Tiếp tục triển khai chợ sản phẩm trực tuyến cho thành viên hợp tác xã và đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Chợ sản phẩm trực tuyến vcamart.vn đặt kỳ vọng là kênh bán hàng đầu tiên và duy nhất của bà con nông dân, hợp tác xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong xu hướng ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số của thời đại ngày nay.
Cuối tháng 5 vừa qua, tại tỉnh Thái Nguyên, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam đã khai trương Chợ sản phẩm trực tuyến cho HTX và thành viên đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Ông Đinh Hồng Thái, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, ngày 14/10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó, Liên minh HTX Việt nam được giao chủ trì thực hiện và phối hợp với Uỷ ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện nội dung thành phần “Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Tiểu dự án 2 trong Dự án 10 về “Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và MN”.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Đinh Hồng Thái và các đại biểu bấm nút khai trương Chợ sản phẩm trực tuyến Vcamart.vn.
Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã sâu sát, quyết liệt chỉ đạo Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì thực hiện dự án “Hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” (Viết tắt là Chợ sản phẩm trực tuyến).
Để chuẩn bị cho công tác vận hành chợ sản phẩm trực tuyến vcamart.vn, trong giai đoạn 2022-2024, Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn tại 52 tỉnh, thành phố, thu hút hàng chục nghìn lượt học viên là cán bộ hợp tác xã, thành viên và đồng bào vùng DTTS&MN. Nội dung đào tạo bao gồm kỹ năng công nghệ thông tin, xây dựng thương hiệu, marketing sản phẩm, kỹ năng giao tiếp thương mại, và kỹ năng xúc tiến thương mại trên các nền tảng số (các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội, livetream bán hàng…).
Song song với hoạt động đào tạo, công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh với nhiều hình thức như sản xuất videos clip truyền thông, trang thông tin điện tử đồng bào DTTS&MN, bài viết chuyên đề, tổ chức hội nghị, hội thảo, phối hợp tuyên truyền trên báo, đài Trung ương và địa phương các sự kiện.
Đặc biệt, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường đã chủ động huy động nguồn lực xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa hoptacxa.vn, bản đồ số vùng nguyên liệu nhằm kết nối thông tin sản phẩm với vùng sản xuất. Đây là một công cụ quan trọng góp phần minh bạch hóa thông tin sản phẩm, phục vụ đầu tư sản xuất, xúc tiến thương mại, bền vững.
Đến nay, nền tảng Chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào DTTS&MN được đăng ký với các tên miền vcamart.vn; vcamart.com; vcamart.com.vn đã cơ bản hoàn thiện cả về hạ tầng phần cứng và phần mềm. Hệ thống được xây dựng với kiến trúc mở, đảm bảo khả năng tích hợp các công cụ công nghệ hiện đại. Giao diện Chợ sản phẩm trực tuyến được tối ưu hóa cho người dùng có kỹ năng công nghệ hạn chế, hỗ trợ truy cập trên cả máy tính và thiết bị di động. Các tính năng được thiết kế thân thiện, góp phần kết nối hiệu quả giữa người bán và người mua.
Đại diện Viện KHCN và Môi trường giới thiệu về Vcamart.vn.
TS.Lê Tuấn An - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường cho hay, sau thời gian chuẩn bị, thiết kế xây dựng, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường đã hoàn thành sàn thương mại điện tử vcamart.vn - Chợ sản phẩm trực tuyến được xây dựng với kiến trúc mở, đảm bảo khả năng tích hợp các công cụ công nghệ hiện đại hỗ trợ như AI dịch ngôn ngữ, phân tích dữ liệu hành vi người dùng, công cụ hỗ trợ vận hành gian hàng và công cụ kết nối nhanh với hệ thống thanh toán - vận chuyển.
Giao diện được thiết kế tối ưu hóa cho người dùng có kỹ năng công nghệ hạn chế, hỗ trợ truy cập trên cả máy tính và thiết bị di động. Tính năng tìm kiếm, phân loại sản phẩm theo ngành hàng, khu vực địa lý kết nối hiệu quả giữa người bán.
Viện cũng đã hỗ trợ thiết kế gian hàng, đăng ký cho gần 300 HTX và thành viên tham gia chợ sản phẩm trực tuyến vcamart.vn. Đây là các HTX tiêu biểu, có sản phẩm đạt các giải thương như Coop star, Mai An Tiêm, các chứng nhận OCOP từ 3-4 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…
"Việc lựa chọn triển khai trước với nhóm HTX có năng lực sẽ tạo cơ sở thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để triển khai mở rộng đến các sản phẩm OCOP của thành viên HTX, HTX và đồng bảo vùng DTTS và MN", TS. Lê Tuấn An cho hay.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Đinh Hồng Thái phát biểu khai trương Chợ sản phẩm trực tuyến cho HTX và thành viên đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Phát biểu khai trương Chợ sản phẩm trực tuyến, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Đinh Hồng Thái cho rằng, để vcamart.vn đi vào thực tiễn cuộc sống, đem lại giá trị thực tế cho HTX, thành viên và người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, trong những năm tiếp theo cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống Liên minh HTX từ Trung ương đến địa phương và các HTX thành viên.
Theo ông Thái, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực, trong đó có các chương trình mục tiêu của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội khác để hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ đầu tư hạ tầng thiết bị và chuyển đổi số.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hệ thống Liên minh HTX quyết tâm hỗ trợ thành viên HTX và đồng bào vùng DTTS và MN tham gia và sử dụng hiệu quả “chợ sản phẩm trực tuyến”. Đây là sàn thương mại điện tử được Nhà nước hỗ trợ miễn phí gian hàng và các hoạt động hỗ trợ khác như tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số, kỹ năng thương mại điện tử… là cơ hội để bà con liên kết, hợp tác đầu tư sản xuất, hoàn thiện sản phẩm, mở rộng thị trường, phát triển kinh tế.
Cũng theo ông Thái, để phát huy hiệu quả của “chợ sản phẩm trực tuyến”, thời gian tới, cán bộ HTX phải nâng cao kỹ năng bán hàng, tiếp nhận, xử lý thông tin trên các nền tảng số; nâng cao năng lực sản xuất và cam kết trung thực với sản phẩm của HTX sản xuất.
Giao diện của chợ sản phẩm trực tuyến vcamart.vn
Liên minh HTX các tỉnh, thành phố đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn HTX thành viên tham gia bán hàng trên chợ trực tuyến, kiểm tra, rà soát thông tin hàng hóa bước đầu đảm bảo chất lượng và minh bạch thông tin. Tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, quảng cáo để mọi người dân biết đến chợ trực tuyến vcamart.vn và tham gia mua hàng.
"Chợ sản phẩm trực tuyến vcamart.vn đặt kỳ vọng là kênh bán hàng đầu tiên và duy nhất của bà con nông dân, hợp tác xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong xu hướng ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số của thời đại ngày nay. Vcamart.vn chung tay, góp sức cùng bà con nông dân miền núi, vùng sâu vùng xa phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế hội nhập", ông Thái cho biết.
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, đến cuối năm 2024 cả nước có 33.557 HTX, trong đó có 22.415 HTX Nông nghiệp, 11.142 HTX phi nông nghiệp, thu hút hơn 6,139 triệu thành viên (chủ yếu là đại diện hộ gia đình), bình quân mỗi HTX có 183 thành viên.
"Bên cạnh vai trò trách nhiệm trong hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thành viên thì Liên minh HTX Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác tham góp ý, phản biện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX phù hợp với thời kỳ mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đồng thời, các HTX cũng phải chủ động đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thích nghi với tình hình phát triển mới", ông Đinh Hồng Thái - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam.
Nguồn: danviet.vn