Một số câu hỏi thường gặp về hợp tác xã (Phần 3)


Câu 10. Tôi đang có nguyện vọng muốn trở thành thành viên hợp tác xã. Vui lòng cho biết, để gia nhập hợp tác xã, tôi phải góp vốn là bao nhiêu? Thời gian góp vốn được quy định như thế nào? Tôi có được cấp giấy tờ gì để xác nhận việc đã góp vốn hay không?

Trả lời:

Vấn đề mà bạn quan tâm được quy định tại Điều 17 Luật Hợp tác xã. Theo đó, đối với hợp tác xã, vốn góp của thành viên thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của điều lệ nhưng không quá 20% vốn điều lệ của hợp tác xã.

Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ theo quy định của điều lệ, nhưng thời hạn góp đủ vốn không vượt quá 06 tháng, kể từ ngày hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoặc kể từ ngày được kết nạp.

Khi góp đủ vốn, thành viên hợp tác xã được hợp tác xã cấp giấy chứng nhận vốn góp. Giấy chứng nhận vốn góp có các nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên, địa chỉ trụ sở chính của hợp tác xã;
- Số và ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã;
- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của thành viên là cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp cho hộ gia đình;
Trường hợp thành viên là pháp nhân thì phải ghi rõ tên, trụ sở chính, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân;
- Tổng số vốn góp, thời điểm góp vốn;
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã.

Câu 11. Xin cho biết tư cách thành viên hợp tác xã bị chấm dứt trong những trường hợp nào? Thẩm quyền chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã được quy định như thế nào?

Trả lời:

Các trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã được quy định tại Khoản 1 Điều 16 Luật Hợp tác xã. Theo đó, tư cách thành viên hợp tác xã bị chấm dứt khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Thành viên là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị kết án phạt tù theo quy định của pháp luật;
b) Thành viên là hộ gia đình không có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; thành viên là pháp nhân bị giải thể, phá sản;
c) Hợp tác xã bị giải thể, phá sản;
d) Thành viên tự nguyện ra khỏi hợp tác xã;
đ) Thành viên bị khai trừ theo quy định của điều lệ;
e) Thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 03 năm. Đối với hợp tác xã tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 02 năm;
g) Tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên không góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong điều lệ;
h) Trường hợp khác do điều lệ quy định.

Về thẩm quyền quyết định chấm dứt tư cách thành viên hợp tác xã, Khoản 2 Điều 16 Luật Hợp tác xã quy định như sau:

- Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d và e nêu trên thì hội đồng quản trị quyết định và báo cáo đại hội thành viên gần nhất;
- Đối với trường hợp quy định tại các điểm đ, g và h thì hội đồng quản trị trình đại hội thành viên quyết định sau khi có ý kiến của ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên.

Việc giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ đối với thành viên trong trường hợp chấm dứt tư cách thành viên thực hiện theo quy định của Luật Hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã.

Câu 12. Xin cho biết những nội dung cơ bản của Điều lệ hợp tác xã?

Trả lời:

Nội dung cơ bản của Điều lệ hợp tác xã được quy định tại Điều 21 Luật Hợp tác xã. Theo đó, Điều lệ hợp tác xã bao gồm các nội dung cơ bản như sau

