Giữa bạt ngàn núi đá và làn sương giăng bảng lảng nơi rẻo cao Tây Bắc, xã Đông Hà (Hà Giang, nay thuộc xã Lùng Tám, tỉnh Tuyên Quang) không chỉ lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông, Dao mà còn nổi bật với những bước chuyển mình mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới.
Trên hành trình phát triển kinh tế xã hội đầy bền bỉ ở Đông Hà, các HTX, tổ hợp tác chính là một trong những điểm tựa, lực đẩy giúp người dân địa phương xây dựng nông thôn mới một cách thực chất và bền vững.
Vùng đất kiên cường vươn mình
Nằm ở cửa ngõ Cao nguyên đá Đồng Văn, Đông Hà là địa phương đặc biệt khó khăn với địa hình chủ yếu là núi đá, đất sản xuất manh mún, khí hậu khắc nghiệt, lại thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Thế nhưng, chính từ trong gian khó ấy, tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của chính quyền và người dân Đông Hà lại được khơi dậy mạnh mẽ, nhất là từ sau khi địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.
Đông Hà (trước sắp xếp) là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế nông thôn
Đông Hà vào những ngày đầu hè khiến nhiều khách ghé thăm không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của vùng quê này. Những ngôi nhà xây khang trang với mái ngói đỏ au vươn lên giữa những thửa ruộng bậc thang xanh mướt. Đường bê tông len lỏi đến từng thôn bản.
Cùng với đó, các tuyến nội đồng được cứng hóa, thuận tiện cho sản xuất và vận chuyển nông sản. Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa đều khang trang, sạch đẹp, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Từ một vùng đất thuần nông, Đông Hà từng bước xác định phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu trọng tâm. Đặc biệt, địa phương đã khơi dậy được vai trò dẫn dắt của các HTX trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương.
Trước khi thực hiện sắp xếp sáp nhập vào xã Lùng Tám, Đông Hà duy trì ổn định 95 ha lúa, 221 ha ngô, 156 ha rau màu, 64 ha cây dược liệu và 22 ha mía. Chăn nuôi phát triển mạnh với hơn 1.470 con trâu, bò, cùng 2.265 con lợn, 13.600 con gia cầm, 140 con dê và 480 tổ ong.
Diện tích nuôi cá ao hồ của toàn khu vực đạt 7 ha. Đây không chỉ là kết quả của sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi hợp lý, mà còn là thành quả từ những mô hình HTX hiệu quả trên địa bàn.
Điểm tựa của người nông dân
Một trong những mô hình điển hình là HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Hà, nơi tập hợp gần 50 hộ dân cùng sản xuất cây dược liệu và rau màu theo quy trình VietGAP.
Ông Sùng Mí Dính, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Trước đây, bà con trồng rau, trồng ngô manh mún, tự tiêu tự túc. Từ khi có HTX, chúng tôi liên kết với doanh nghiệp để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đồng thời được hỗ trợ phân bón, giống cây trồng và tập huấn kỹ thuật từ Liên minh HTX các cấp. Năng suất tăng rõ, đầu ra ổn định, thu nhập người dân cũng cải thiện”.
Không chỉ hỗ trợ sản xuất, các HTX tại Đông Hà còn là đầu mối quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Như HTX Chăn nuôi Cốc Mạ, thành lập từ năm 2020, hiện đang vận hành mô hình nuôi bò sinh sản quy mô 80 con, phối hợp cùng trạm thú y để đảm bảo phòng dịch và giống tốt. HTX đã giúp hơn 30 hộ thành viên vay vốn ưu đãi, hướng dẫn xây dựng chuồng trại và tiêu thụ bò thịt với giá cao hơn thị trường từ 10–15%.
Đặc biệt, trong chương trình cải tạo vườn tạp, Đông Hà đã triển khai các vườn mẫu do HTX hỗ trợ thiết kế và cung ứng giống cây ăn quả như mận, lê, đào, kết hợp trồng xen rau màu ngắn ngày. Nhiều hộ thu được bình quân 110–115 triệu đồng/ha nhờ mô hình trồng mía và cây ăn quả có giá trị cao.
Những thành công trong xây dựng nông thôn mới giúp đời sống của người dân Đông Hà nâng tầm
Nhờ hệ thống HTX hoạt động hiệu quả, thu nhập bình quân của người dân Đông Hà đã tăng lên 43 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,69%. Địa phương có gần 85% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa – một con số đáng nể đối với một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn.
Những thành công của các HTX không thể không nhắc đến vai trò đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang (cũ) trong hành trình phát triển của các HTX tại Đông Hà.
Nhờ các chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh, các HTX nơi đây được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, đào tạo cán bộ quản lý HTX, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và xúc tiến thương mại cho sản phẩm địa phương.
Vững vàng trước sự thay đổi
Không chỉ dừng lại ở nông nghiệp, Đông Hà còn đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và du lịch cộng đồng. Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village và các mô hình homestay, dịch vụ ăn uống, lưu trú đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 8–10 triệu đồng/tháng.
Các HTX dịch vụ du lịch cũng được hình thành để tổ chức các hoạt động trải nghiệm như leo núi, đạp xe, chèo thuyền trên sông Nho Quế, khám phá làng văn hóa Mông... Một số HTX du lịch đang triển khai mô hình “mỗi hộ là một điểm du lịch nhỏ” – một sáng kiến góp phần giữ chân thanh niên ở lại quê hương lập nghiệp.
Trong bối thực hiện chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, Đông Hà chính thức sáp nhập vào xã Lùng Tám kể từ ngày 1/7/2025. Tuy nhiên, tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm giữ vững thành quả xây dựng nông thôn mới vẫn là điểm tựa để địa phương tiếp tục phát triển.
Xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, không có điểm dừng, vì vậy việc hoàn thành 12/19 tiêu chí nông thôn nâng cao là mục tiêu kiên định của người dân Đông Hà. Dù sáp nhập hành chính, Đông Hà vẫn tập trung phát triển HTX, tranh thủ mọi nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ, đặc biệt là từ Liên minh HTX Việt Nam để tiếp tục nâng cao đời sống người dân.
Hành trình xây dựng NTM ở xã Đông Hà là câu chuyện của sự quyết tâm vượt khó, là minh chứng rõ ràng cho vai trò trung tâm của các HTX trong việc tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng cộng đồng văn minh.
Với sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, Đông Hà dù có thay đổi về tên gọi hành chính, nhưng những giá trị bền vững mà HTX mang lại cho người dân nơi đây sẽ mãi không phai mờ.
Theo An Chi/Thời báo kinh doanh