Chuyển đổi số trong các HTX góp phần nâng giá trị nông nghiệp Lào Cai
Nông nghiệp Lào Cai sau 30 năm tái lập tỉnh đã tạo nên sự thay đổi căn bản về chất. Sản phẩm nông sản của các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp được cấp mã số, mã vạch, minh bạch về thông tin là những lợi thế lớn nhất để cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Đây cũng là kết quả của quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đang được triển khai mạnh mẽ ở nhiều địa phương.  

 

Chỉ cần một vài thao tác là chị Loan đã có thể giao dịch được với khách hàng.

HTX Hoa Lợi, thành phố Lào Cai thành lập cách đây 15 năm. Sau nhiều lần chuyển đổi ngành nghề kinh doanh thì hiện nay HTX ổn định kinh doanh với 2 mặt hàng là gạo Séng cù và tương ớt Mường Khương. 2 sản phẩm nông sản này đều đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Nếu trước đây, việc ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các đại lý chị Nguyễn Thị Hồng Loan, Giám đốc HTX Hoa Lợi phải đến các tỉnh thì hiện tại công việc này đã khác. Chị Loan chia sẻ: "Công nghệ 4.0 rồi nên ở bất cứ chỗ nào chỉ cần có điện thoại cầm tay thì tôi đều có thể bán được hàng. Trước đây, phải điện thoại xác nhận đơn hàng, đóng gói, đem đi nhưng bây giờ tôi đứng ở đâu cũng biết được thông tin đặt hàng".

Khi sản phẩm cá nước lạnh không được phân biệt rõ ràng, Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai đã hoàn tất hồ sơ, cấp tem truy xuất cho sản phẩm tươi sống được áp dụng quy trình nuôi cá VietGap. Quá trình thực hiện chế biến sâu, các cơ sở này đã có những sản phẩm được cấp sao OCOP, đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện giao dịch. Ông Trần Chung Hưng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Song Nhi chia sẻ: "Khách hàng chủ yếu quét mã truy xuất nguồn gốc. Gắn tem truy xuất lên tất cả con cá, kể cả cá đã chế biến nên khách hàng rất yên tâm. Chúng tôi đang bắt đầu thử nghiệm gửi đi xa vào Bình Dương, Đà Nẵng. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ thực hiện được".

Quét mã truy xuất nguồn gốc là khách hàng sẽ biết thông tin chi tiết của sản phẩm.

Tại thời điểm tái lập tỉnh, Lào Cai có 240 HTX, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau nhiều lần chuyển đổi mô hình hoạt động theo chỉ đạo của trung ương thì đến thời điểm hiện tại có 267 HTX nông nghiệp, hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Yêu cầu đặt ra đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp trong giai đoạn này là phải thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ, sử dụng tối đa công nghệ số để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản an toàn. Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết: "Đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Đây là nhu cầu thiết yếu để phát triển nông nghiệp, xây dựng hệ thống dữ liệu của ngành, tự động hóa trong các quy trình sản xuất. Người dân sẽ tham gia vào ứng dụng. Người dân vùng cao nếu có smartphone thì có thể làm được việc này".

109 doanh nghiệp, HTX đang tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá các sản phẩm của đơn vị mình trên internet với 177 dòng sản phẩm, giúp nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh và lợi thế sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Công nghệ số đang tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của Lào Cai sau 30 năm tái lập.

Theo Ngọc Hà – Nông Quý/Đài PTTH tỉnh Lào Cai

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang