Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững sớm đưa Tam Bình cán đích huyện nông thôn mới
Ở xã Mỹ Lộc có HTX Nông nghiệp Tân Tiến với mô hình sản xuất lúa sạch (lúa hữu cơ) trên diện tích canh tác 70ha đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm gạo chất lượng cao của HTX được doanh nghiệp bao tiêu, thu mua với giá cả phù hợp, có hợp đồng từ đầu vào đến đầu ra, góp phần rất lớn trong chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Lợi ích kép từ trồng lúa hữu cơ
Cách đây 2 năm, HTX này được chứng nhận có sản phẩm gạo Tân Tiến (được sản xuất từ giống lúa ST25) đạt OCOP 4 sao. Từ đó, HTX mạnh dạn mở rộng phát triển theo quy trình sạch, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, áp dụng phần mềm quản lý chất lượng tiên tiến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Mô hình trồng lúa hữu cơ của HTX Nông nghiệp Tân Tiến mang lại lợi ích kép.
Trong quy trình canh tác lúa sạch, mọi thành viên HTX Tân Tiến không dùng thuốc phòng trừ sâu, trừ bệnh bằng hóa học nên sức khỏe của họ cũng được đảm bảo. Các thành viên cũng làm quen với phương thức sản xuất có bao tiêu sản phẩm, có trách nhiệm với sản phẩm của mình làm ra.
Lợi ích kép của mô hình trồng lúa hữu cơ của HTX này là không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn mang lại hiệu quả tích cực về môi trường như: Môi trường đất được cải thiện, nguồn lợi thủy sản được phục hồi, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom tiêu hủy đúng quy định.
Để nâng tầm sản xuất, HTX Tân Tiến đã và đang đẩy mạnh đầu tư máy móc, thiết bị, phát triển bao bì, đóng gói… Từ đó, HTX hướng tới mô hình sản xuất khép kín, từ sản xuất nguyên liệu đầu vào, đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Nhiều thành viên tham gia HTX này cho biết khi tham gia vào HTX đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực như giá trị nguyên liệu đầu vào giảm, năng suất lao động, chất lượng nông sản tăng, khả năng tiêu thụ tốt và ổn định, giá bán cũng ổn định hơn.
Thời gian tới, HTX Tân Tiến sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ ra các ấp trong xã Mỹ Lộc nhằm nâng cao sản lượng để góp phần không chỉ đưa sản phẩm gạo Tân tiến ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước mà hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Nhờ vào việc HTX tham gia vào tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững như vậy đã góp phần giúp cho xã Mỹ Lộc tiến bước trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Về vùng quê này sẽ thấy đã có bước chuyển mình và ngày càng giàu đẹp hơn, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao.
Nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao
Ngoài ra, trong giai đoạn 2023-2025, xã Mỹ Lộc còn thực hiện mô hình xã nông thôn mới thông minh. Đây là mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025.
Huyện Tam Bình cần khắc phục các vấn đề khó khăn của trái cam sành để giúp các HTX cam sành phát triển tốt hơn.
Để góp phần vào xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh, ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Tân Tiến, cho biết phía HTX đã ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp cận thị trường được 4 năm nay.
“Lợi ích mang lại lớn nhất là cập nhật được nhiều thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Đồng thời, minh bạch thông tin về sản phẩm, các thành viên thẳng thắn trao đổi thông tin qua lại, giúp cho hoạt động kinh doanh tốt hơn”, ông Phước nói.
Như chia sẻ của Chủ tịch HTX Tân Tiến, vào tháng 10/2023, khi Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho ra mắt nền tảng Mạng nhà nông thì HTX đã quyết định ứng dụng hệ thống này vào canh tác.
Với nền tảng Mạng nhà nông, theo ông Phước, HTX có được đầy đủ các dịch vụ từ hướng dẫn quy trình canh tác lúa, kênh bán hàng… Đặc biệt, thông tin hoạt động của HTX, nhất là vấn đề liên quan đến tài chính đều được cập nhật, kịp thời để tất cả các thành viên biết.
Bên cạnh mô hình mới của HTX Tân Tiến, tính đến nay, toàn huyện Tam Bình có 20 HTX đang hoạt động, trong đó có 17 HTX nông nghiệp, 2 HTX thương mại dịch vụ và 1 HTX thủ công mỹ nghệ.
Thời gian qua, huyện Tam Bình đã chú trọng tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp với sự tham gia của các HTX theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị nông sản, góp phần tích cực phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn ở địa phương.
Huyện đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao trong các HTX, tổ hợp tác. Trong đó, huyện tập trung thực hiện các mô hình sản xuất đạt các tiêu chuẩn hữu cơ cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm có tiềm năng, có thị trường tiêu thụ…
Hiện nay ở Tam Bình có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chú trọng thực hiện như: Mô hình sản xuất lúa ứng dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng công nghệ tưới tự động; trồng cam đạt tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng hệ thống tưới tự động, bán tự động…
Trong 3 năm trở lại đây, huyện Tam Bình đã vận động nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái với trên 2.300ha, chủ yếu là trồng cam sành chiếm trên 68%, từ đó nâng tổng diện tích vườn cây ăn trái toàn huyện gần 10.000ha. Tuy nhiên, riêng với cây cam sành đang phát triển mạnh trong thời gian qua, để có hướng đi bền vững, tạo an tâm cho HTX, nông dân sản xuất thì cần có nhiều giải pháp về lâu dài.
Nhất là tình trạng giá cam sành sụt giảm đáng kể trong gần cả năm nay, khó khăn về đầu ra, đã ảnh hưởng đến đời sống nông dân trong huyện. Điều này có thể thấy rõ ở HTX Cam sành Khánh Nhân ở xã Loan Mỹ trước đây cung cấp cho thị trường mỗi ngày 80 tấn nhưng hiện nay tối đa chỉ được 15-20 tấn. Riêng thị trường Tp.HCM bình thường mỗi ngày bán ra 20 tấn, hiện chỉ được một vài tấn.
Thiết lập quản lý vùng trồng
Khoảng một tháng nay, giá cam tại vườn chỉ khoảng 3.000 đồng/kg. Theo ước tính, chi phí sản xuất cho 1 công (1.000m2) cam khoảng 100 triệu đồng; nếu năng suất khoảng 10 tấn, với giá bán 3.000 đồng/kg, nông dân lỗ 70 triệu đồng. Điều đó khiến cho các HTX trồng cam sành như HTX Cam sành Khánh Nhân gặp rất nhiều thách thức.
Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với vai trò quan trọng của các HTX giúp cho huyện Tam Bình sớm đạt tất cả các tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo giới chuyên gia, một số nguyên nhân làm cho cam sành ở huyện Tam Bình gặp nhiều khó khăn là do cung vượt cầu, cam sành chưa được xuất khẩu, canh tác theo kiểu truyền thống, chưa đạt các loại chứng nhận, người tiêu dùng chưa tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, trái cam không bảo quản được lâu…
Chính vì vậy, để các HTX cam sành ở huyện Tam Bình phát triển ổn định hơn đòi hỏi xây dựng được chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất cho đến tiêu thụ, đầu tư vào khâu chế biến. Hơn nữa, các HTX cần vận động người dân và thành viên HTX sản xuất theo hướng sạch, an toàn, hữu cơ để kéo dài tuổi thọ cây cam. Qua đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng, cải thiện giá thành, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Ngoài vấn đề của cam sành cần khắc phục, huyện Tam Bình đang tiếp tục cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp phù hợp, giảm diện tích ở những cây trồng kém hiệu quả, tăng diện tích những cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Hơn thế nữa, huyện còn thiết lập, quản lý vùng trồng, tuyên truyền các quy định về sản xuất cho các HTX có nhu cầu cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu…
Ông Lê Ngọc Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình, cho biết: Diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng quy mô, điều kiện, tiêu chuẩn thiết lập mã số vùng trồng. Các HTX, tổ hợp tác và nông dân dần hiểu được và áp dụng có hiệu quả quy trình sản xuất, kiểm soát dịch hại để đáp ứng nhu cầu thị trường các nước nhập khẩu.
Vai trò lớn lao của các HTX
Từ việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững gắn với vai trò quan trọng của các HTX như vậy đã góp phần giúp cho huyện Tam Bình gặt hái nhiều thành công trong xây dựng nông thôn mới.
Nhất là các HTX trong huyện đã phát huy tối đa hiệu quả trong việc tập hợp bà con nông dân, ngồi lại với nhau để cùng thay đổi tư duy, cách làm từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang hợp tác cùng nhau và liên kết với doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng giá trị trên đơn vị diện tích.
Đồng thời, các HTX ở Tam Bình cũng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn kết với phong trào khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa giá trị, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và thay đổi bộ mặt nông thôn. Rõ nét nhất là bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị có quy mô lớn hơn, đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân khi tham gia HTX.
Các HTX cũng góp phần giúp cho chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của huyện Tam Bình đi đúng hướng, qua đó tăng giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản, tăng bình quân trên 3 %/năm. Giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích đến cuối năm 2023 ước đạt 214 triệu đồng (tăng 39 triệu đồng/ha/năm so với năm 2020); góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 58,2 triệu đồng/người/năm.
Như trên cây lúa, từ vai trò quan trọng của các HTX mà huyện Tam Bình đăng ký diện tích tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, với tổng diện tích 1.023ha ở các xã.
Ngoài ra, các HTX trong huyện còn tham gia xây dựng được 6 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu, tập trung ở cây lúa, mít ruột đỏ, bưởi, cam sành, chanh không hạt,... được các doanh nghiệp thu mua chủ yếu xuất khẩu ở thị trường EU, Trung Quốc, Philippines, Anh. Hơn thế nữa, các HTX trong huyện còn tham gia tích cực trong việc xây dựng được 16 mô hình đạt chứng nhận VietGap tập trung chủ yếu trên cây ăn trái.
Đồng thời, ở huyện Tam Bình còn có 26 sản phẩm đặc trưng đạt chứng nhận OCOP (có sự đóng góp rất lớn của các HTX), bước đầu phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương hướng đến thị trường trong và ngoài nước.
Nhờ vai trò lớn lao của các HTX như vậy đã góp phần giúp cho toàn huyện tính đến tháng 12/2023 đã có 16/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Tam Bình đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện đã đạt tất cả các tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện gần 97,6%, trong đó tỷ lệ hài lòng của người dân ở từng xã đạt gần 95,3% trở lên.
Những kết quả đạt được trong hoạt động của các HTX nông nghiệp đã tạo niềm tin cho nông dân ở Tam Bình ngày tin tưởng hơn vào HTX kiểu mới, giúp cho thành viên hợp tác, tương trợ nhau có hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh, góp phần vào xây dựng các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu .
Theo Thanh Loan/Thời báo kinh doanh