Để HTX nông nghiệp đứng vững trên đôi chân của mình - Bài 1: “Ngọn nến trước gió”
Đối với sản xuất nông nghiệp, kinh tế tập thể mà trong đó hợp tác xã (HTX) nông nghiệp là mô hình tối ưu hỗ trợ các hộ phát triển sản xuất hiệu quả. Thế nhưng thực tế, số HTX nông nghiệp hoạt động thực sự hiệu quả, trở thành chỗ dựa cho người dân không nhiều.  

HTX hoạt động lay lắt

 

Xã viên HTX nông nghiệp Lương Hải chăm sóc đàn lợn.

HTX nông nghiệp Lương Hải (xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên) được thành lập năm 2016 để đảm bảo tiêu chí về tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới). Với 7 xã viên, HTX là cầu nối để các gia đình phát triển chăn nuôi lợn liên kết với nhau trong sản xuất lợn giống, cung ứng thức ăn gia súc và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Thế nhưng, hoạt động chưa được bao lâu thì chăn nuôi lợn vấp phải cơn bão giá thấp kỷ lục vào năm 2018. Tiếp đó, năm 2019, dịch tả lợn châu Phi cũng khiến người nuôi lợn lâm vào cảnh lao đao. Không những thế, theo Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định về HTX kiểu mới phải có kế toán và thực hiện nghĩa vụ thuế, trong khi HTX nông nghiệp Lương Hải có vỏn vẹn 7 xã viên, hầu hết là những người có quan hệ huyết thống, chỉ có kinh nghiệm về chăn nuôi. Không có chuyên môn về kế toán, HTX phải “mượn” kế toán của đơn vị khác và kết quả là việc kê khai thuế không kịp thời dẫn đến nợ thuế.

Ông Phạm Hồng Điều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lương Hải chia sẻ: Cùng góp vốn sản xuất nhưng chưa thấy hiệu quả kinh tế đâu thì tôi đã phải lên giải trình, sau đó thông báo tạm dừng hoạt động để tính toán lại. Chúng tôi mong được hoạt động trở lại, mở rộng lĩnh vực sang chăn nuôi đà điểu, nuôi hươu lấy nhung, sản xuất lợn giống để nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động, chất lượng, trình độ của các xã viên, tiếp cận nguồn vốn, tổ chức sản xuất của chúng tôi vẫn gặp nhiều khó khăn…

Những khó khăn mà HTX nông nghiệp Lương Hải gặp phải cũng là những khó khăn chung của hầu hết HTX nông nghiệp trên địa bàn. HTX nông nghiệp Lương Hải cũng không phải HTX duy nhất được thành lập và hoạt động “hình thức” để đảm bảo tiêu chí về tổ chức sản xuất ở các xã nông thôn mới. Kinh tế hợp tác chỉ phát huy hiệu quả khi tận dụng được sức mạnh từ “mua chung, bán chung”. Mua chung sẽ mua với số lượng lớn, giảm chi phí đầu vào, mua được tận gốc, tránh được hàng giả và hàng kém chất lượng. Bán chung thì nhờ vào sức mạnh số đông để đàm phán với mức giá tốt nhất và đảm bảo lợi ích chung, tránh tình trạng mạnh ai người nấy bán, bán phá giá dẫn đến việc bị ép giá thường thấy từ phía các tư thương.

Xã viên HTX nông nghiệp Lương Hải chuyển từ nuôi lợn sang nuôi hươu lấy nhung.

Các HTX nông nghiệp được thành lập với mục tiêu để các hộ sản xuất có thể liên kết cùng tiếp cận với vật tư nông nghiệp đầu vào có giá thành thấp; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để tạo ra những sản phẩm đồng đều; tập hợp hàng hóa với quy mô đủ lớn để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường, thoát khỏi sản xuất nhỏ lẻ. Tuy vậy, HTX nông nghiệp hiện nay dường như chưa tập hợp được những hộ sản xuất đủ mạnh và mối liên kết giữa các hộ vẫn còn lỏng lẻo với những hộ cá thể rời rạc. Nhiều HTX hoạt động chưa đúng bản chất của kinh tế tập thể dẫn đến tình trạng HTX được lập ra nhưng hoạt động kém hiệu quả, phải tạm dừng, như ngọn nến trước gió, lay lắt trong vòng xoay của kinh tế thị trường.

Loay hoay trong kinh tế thị trường

Trong kinh tế thị trường, kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Nhiều HTX được thành lập đã bước đầu làm quen với việc tạo dựng những sản phẩm hàng hóa có nhãn mác, có thương hiệu để “đặt chân” vào thị trường hàng hóa sôi động. Bước chân ra biển lớn, những sản phẩm này dường như đơn độc giữa thị trường, rất khó cạnh tranh hoặc khẳng định thương hiệu và trở thành sản phẩm thực sự nổi bật.

Sau 5 năm hoạt động sản xuất đơn lẻ, đến đầu tháng 4/2019, anh Nguyễn Tiến Mạnh, ở thôn Bản Bay, xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) đã mạnh dạn góp vốn cùng 7 thành viên khác để thành lập HTX nông sản, dược liệu Mạnh Hương. Nhiều sản phẩm sản xuất thủ công của HTX được người tiêu dùng đánh giá cao như tinh bột nghệ, hà thủ ô… Không chỉ phát triển thị trường ở trong tỉnh, các sản phẩm của HTX còn được đưa đi tiêu thụ ở một số tỉnh phía Bắc và xuất hiện trên nhiều kệ hàng tại một số siêu thị ở Hà Nội. Các sản phẩm của HTX mặc dù đã có mã vạch, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng nhưng lại vấp phải sự cạnh tranh khá lớn từ các sản phẩm tương tự. Không chỉ chịu sự cạnh tranh về giá, các sản phẩm của HTX còn đứng trước sức ép từ các sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc, làm giả uy tín của sản phẩm chính hãng. Tình hình xuất hàng và thu nhập của các xã viên vì thế mà có phần chững lại.

Theo anh Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc HTX nông sản, dược liệu Mạnh Hương, khó khăn của HTX là tiếp cận khoa học kỹ thuật. Từ khâu sản xuất đến chế biến, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, tất cả đều tự làm và đúc rút kinh nghiệm cho mình. Bên cạnh đó, HTX cũng gặp khó khăn về vốn và phát triển thị trường, dẫn đến việc hoạt động chưa hiệu quả như mong đợi.

Sản phẩm của HTX nông sản, dược liệu Mạnh Hương cũng như hầu hết nông sản được “khai sinh” từ các HTX khác. Những sản phẩm này dù có chất lượng tốt, được HTX và địa phương kỳ vọng nhưng lại chưa đủ sức để cạnh tranh, chưa tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường nông sản. Để những sản phẩm này không đơn độc trên thị trường thì người sản xuất, HTX, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn dường như vẫn loay hoay tìm lời giải.

 

Liên minh HTX tỉnh Lào Cai đã tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện Lào Cai có 104 HTX đủ điều kiện đánh giá. Số HTX hoạt động tốt là 11; số HTX hoạt động khá là 36; còn lại ở mức hoạt động trung bình và yếu. Vẫn còn nhiều HTX chưa tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Hoạt động của các HTX còn thiếu gắn bó, chưa có sự liên kết hệ thống cả về kinh tế, xã hội và tổ chức. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau còn ít, lỏng lẻo, nội dung hạn chế. Do đó, tăng trưởng của khu vực kinh tế HTX đạt thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao, dù số HTX hoạt động có lãi tăng nhưng mức lãi rất thấp. Vẫn còn nhiều HTX hoạt động hình thức, chưa khẳng định được vai trò, uy tín của kinh tế tập thể.

                                         Theo Thanh Nam – Thúy Phượng (Báo Lào Cai)

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang