Chính sách hỗ trợ theo Luật Hợp tác xã năm 2023: Hành trang cho khu vực kinh tế tập thể trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông Luật Hợp tác xã năm 2023. Thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023.
Thông cáo báo chí Hội nghị lần thứ
10 Ban chấp hành Trung ương đảng khóa XIII đã khẳng định, nước ta đang
đứng trước “dấu mốc quan trọng đặc biệt cho Việt Nam phát triển nhanh và
bền vững, phù hợp với yêu cầu của thời đại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ
nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Năm 2025 là năm đầu thực hiện
đồng bộ các quy định mới của Luật Hợp tác xã năm 2023 và các văn bản
hướng dẫn. Theo đó, các chính sách hỗ trợ đã được Đảng, Nhà nước ban
hành được kỳ vọng sẽ giúp khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã
(HTX) phát triển mạnh mẽ, tự tin vào nội lực để vượt qua thách thức,
vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng vươn lên, cùng các thành phần
kinh tế khác đưa đất nước vào kỷ nguyên mới. Bài viết đánh giá các chính
sách hỗ trợ theo Luật Hợp tác xã năm 2023 và các văn bản hướng dẫn;
những thách thức của khu vực KTTT, HTX trong kỷ nguyên vươn mình của dân
tộc; đồng thời, đề xuất một số giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận
chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với khu vực KTTT, HTX.
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THEO LUẬT HỢP TÁC XÃ NĂM 2023 VÀ CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THI HÀNH
Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông Luật
Hợp tác xã năm 2023. Thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các
văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2023, bao gồm: Nghị định
số 113/2024/NĐ-CP, ngày 12/9/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật
hợp tác xã; Nghị định số 92/2024/NĐ-CP, ngày 18/7/2024 về đăng ký tổ
hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; Thông tư số 09/2024/TT-BKHĐT, ngày
16/5/2024 ban hành biểu mẫu thực hiện thủ tục đăng ký tổ hợp tác, HTX,
liên hiệp HTX và quy định về nội dung thông tin, việc cập nhật, khai
thác và quản lý Hệ thống thông tin quốc gia về hợp tác xã. Bộ Tài chính
đã ban hành Thông tư số 71/2024/TT-BTC, ngày 07/10/2024 về hướng dẫn chế
độ kế toán HTX, liên hiệp HTX. Đến nay, hệ thống pháp luật các văn bản
hướng dẫn theo yêu cầu của Luật Hợp tác xã năm 2023 đã được ban hành đầy
đủ, đúng quy định, góp phần đưa các chính sách hỗ trợ đồng bộ của Luật
đi vào cuộc sống, thúc đẩy các tổ chức KTTT phát triển.
Chính sách hỗ trợ tại Luật Hợp tác xã năm 2023
Luật Hợp tác xã năm 2023 đã dành hẳn một
Chương II để thể chế hóa đầy đủ 08 nhóm chính sách quy định tại Nghị
quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương nhằm tạo
động lực thúc đẩy các tổ chức KTTT phát triển:
- Đối với giao dịch nội bộ mang tính bản
chất của HTX sẽ được Nhà nước khuyến khích miễn, giảm thuế thu nhập
doanh nghiệp, các giao dịch bên ngoài được áp dụng chính sách thuế, như:
Luật Doanh nghiệp (Điều 22); các tổ chức KTTT được vay vốn ưu đãi từ
Quỹ hỗ trợ phát triển HTX (Điều 29)... Bổ sung tiêu chí lựa chọn đối
tượng thụ hưởng chính sách hướng đến phát huy bản chất tốt đẹp của mô
hình HTX, áp dụng kiểm toán đối với các hỗ trợ lớn của Nhà nước để tránh
việc trục lợi chính sách; đồng thời ưu tiên hỗ trợ cho các tổ chức KTTT
thành lập mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Đối với HTX, liên hiệp HTX hoạt động
trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện chiếm đa số về số lượng (khoảng 70%),
thì ngoài các chính sách chung đã được hưởng như HTX, liên hiệp HTX
trong các lĩnh vực khác, thì được hưởng thêm chính sách hỗ trợ đặc thù
riêng quy định tại Điều 28 của Luật, thể hiện sự quan tâm Đảng và Nhà
nước đối với loại hình HTX, liên hiệp HTX hoạt động lĩnh vực nông
nghiệp.
Chính sách hỗ trợ tại Nghị định số 113/2024/NĐ-CP
Tại Nghị định số 113/2024/NĐ-CP, ngày
12/9/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật hợp tác xã, Chính phủ
đã hướng dẫn, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ tổ hợp tác, HTX, liên
hiệp HTX tại Luật Hợp tác xã năm 2023 theo hướng kế thừa các quy định
chính sách hiện hành còn phù hợp, đồng thời sửa đổi, bổ sung các vấn đề
đang còn vướng mắc, bất cập trong thực tế triển khai các chính sách hiện
hành, tăng cường mức độ linh hoạt, thuận lợi cho đối tượng thực thi
chính sách và tăng khả năng tiếp cận hỗ trợ của các đối tượng hưởng lợi:
- Về khái niệm (Điều 3 Nghị định):
Nghị định đã giải thích các khái niệm về kết cấu hạ tầng, trang thiết
bị theo hướng khái quát, bao gồm hầu hết hạ tầng và trang thiết bị cần
thiết cho sản xuất, kinh doanh của HTX ở mọi lĩnh vực chứ không chỉ tập
trung vào hạ tầng, thiết bị phục vụ HTX nông nghiệp và chế biến nông sản
như theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản hướng
dẫn; từ đó có điều kiện thực hiện các hỗ trợ, thúc đẩy HTX các ngành,
lĩnh vực phi nông nghiệp đang có tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng số
HTX của cả nước.
- Về các tiêu chí thụ hưởng (Điều 6 Nghị định):
Nghị định đã hướng dẫn các tiêu chí thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo
quy định tại Điều 18 Luật Hợp tác xã năm 2023. Các tiêu chí này đã được
quy định theo hướng nâng cao mức độ rõ ràng và định lượng để thuận tiện
cho các cơ quan quản lý nhà nước xét duyệt hỗ trợ. Nội dung quy định bao
gồm: tiêu chí để lựa chọn đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà
nước; các đối tượng, nội dung, điều kiện, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách
nhà nước bảo đảm chính sách hỗ trợ khả thi, hiệu quả, đúng đối tượng,
phát huy bản chất, đặc trưng của mô hình HTX, thúc đẩy khu vực KTTT phát
triển.
- Về nội dung hỗ trợ: Hướng dẫn
đầy đủ các chính sách hỗ trợ Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn chi
tiết, bao gồm: (i) Chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư
vấn; (ii) Chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm; (iii) Chính sách ứng dụng
khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (vi) Chính sách
tiếp cận và nghiên cứu thị trường; (vii) Chính sách đầu tư phát triển
kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; (viii) Chính sách hỗ trợ tư vấn tài
chính và đánh giá rủi ro. Riêng chính sách đất đai; chính sách thuế, phí
và lệ phí thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.
- Về mức hỗ trợ: Một số mức hỗ
trợ cụ thể đã được điều chỉnh tăng so với quy định của Luật Hợp tác xã
năm 2012 như hỗ trợ chi phí ăn, ở đối học viên là cán bộ, thành viên và
lao động HTX khi tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng, hỗ trợ lao động
làm việc tại tổ chức KTTT theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này hàng
tháng ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng... Đối với các hỗ
trợ khác, mức hỗ trợ do được quy định linh hoạt, mức cụ thể thực hiện
từng chính sách do bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp xem
xét, quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phù
hợp với định hướng ưu tiên và khả năng cân đối nguồn lực trong từng thời
kỳ và quy định của pháp luật.
- Về quy trình tổng hợp nhu cầu hỗ trợ:
Điều 17 Nghị định đã quy định trình tự, thủ tục đề xuất nhu cầu hỗ trợ
của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX đối với các chính sách hỗ trợ chung
của Nhà nước. Trong khi đó, Điều 13 cụ thể hóa quy trình lập, thẩm định,
phê duyệt, thực hiện và bàn giao công trình, dự án sử dụng vốn đầu công
nguồn ngân sách nhà nước theo hướng nâng cao sự tham gia của đối tượng
hưởng lợi, phù hợp với quy định pháp luật đầu tư công, nhưng có xét tới
các yếu tố đặc thù và nguyên tắc “đầu tư công, quản trị cộng đồng” đối
với khu vực KTTT. Các dự án hỗ trợ theo hướng đơn lẻ cho từng HTX hoặc
các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có thể lập dự án tổng thể cho nhiều HTX
trên phạm vi cấp tỉnh hoặc theo ngành, lĩnh vực.
Như vậy, các chính sách hỗ trợ HTX đã
được hoàn thiện theo Luật Hợp tác xã năm 2023 và các văn bản hướng dẫn:
Về tiêu chí thụ hưởng, đã quy định rõ các tiêu chí nhằm tăng cường công
khai, minh bạch và lựa chọn được các HTX hoạt động hiệu quả để hỗ trợ,
đặc biệt các chính sách hỗ trợ có quy mô lớn; Nội dung chính sách đã
hướng tới những điểm yếu của HTX (nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn,
tiếp cận đất đai, hạ tầng, trang thiết bị…), cũng như bổ sung các chính
sách mới nhằm hỗ trợ HTX giảm bớt chi phí sản xuất, tăng cường khả năng
cạnh tranh, bắt kịp, tiến cùng các thành phần khác (khoa học công nghệ,
chuyển đổi số, phát triển và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…); Về quy
trình hỗ trợ, đã quy định rõ trình tự, thủ tục và chủ thể thực hiện,
thẩm quyền quyết định trong từng bước. Các quy định mới này được kỳ vọng
sẽ có tác động tích cực, tạo bước ngoặt, thúc đẩy KTTT, HTX phát triển
nhanh và bền vững.
THÁCH THỨC CỦA KHU VỰC KTTT, HTX TRONG KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Kỷ
nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên
giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân đều có cuộc sống
ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng
nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho
hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên
vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát
triển theo chế độ xã hội Xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc
năm châu”.
Như vậy, khu vực KTTT (mà nòng cốt là
các HTX) cùng với các thành phần khác trong nền kinh tế đang đứng trước
những cơ hội và cả những thách thức to lớn cần phải vượt qua nhằm thực
hiện mục tiêu chung, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên
vươn mình của dân tộc. Một số thách thức chủ yếu đối với khu vực KTTT,
HTX là:
Thứ nhất, khu
vực KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, không gian, dư
địa và mục tiêu, yêu cầu từ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước; tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp của khu vực KTTT vào
GDP còn thấp và có xu hướng giảm (hiện nay chỉ còn khoảng xấp xỉ 4%);
số lượng HTX có tăng qua từng năm nhưng chưa cao (bình quân chỉ khoảng
4%-5%/năm); số lượng tổ hợp tác lại có xu hướng giảm (năm 2023 giảm 3%
so với năm 2022; năm 2024 giảm 11% so với năm 2023); quy mô thành viên
HTX không những không tăng mà còn giảm nhẹ qua từng năm (năm 2023 giảm
1,9%; năm 2024 giảm 0,38%).
Thứ hai, phần
lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ lẻ, vốn ít, doanh thu thấp, phạm vi
hoạt động hẹp: thống kê sơ bộ đến hết năm 2024, số HTX đang có dưới 10
lao động chiếm hơn 70% tổng số HTX đang hoạt động; doanh thu bình quân
chỉ đạt 3.551 triệu đồng/HTX/năm; nguồn vốn bình quân đạt khoảng dưới 10
tỷ đồng/HTX… Với quy mô nhỏ lẻ nên các HTX khó có điều kiện để mở rộng
sản xuất kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản
phẩm, cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác.
Thứ ba, hiệu
quả sản xuất, kinh doanh còn thấp: Năm 2023 chỉ có khoảng 55% số HTX có
hoạt động sản xuất, kinh doanh; lãi bình quân một HTX năm 2024 đạt 352
triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên
trong HTX đạt 59 triệu đồng/người/năm… Nhìn chung, lợi nhuận và thu nhập
của lao động khu vực KTTT, HTX tuy có chuyển biến tích cực, nhưng còn
chậm, có nguy cơ tụt hậu xa, giảm khả năng cạnh tranh với các thành phần
kinh tế khác.
Thứ tư, tính
liên kết trong nội bộ HTX còn rất yếu, nội dung liên kết, dịch vụ cho
thành viên còn giản đơn (đến 2024, chỉ có khoảng 24% số HTX nông nghiệp
thực hiện khâu bao tiêu sản phẩm); vấn đề nợ của HTX, tình trạng chiếm
dụng vốn chưa được xử lý dứt điểm. Các hoạt động liên doanh, liên kết
giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến.
Thứ năm, trình
độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý HTX đã được nâng lên nhưng còn
thấp so với các khu vực khác (số cán bộ quản lý HTX đạt trình độ cao
đẳng, đại học chỉ chiếm 24,7% trong tổng số cán bộ quản lý HTX), chưa
sẵn sàng và chủ động chuyển đổi số còn chậm. Một số HTX chưa tuân thủ
nguyên tắc hoạt động theo quy định của pháp luật; thành viên HTX vẫn còn
tâm lý ỷ lại, dựa dẫm hoặc trông chờ hỗ trợ của Nhà nước.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG TIẾP CẬN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KHU VỰC KTTT
Đứng trước những yêu cầu to tớn của đất
nước, khu vực KTTT phải chủ động thay đổi để thích ứng, tồn tại và phát
triển. Tuy nhiên, đối với ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, xã
hội của khu vực KTTT, để khu vực này phát triển tương xứng với tiềm
năng, vị trí, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng
đồng. Sau đây là một số giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận,
nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với khu vực KTTT:
Đối với các bộ, ngành
- Các bộ, ngành tích cực triển khai Luật
Hợp tác xã năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành; chủ động rà
soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh hoặc bãi bỏ các cơ chế, chính sách
thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý chưa phù hợp với tình hình thực tế,
có mâu thuẫn với Luật Hợp tác xã năm 2023 và các văn bản hướng dẫn.
- Bộ Tài chính: Theo dõi, tháo gỡ khó
khăn trong việc lập và phân bổ dự toán thực hiện các chính sách hỗ trợ
phát triển KTTT, HTX theo quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2023 và Nghị
định số 113/2024/NĐ-CP, cân đối bố trí vốn để thực hiện; nghiên cứu, sửa
đổi chính sách thuế, phí và lệ phí cho các HTX theo định hướng tại Nghị
quyết số 20-NQ/TW và đồng bộ với Luật Hợp tác xã năm 2023.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn: Nghiên cứu, đề xất hoàn thiện các chính sách hỗ trợ HTX nông
nghiệp phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2023 và theo định
hướng của Chính phủ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP, ngày 18/7/2023 về phát
triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng
nông thôn mới.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Hướng
dẫn, hỗ trợ các HTX, nhất là các HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản
xuất nông nghiệp được tiếp cận, vay vốn tại các ngân hàng, tổ chức tín
dụng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng ưu đãi cho HTX theo
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 132/TB-VPCP, ngày
01/4/2024.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nghiên
cứu, sửa đổi chính sách đất đai theo định hướng tại Nghị quyết số
20-NQ/TW và đồng bộ với Luật Hợp tác xã năm 2023; nghiên cứu, hướng dẫn
hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền quy định cụ thể về điều kiện mặt bằng đất
đai (quy định riêng) để tham gia dự án khi HTX được hỗ trợ đầu tư kết
cấu hạ tầng như nhà kho, sân phơi, kho lạnh... giúp các HTX tháo gỡ khó
khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.
- Liên minh HTX Việt Nam: Phát huy vai
trò đại diện nòng cốt, hỗ trợ các tổ chức KTTT; tích cực tuyên truyền về
vị trí, vai trò của khu vực trọng yếu này; nâng cao hiệu quả hoạt động
của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trung ương và hướng dẫn nghiệp vụ cho các
Quỹ HTX địa phương.
Đối với các địa phương
- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên
truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước về phát triển KTTT, HTX; nghiên cứu triển khai các quy định tại
Luật Hợp tác xã năm 2023, các quy định tại Nghị định số 92/NĐ-CP ngày
18/7/2024, Nghị định số 113/NĐ-CP ngày 12/9/2024.
- Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo quốc
gia về KTTT, các bộ ngành có liên quan trong quá trình triển khai các
nhiệm vụ, chương trình, đề án phát triển KTTT; tổng hợp, kịp thời báo
cáo các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Luật Hợp tác xã,
các văn bản hướng dẫn Luật và các nhiệm vụ phát triển KTTT về Bộ Kế
hoạch và Đầu tư để kịp thời giải quyết.
- Cân đối bố trí kinh phí năm 2025 và
hàng năm để triển khai các chính sách hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX từ
nguồn ngân sách địa phương quản lý, kinh phí lồng ghép từ các chương
trình mục tiêu quốc gia và các nguồn hợp pháp khác; kiện toàn Quỹ hỗ trợ
phát triển HTX đảm bảo hỗ trợ thúc đẩy HTX phát triển; chỉ đạo cơ quan
chức năng nghiên cứu các quy định tại Nghị định số 113/2024/NĐ-CP, tổng
hợp nhu cầu vốn, hoàn tất hồ sơ thủ tục để hỗ trợ đầu tư phát triển kết
cấu hạ tầng, trang thiết bị cho HTX trong kế hoạch đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2026-2030.
- Củng cố, tăng cường hoạt động của Liên
minh HTX tỉnh, thành phố và các tổ chức đại diện, trong đó vai trò của
Liên minh HTX là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và thúc đẩy phát triển
KTTT; hướng dẫn, chia sẻ thông tin, vận động thực hiện các chính sách
đối với KTTT; cùng với các tổ chức KTTT thực hiện tốt một số nội dung
dịch vụ công theo quy định của pháp luật.
Đối với các tổ chức KTTT, HTX
- Chủ động nghiên cứu Luật Hợp tác xã
năm 2023 và các văn bản hướng dẫn để thực hiện đúng quy định; đề xuất
nhu cầu hỗ trợ (đặc biệt chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ
tầng, trang thiết bị từ nguồn vốn đầu tư công theo hướng dẫn tại Điều
13, Điều 17 Nghị định số 113/2024/NĐ-CP, ngày 12/9/2024) gửi cơ quan
chuyên môn tổng hợp, đảm bảo quy định, tiến độ chung; phản ánh khó khăn
vướng mắc trong quá trình hoạt động tới cơ quan có thẩm quyền để kịp
thời xử lý.
- Chủ động vượt qua những rào cản và
vướng mắc mang tính cố hữu để vươn lên; chuyển biến mạnh mẽ về cả tư
duy, nhận thức và hành động; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu
quả hoạt động theo nguyên tắc chủ động, sáng tạo, không trông chờ ỷ lại
hỗ trợ từ Nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển
đổi xanh, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ hiện đại; phát triển các
tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh
tế tri thức, kinh tế chia sẻ; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị;
phát triển cả số lượng và chất lượng các thành viên, lực lượng lao động
tham gia; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao
động; nâng cao vai trò, trách nhiệm xã hội.
Tóm lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam, qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, khu vực KTTT, HTX
tuy có các giai đoạn thăng trầm khác nhau, nhưng nhìn chung KTTT mà
nòng cốt là HTX đã có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân
tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cùng với kinh
tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc
dân. Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ mang tính bước ngoặt để
đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ
nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cùng với cả hệ
thống chính trị và các thành phần kinh tế khác, khu vực KTTT, HTX cần
nỗ lực, quyết tâm, chủ động và sáng tạo hơn nữa để đáp ứng yêu cầu cạnh
tranh và phát triển bền vững. Chính sách hỗ trợ tại Luật Hợp tác xã năm
2023 và các văn bản hướng dẫn đã được quy định, hoàn thiện theo định
hướng của Nghị quyết số 20/NQ-TW, ngày 16/6/2022, được kỳ vọng sẽ vừa
tháo gỡ khó khăn chung và vừa tác động vào những điểm nghẽn đang cản trở
sự phát triển của khu vực trọng yếu này trong suốt thời gian dài vừa
qua, để khu vực này tự tin cùng các thành phần kinh tế khác tiến vào kỷ
nguyên vươn mình của dân tộc./.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo