Trước
đây, bà con giã lấy nước thì nay đã có máy xay xát, bà con băm lá nhỏ, chộm với
gạo rồi nghiền nhỏ, nặn thành quả men. Các loại cây rừng đều có mùi thơm, vị
ngọt, vị cay nồng đặc trưng, góp phần tạo nên hương vị riêng cho rượu Thanh
Kim. Quan trọng nhất trong mỗi lần làm men lá là phải giữ được một quả men làm
mồi, vì thế đã giúp những gia đình có nghề làm men lá giữ được bí quyết gia
truyền, nhà nào nấu rượu bán cho HTX cũng chủ động khâu làm men, cách làm này
đang mang lại hương vị rượu riêng của mỗi gia đình. Ông Chảo Lồng Nhàn,
thôn Bản Kim, xã Thanh Kim cho biêt: "Rượu ở đây ngon và thơm là do cái lá
mà mình tự đi kiếm được, ở đây nhà nào cũng nấu, nhưng không phải nhà nào rượu
cũng giống nhau đâu, nấu rượu có thu nhập ổn định cho gia đình nên mình sẽ mở
rộng thêm".

Mỗi gia đình có một bí quyết gia truyền riêng để làm thành quả men, vì vậy sẽ cho nhiều vị rượu ngon khác nhau.
Để duy trì nghề truyền thống, HTX đã vận động bà con giữ nguyên
cách nấu bằng phương pháp cách thủy, giúp cho rượu không bị váng, chất lượng
rượu tốt hơn. Quy trình nấu rượu men lá được HTX giám sát và có ký cam kết với
các hộ thành viên, tạo thành chuỗi sản xuất liên hoàn. Các gia đình thành viên
tham gia nấu rượu sẽ phải đầu tư nồi nấu đảm bảo yếu tố về an toàn sức khỏe
người sử dụng. Qua thực tế hoạt động, nếu có sự đầu tư, hỗ trợ từ chương trình
quốc gia Mỗi xã một sản phẩm, HTX mong muốn được hỗ trợ đào tạo về quản trị
kinh doanh, công nghệ chế biến, đóng gói, kiểm soát chất lượng, đào tạo chiến
lược maketinh, quảng bá thương hiệu, triển lãm, xây dựng thương hiệu, phát
triển sản phẩm, mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm trang thiết bị về hệ thống chưng
cất, máy đóng chai, xe vận chuyển chuyên dụng… Ông Nguyễn Văn Thự, Giám đốc HTX
chưng cất rượu truyền thống huyện Sa Pa cho biết: "Rượu thóc, rượu gạo
truyền thống ở Thanh Kim có chất lượng rất tốt, đã được nhiều du khách biết
đến, nên chúng tôi muốn phát triển sản phẩm này, nhưng đang gặp một số khó khăn
như cơ sở của chúng tôi bây giờ vẫn chưa đủ lớn, vì vậy chúng tôi rất cần có sự
quảng bá các sản phẩm và thực hiện các sản phẩm chuyên nghiệp hơn từ dây
chuyền, nhãn mác, đến đóng goi... để sản phẩm xứng tầm. Chúng tôi đang kết hợp
với bà con, HTX luôn phải kiểm soát được chất lượng đảm bảo mọi khâu, để sản
phẩm làm ra có hương vị riêng không thể lẫn với sản phẩm khác và phải tuyệt đối
an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng".

HTX chưng cất rượu truyền thống Thanh Kim sẽ có những bước đi chuyên nghiệp hơn trong thời gian tới.
HTX chưng cất rượu truyền thống Thanh Kim phát
triển theo mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các thành viên,
duy trì và phát triển nghề nấu rượu truyền thống của đồng bào người dân tộc Dao
trên địa bàn. Nâng tầm sản phẩm, quảng bá rộng rãi ra thị trường trong và ngoài
tỉnh. Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX, trên cơ sở tăng cường sức
mạnh của các thành viên HTX với nhau. Rượu thóc và rượu gạo Thanh Kim vừa được tỉnh
công nhận là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao cấp tỉnh, đây là cơ sở để hai sản phẩm
rượu của huyện Sa Pa sẽ có thị trường tốt hơn và trên hết là giúp người dân địa
phương có thu nhập ổn định từ nghề nấu rượu bằng men lá truyền thống.