1. Tên gọi, địa chỉ trụ sở chính; biểu tượng (nếu có).
2. Mục tiêu hoạt động.
3. Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh.
4. Đối tượng, điều kiện, thủ tục kết nạp, thủ tục chấm dứt tư cách thành viên; biện pháp xử lý đối với thành viên nợ quá hạn.
5. Mức độ thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ; giá trị tối thiểu của sản phẩm, dịch vụ mà thành viên phải sử dụng; thời gian liên tục không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã nhưng không quá 03 năm; thời gian liên tục không làm việc cho hợp tác xã đối với hợp tác xã tạo việc làm nhưng không quá 02 năm.
6. Quyền và nghĩa vụ của thành viên.
7. Cơ cấu tổ chức hợp tác xã; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; thể thức bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; bộ phận giúp việc cho hợp tác xã.
8. Số lượng thành viên, cơ cấu và nhiệm kỳ của hội đồng quản trị, ban kiểm soát; trường hợp thành viên hội đồng quản trị đồng thời làm giám đốc (tổng giám đốc).
9. Trình tự, thủ tục tiến hành đại hội thành viên và thông qua quyết định tại đại hội thành viên; tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bầu đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên.
10. Vốn điều lệ, mức vốn góp tối thiểu, hình thức góp vốn và thời hạn góp vốn; trả lại vốn góp; tăng, giảm vốn điều lệ.
11. Việc cấp, cấp lại, thay đổi, thu hồi giấy chứng nhận vốn góp.
12. Nội dung hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã với thành viên bao gồm nghĩa vụ cung ứng và sử dụng sản phẩm, dịch vụ; giá và phương thức thanh toán sản phẩm, dịch vụ. Đối với hợp tác xã tạo việc làm, nội dung hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã và thành viên là nội dung hợp đồng lao động giữa hợp tác xã và thành viên.
13. Việc cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm mà hợp tác xã cam kết cung ứng, tiêu thụ cho thành viên ra thị trường.
Tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm mà hợp tác xã cam kết cung ứng, tiêu thụ cho thành viên ra thị trường cho từng lĩnh vực, loại hình theo quy định của Chính phủ.
14. Đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết; thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã.
15. Lập quỹ; tỷ lệ trích lập quỹ; tỷ lệ, phương thức phân phối thu nhập.
16. Quản lý tài chính, sử dụng và xử lý tài sản, vốn, quỹ và các khoản lỗ; các loại tài sản không chia.
17. Nguyên tắc trả thù lao cho thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; nguyên tắc trả tiền lương, tiền công cho người điều hành, người lao động.
18. Xử lý vi phạm điều lệ và nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ.
19. Sửa đổi, bổ sung điều lệ.
20. Các nội dung khác do đại hội thành viên quyết định nhưng không trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Câu 13. Xin cho biết hợp tác xã có thể thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 27 Luật Hợp tác xã thì hợp tác xã được lập chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh ở trong nước và nước ngoài.

Chi nhánh là đơn vị trực thuộc của hợp tác xã, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng, nhiệm vụ của hợp tác xã. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã.

Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền nhằm phục vụ cho hoạt động của hợp tác xã.

Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh phải mang tên của hợp tác xã, kèm theo phần bổ sung tương ứng xác định chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh.

Câu 14. Vui lòng cho biết các quy định của pháp luật về đại hội thành viên?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 30 Luật hợp tác xã thì Đại hội thành viên có quyền quyết định cao nhất của hợp tác xã.

Đại hội thành viên gồm đại hội thành viên thường niên và đại hội thành viên bất thường. Đại hội thành viên được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu (gọi chung là đại hội thành viên).

Hợp tác xã có 100 thành viên, hợp tác xã thành viên trở lên có thể tổ chức đại hội đại biểu thành viên. Tiêu chuẩn đại biểu và trình tự, thủ tục bầu đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên do điều lệ quy định.

Số lượng đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên do điều lệ quy định nhưng phải bảo đảm:

- Không được ít hơn 30% tổng số thành viên đối với hợp tác xã có từ trên 100 đến 300 thành viên;
- Không được ít hơn 20% tổng số thành viên đối với hợp tác xã có từ trên 300 đến 1000 thành viên;
- Không được ít hơn 200 đại biểu đối với hợp tác xã có trên 1000 thành viên.

Đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên phải thể hiện được ý kiến, nguyện vọng và có trách nhiệm thông tin về kết quả đại hội cho tất cả thành viên, hợp tác xã thành viên mà mình đại diện.

Nguồn: Sưu tầm
Nguyễn Xuân Tùng
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang