Chậm mà chắc trong xây dựng nông thôn mới ở Bắc Sơn

Xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ hàng hóa gắn với phát triển sản phẩm OCOP và làm du lịch đã tạo bước ngoặt để huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) thu được những trái ngọt trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Dương Hữu Trình, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hương (xã Tân Hương) cho biết, lạc đỏ hiện là cây có diện tích lớn, khoảng 1.000ha trên địa bàn toàn huyện. Nhưng nếu chỉ bán lạc thô thì không thể tiêu thụ hết được số lượng lớn, người dân cũng không thể bảo quản tốt được nên chất lượng sẽ bị xuống cấp.

Phát triển liên kết sản xuất

Trước thực trạng này, HTX ngoài phát triển 20ha lạc còn liên kết với HTX Nông nghiệp Tuấn Hưng (thị trấn Bắc Sơn) để thu mua và chế biến. Theo đó, riêng diện tích HTX Tân Hương sản xuất đã cho sản lượng khoảng 30 tấn/năm. Lạc được thu mua với giá ổn định từ 15.000- 20.000 đồng/kg lạc tươi, từ 25.000- 32.000 đồng/kg lạc khô để chế biến thành dầu lạc. Nhờ đó, các thành viên HTX có thu nhập từ 20- 30 triệu đồng/ha/vụ lạc.

Ông Nguyễn Văn Ón, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuấn Hưng cho biết, nhờ liên kết với HTX Tân Hương mà HTX yên tâm về đầu vào, từ đó tập trung vào chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hiện dầu lạc do HTX Tuấn Hưng sản xuất đã có đầy đủ giấy tờ, nhãn mác bao bì để nhận diện và đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Vì thế mà sản phẩm làm ra đến đâu đều bán hết đến đó. Dầu lạc không chỉ được tiêu thụ ở trong huyện, trong tỉnh mà đã có mặt tại một số siêu thị lớn của tỉnh Thái Nguyên.

Còn tại HTX nông nghiệp Nam Hồng (xã Chiến Thắng) đã tận dụng thế mạnh người dân phát triển cây quýt vàng để nâng lên thành sản phẩm hàng hóa và đặc biệt đạt OCOP 4 sao. Để mang lại hiệu quả, HTX đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích gần 20ha, đồng thời đăng ký nhãn hiệu tập thể. Nhờ đó, chất lượng quýt và giá thành được nâng lên. Nếu trước đây, giá quýt dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg thì nay tăng lên 30.000- 50.000 đồng/kg. Ngoài ra, HTX còn kết hợp nuôi bò vỗ béo dưới tán cây quýt để tận dụng nguồn phân bón cho quýt. Mô hình này giúp nhiều thành viên có thu nhập đến 1,5 tỷ đồng/năm.

HTX Nam Hồng đang góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu của xã Chiến Thắng khi giúp 30 người dân có việc làm ổn định, giúp đỡ trên 10 hộ nghèo, hộ khó khăn về kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất. Ban Giám đốc và các thành viên HTX cũng thường xuyên tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, hàng năm hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho trên 35 lao động.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất, HTX Nam Hồng đang là mô hình liên kết theo chuỗi hiệu quả giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 52,44 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,44%. Với những kết quả đã đạt được, xã Chiến Thắng được công nhận đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu năm 2022.

anh tin bai

Quýt vàng đang là sản phẩm OCOP 4 sao của huyện Bắc Sơn.

Nhờ đẩy mạnh phát triển các HTX mà đến nay Bắc Sơn không chỉ có chuỗi sản xuất lạc đỏ, quýt vàng mà còn có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao. Tiêu biểu như mô hình trồng lúa nếp cái hoa vàng tại xã Bắc Sơn, nuôi trâu nhốt chuồng xã Chiến Thắng, trồng rau an toàn tại xã Hữu Vĩnh, trồng cam Canh tại xã Tân Lập…

Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện để các tổ hợp tác, doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh tế mới như: nuôi thỏ sinh sản tại xã Trấn Yên, trồng cam đường tại xã Tân Hương. Các mô hình này đang đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của các xã trong huyện.

Chậm mà chắc trong phát triển sản phẩm OCOP

Nhằm đảm bảo chất lượng của chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã đưa các sản phẩm thế mạnh tham gia chương trình OCOP. Một trong số đó là sản phẩm nếp cái hoa vàng của HTX Sản xuất, kinh doanh tổng hợp Bắc Sơn (xã Bắc Quỳnh). Ông Dương Mạnh Thắng, Giám đốc HTX Bắc Sơn cho biết, để sản phẩm đạt OCOP 4 sao, HTX đã chú ý đến khâu sản xuất, thu mua, sơ chế, đóng gói và cả thị trường đầu ra sao cho bảo đảm tính cạnh tranh và gia tăng giá trị kinh tế cho thành viên.

Từ khi sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, HTX đã được huyện hỗ trợ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ ở trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, nhiều khách hàng biết đến sản phẩm. Năm 2020, sản lượng gạo tiêu thụ của HTX đã được gần 400 tấn.

Thời điểm này, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục đồng hành cùng với HTX trong việc nâng cao chất lượng của sản phẩm. Theo đó, cán bộ chuyên môn của phòng NN&PTNT huyện thường xuyên theo sát vùng trồng lúa nếp tại xã Bắc Quỳnh, hướng dẫn người dân quy trình trồng, chăm sóc để sản phẩm gạo nếp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm…

Ngoài gạo nếp cái hoa vàng, quýt vàng Bắc Sơn đạt OCOP 4 sao, huyện Bắc Sơn còn có bánh chưng đen và rượu men lá suối Mỏ Mắm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Tuy số lượng sản phẩm OCOP của huyện còn khiêm tốn nhưng điều này được lý giải là do huyện kiên định với định hướng tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng. Điều này nhằm tăng hiệu quả, tạo tính bền vững cho sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP thực sự là sản phẩm đặc trưng và cạnh tranh được trên thị trường, từ đó mang lại giá trị bền vững cho những người trực tiếp làm ra sản phẩm.

Định hướng của huyện trong thời gian tới là sẽ tiếp tục phát triển các nông sản thành sản phẩm OCOP đi liền với xây dựng các điểm du lịch, làng văn hóa thành sản phẩm OCOP và gắn phát triển du lịch với sản phẩm OCOP. Bởi du lịch nông nghiệp, nông thôn đang bắt đầu có những bước phát triển mạnh mẽ trên địa bàn huyện.

Hiện, các tour du lịch khám phá tại thôn Tiến Hậu (Nhất Tiến) và 16 điểm du lịch đang thu hút đông đảo khách du lịch như: vườn chanh leo (Mỏ Hao), khu Mỏ Mắm, vườn quýt Hang Hú (xã Chiến Thắng). Một số vườn quýt khác của các xã Vũ Sơn, Nhất Hòa; vườn nho ở xã Long Đống, Chiến Thắng; hang động Keeng Tao (thôn Hoan Trung 1, xã Chiến Thắng)… luôn thu hút đông đảo lượng khách trong, ngoài tỉnh và ngoài nước đến tham quan.

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Bắc Sơn, phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP là hướng đi hiệu quả. Khi sản phẩm du lịch được công nhận là sản phẩm OCOP sẽ được nhiều du khách biết đến. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có khả năng tích hợp các giá trị từ kinh tế, văn hóa, xã hội, cảnh quan, môi trường sinh thái. Còn sản phẩm OCOP cũng trở thành một phần thú vị trong các sản phẩm du lịch của mỗi chuyến đi và điểm đến của du khách. Đặc biệt, bộ Tiêu chí về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch đã có nhiều định hướng gắn với xây dựng nông thôn mới nên tạo thuận lợi cho địa phương trong triển khai thực hiện.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Từ những kết quả đã đạt được trong xây dựng sản phẩm hàng hóa, sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông nghiệp, nhận thức của người dân về phát triển kinh tế hàng hóa, đầu tư cho sản phẩm đặc trưng, liên kết theo mô hình kinh tế tập thể đã được nâng lên, từ đó tạo nền tảng cho xây dựng nông thôn mới.

Khi kinh tế, du lịch phát triển, người dân cũng có cái nhìn tích cực về xây dựng nông thôn mới. Với họ, nông thôn mới không phải là điều gì quá xa vời mà chính là những gì gắn bó với đời sống hàng ngày như trồng hoa, dọn vệ sinh phát triển nông nghiệp…, từ đó mang lại hiệu quả sát sườn cho người dân. Khi đó, người dân cũng tích cực cùng cấp ủy, chính quyền huyện tham gia xây dựng nông thôn mới.

Trong buổi làm việc của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn phối hợp với một số sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra tiến độ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bắc Sơn cho thấy, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023, huyện đã huy động được hơn 16.680 ngày công lao động và Nhân dân đã đóng góp trên 1,5 tỷ đồng để chung sức thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.

Đến nay, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện đạt 14 tiêu chí nông thôn mới, 9/17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đối với xã Long Đống, xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023, đến nay xã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó có những tiêu chí chưa đạt đòi hỏi nguồn lực đầu tư và cần nhiều sự chung sức của người dân như: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa.

Đối với xã Đồng Ý, 1 trong 2 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 hiện đang đẩy mạnh củng cố các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, tập trung phát triển mô hình sản xuất thông qua HTX, tổ hợp tác nhằm đẩy mạnh xây dựng thôn thông minh…

Theo Minh Nhương/Thời báo kinh doanh

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang