HTX giúp thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới
Theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020, để đạt được tiêu chí 13, các xã cần đạt 2 chỉ tiêu: có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Trong bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí số 13 được bổ sung thêm 1 chỉ tiêu nữa, đó là thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương…
Kinh tế nông nghiệp khởi sắc
Trong giai đoạn 2017 - 2022, kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX đã góp phần vào tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đồng thời đã tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động trong tỉnh Tuyên Quang.
Thành viên HTX rau quả an toàn Đức Ninh (Hàm Yên) trồng thanh long theo hướng an toàn cung cấp ra thị trường.
Nhiều HTX đã mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thêm các dịch vụ mới gắn với chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012. Tiêu biểu như HTX Chè 168, HTX Chè Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên); HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang); HTX Chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang); HTX Sản xuất rau quả an toàn Đức Ninh (Hàm Yên), HTX Dịch vụ nông nghiệp Ỷ La (TP Tuyên Quang)...
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua “Tuyên Quang - Chung sức xây dựng nông thôn mới”, các HTX đã củng cố bộ máy, xây dựng phương án sản xuất, đầu tư máy móc, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong hoạt động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương.
Đến thời điểm 31/7/2023, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 517 HTX. Trong đó, có 433 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với số lượng thành viên HTX là 8.583 thành viên. Hoạt động của các HTX tác động không nhỏ vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ vật tư đầu vào, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra, tiến tới sản xuất sản phẩm OCOP, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và tạo việc làm cho thành viên và người lao động, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bước đầu đã có HTX tham gia xuất khẩu sản phẩm.
Hiện toàn tỉnh có 104 chủ thể là HTX có sản phẩm OCOP có 147 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên (trong tổng số 191 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 77%), có 77 HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
HTX trở thành “đầu tàu” tổ chức sản xuất
Không ngừng nỗ lực, sau hơn 3 năm thành lập, đến nay, HTX sản xuất rau quả Đức Ninh (Hàm Yên) đã dần lớn mạnh. Khi mới thành lập, HTX có 7 thành viên song đến nay HTX đã phát triển lên 15 thành viên. Ông Nguyễn Việt Phong, Giám đốc HTX cho biết, với 21 ha cây ăn quả, bao gồm: Thanh long, cam, bưởi, ổi, chanh tứ thì...được HTX thực hiện sản xuất theo hướng VietGap đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và giá trị. Hiện tại sản phẩm của rau quả của HTX đang được cung ứng vào các chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Phát triển trồng cây ăn quả, các thành viên của HTX đã có việc làm, tăng thu nhập, bình quân thu nhập hàng năm của các hộ thành viên đạt từ 300-450 triệu đồng/năm.
Chăm sóc trâu vỗ béo thương phẩm tại Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang
Cũng như HTX sản xuất rau quả Đức Ninh, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Yên Nguyên (Chiêm Hóa) ra đời cùng thời điểm xã về đích nông thôn mới năm 2016. Sau 6 năm đi vào hoạt động, HTX đã khẳng định vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tổ chức liên kết sản xuất nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp.
Ông Hà Doãn Hộ, Giám đốc HTX phấn khởi cho biết, HTX đang liên kết với các đối tác, phát triển hơn 100 ha ngô sinh khối, lạc, ớt xuất khẩu. Sản xuất theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm, HTX đã liên kết với công ty giống vật tư nông, lâm nghiệp Tuyên Quang cung ứng trọn gói giống, phân bón đến tay người nông dân với giá ưu đãi nhất.
Theo ông Hộ, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào, gia tăng giá trị sản phẩm. Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX đạt lợi nhuận đặt ra. Năm 2022, trừ mọi chi phí sản xuất, lợi nhuận thu được của HTX đạt gần 2 tỷ đồng.
Một trong những HTX tham gia tích cực vào việc phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân là HTX sản xuất, chăn nuôi giống gia cầm Minh Tâm, xã Tú Thịnh (Sơn Dương). Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX cho biết, HTX đang liên kết với 6 HTX và 28 xã trên địa bàn với 3.000 hội viên nông dân, triển khai 3 dự án lớn gồm sản xuất, chăn nuôi, cung ứng giống gia cầm chất lượng cao; trồng dưa chuột cung ứng vào hệ thống siêu thị và trồng, xuất khẩu ớt tươi. Chỉ tính riêng dự án dưa chuột, năm 2022, HTX đã sản xuất, tiêu thụ 15.000 tấn dưa vào bếp ăn tập thể, siêu thị. Doanh thu năm 2022 đạt 86 tỷ đồng, dự kiến năm 2023, con số này sẽ là 100 tỷ đồng.
Để HTX trở thành “hạt nhân” trong xây dựng nông thôn mới
Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 62 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; 08 xã hoàn thành đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tiêu chí bình quân xã xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15,12 tiêu chí/xã. Trong đó, vai trò của các HTX nông nghiệp tại các địa phương đã góp phần to lớn đối với việc thay đổi diện mạo vùng nông thôn và thực hiện các tiêu chí về thu nhập, giảm hộ nghèo ở các xã đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn
Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2030 có trên 300 tổ hợp tác; trên 600 HTX với trên 13.000 thành viên. Trong đó có trên 50 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Đến năm 2045, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang phát triển với nhiều mô hình hợp tác, liên kết, áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số có quy mô, hiệu quả hoạt động ngang bằng với kinh tế tập thể của các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đồng thời bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó ít nhất 75% HTX nông nghiệp tham gia các chuỗi liên kết; phấn đấu thu hút trên 20% dân số trong độ tuổi lao động tham gia các tổ chức kinh tế tập thể.
Đảm bảo HTX hoạt động thực chất, phát huy vai trò là “hạt nhân”, “lực lượng cốt lõi” trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ để các HTX tiếp cận được chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào nhóm chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn, quy chuẩn cho 80 sản phẩm của các chủ thể là HTX với tổng số tiền là 7,2 tỷ đồng; hỗ trợ thành lập mới 51 HTX với tổng số tiền trên 2,4 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tạo mọi điều kiện, tổ chức kết nối cho các HTX liên kết, phát triển sản xuất với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh để đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Thống kê sơ bộ đã có 75 HTX, 16.607 hộ gia đình tham gia hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ 20 loại sản phẩm nông sản...
Theo Hoàng Hà/Thời báo kinh doanh