Tỉnh ủy Lào Cai: Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

Thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 31-CT/TW), ngày 29/5/2024 Tỉnh ủy Lào Cai xây dựng Chương trình hành động số 356-CTr/TU.

 

1. Mục tiêu cụ thể

- Trung bình hàng năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người.

- Trung bình hàng năm tăng 5% số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp.

-  Trung bình hàng năm tăng 5% số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động.

2. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

a. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức, cơ sở lao động và toàn xã hội trong công tác an toàn vệ sinh lao động

Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan, tổ chức phải đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người lao động trong môi trường làm việc an toàn, vệ sinh, bảo vệ tài sản và quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người lao động; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn lao động; kết hợp giữa phòng ngừa và xử lý vi phạm; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Cấp ủy các cấp cần lãnh đạo, tuyên truyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về an toàn lao động, phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp, và phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong tuyên truyền và thực hiện pháp luật về an toàn lao động.

Tiếp tục xây dựng và duy trì văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc, gắn với trách nhiệm xã hội của cơ sở sử dụng lao động. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là công đoàn, cần tuyên truyền, vận động cán bộ và lao động thực hiện tốt các quy định về an toàn lao động và thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách Nhà nước về an toàn lao động.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng phương hướng, nhiệm vụ; đôn đốc cấp ủy cấp dưới thực hiện các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát.

b. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn vệ sinh lao động

Thực hiện hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động, nhằm nâng cao năng lực và cạnh tranh của cơ sở lao động. Xác định đầu tư cho an toàn vệ sinh lao động là đầu tư cho phát triển bền vững.

Tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là trong khu vực không có quan hệ lao động, tiếp cận thông tin về an toàn, vệ sinh lao động để nâng cao nhận thức và trách nhiệm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc biệt là ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động.

Kết hợp linh hoạt các hình thức tuyên truyền, duy trì tuyên truyền miệng, thông qua hoạt động văn hoá, văn nghệ và các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là qua công nghệ số, mạng xã hội để đảm bảo truyền tải thông tin nhanh và hiệu quả. Chú trọng tuyên truyền trực quan, sinh động như thi trực tuyến, thi an toàn vệ sinh giỏi, thi viết, vẽ, sáng tác thơ với chủ đề "An toàn vệ sinh lao động vì hạnh phúc gia đình". Nâng cao hiệu quả và sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động trong Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, Tháng Công nhân hàng năm.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng và cơ quan báo chí trong việc xây dựng văn hóa an toàn lao động. Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng về an toàn, vệ sinh lao động và điều kiện làm việc để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

c. Triển khai thực hiện đầy đủ chính sách, pháp luật về công tác an toàn vệ sinh lao động theo chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tiễn của tỉnh

d. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền về công tác an toàn, vệ sinh lao động

Rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức và đầu tư trang thiết bị cho cơ quan an toàn vệ sinh lao động nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia giai đoạn 2021-2025. Các cơ quan, tổ chức, cơ sở lao động tích cực đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật về an toàn lao động, kiện toàn bộ máy quản lý, nâng cao vai trò của chủ sử dụng lao động và xây dựng môi trường làm việc an toàn.

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tăng cường quản lý công tác an toàn lao động, triển khai Chỉ thị số 31-CT/TW, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành và ứng dụng công nghệ thông tin. Chú trọng đánh giá tác động môi trường, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc và thực hiện nghiêm túc việc khai báo, điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Thực hiện tốt chính sách chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và các chính sách khác cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Quan tâm đến an toàn lao động đối với các nhóm lao động đặc thù như người khuyết tật, lao động nữ, người cao tuổi, và người làm việc ở nước ngoài. Quản lý chặt chẽ dịch vụ huấn luyện an toàn lao động, khám sức khỏe định kỳ và kiểm định máy móc thiết bị.

Tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về an toàn lao động; xử lý vi phạm kịp thời để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác tổng kết, đánh giá thực hiện an toàn lao động và tổ chức phong trào thi đua “Xanh, sạch đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” trong các cơ quan và cơ sở lao động.

e. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác an toàn vệ sinh lao động

Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo đội ngũ cán bộ an toàn vệ sinh lao động trong các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và cơ sở sản xuất kinh doanh, phù hợp với yêu cầu từng ngành, địa phương.

Chú trọng huấn luyện, cập nhật kiến thức, kỹ năng an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, đặc biệt cho cán bộ an toàn vệ sinh lao động và y tế tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, thanh tra lao động. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe và bảo đảm an toàn lao động.

g. Tăng cường nguồn lực Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động

Tăng cường đầu tư từ Nhà nước và doanh nghiệp cho công tác an toàn vệ sinh lao động, cải thiện cơ chế tài chính và hiệu quả sử dụng nguồn lực, ưu tiên phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho cả khu vực không có quan hệ lao động. Lồng ghép nội dung an toàn vệ sinh lao động vào chương trình phát triển kinh tế xã hội và các dự án liên quan đến lao động, y tế, môi trường.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và triển khai biện pháp phòng ngừa, tự kiểm tra để giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Quản lý và sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nâng cao mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện với sự hỗ trợ của Nhà nước.

h. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương về công tác đánh giá kết quả công tác an toàn, vệ sinh lao động

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, y tế và môi trường, với doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, chú trọng khu vực không có quan hệ lao động.

Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân và nhân rộng mô hình hiệu quả; xử lý nghiêm minh các vi phạm về an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt các trường hợp gây ra sự cố nghiêm trọng.

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và tổ chức định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá công tác an toàn vệ sinh lao động; tham mưu kịp thời cho chính quyền về các khó khăn, vướng mắc trong công tác an toàn vệ sinh lao động.

Tải về

 

Ngọc Minh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang