Để HTX nông nghiệp đứng vững trên đôi chân của mình - Bài 2: Còn nhiều rào cản trong phát triển HTX nông nghiệp
Phần lớn hợp tác xã (HTX) nông nghiệp quy mô nhỏ, thành lập hình thức, thiếu động lực dẫn đến hoạt động yếu kém là điều dễ hiểu, nhưng nghịch lý là ngay cả những HTX tiềm năng, có nhiều cơ hội phát triển cũng gặp những rào cản.

Khó khăn trong tiếp cận chính sách

Nhìn bao quát bức tranh kinh tế tập thể thời gian qua có thể khẳng định, với những chính sách từ phía nhà quản lý đưa ra, phong trào HTX thay đổi rất mạnh mẽ, có nhiều đột phá so với trước. Nhiều mô hình HTX tại các địa phương đã khẳng định được vai trò trong việc làm bệ đỡ cho kinh tế hộ, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Một trong những HTX nổi bật là HTX Chè Bản Liền (Bắc Hà), được thành lập năm 2004 nhằm liên kết giữa người trồng chè và cơ sở chế biến. Việc liên kết này đã xây dựng vùng chè hữu cơ nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, khẳng định được uy tín tại những thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ. Vùng chè hữu cơ tại xã Bản Liền có tổng diện tích hơn 400 ha và gần 100 ha đang trong giai đoạn chuyển đổi. HTX đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các xã viên, giá chè thu mua luôn đạt cao và tăng qua từng năm. Cùng với đó, người dân cam kết sản xuất chè nguyên liệu theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng vùng chè. Hiện khoảng 90% sản lượng chè sau chế biến của HTX xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ. Quy mô sản xuất của HTX hiện chưa đủ đáp ứng nhu cầu từ các đối tác nước ngoài và chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ trong nước do không đủ nguồn nguyên liệu.

Xã viên HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt (Bảo Yên) thăm vườn dâu.

Vậy rào cản nào khiến việc mở rộng vùng chè của HTX Chè Bản Liền gặp khó khăn? Anh Phạm Quang Thận, Giám đốc HTX cho biết: Trong suốt 15 năm kể từ khi thành lập đến nay, HTX chưa vay được vốn từ các ngân hàng thương mại tại Lào Cai do lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá là nhiều rủi ro. Để sản xuất, chúng tôi phải vay vốn tại Hà Nội, quay vòng 6 tháng 1 lần. Mặc dù HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết 12/2018/NQ-HĐND về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có hỗ trợ lãi suất vốn vay với các dự án nông nghiệp, tuy nhiên HTX cũng không thể tiếp cận.

Khó khăn trong vay vốn và tiếp cận các chính sách hỗ trợ không phải chuyện riêng của HTX Chè Bản Liền. Dù hoạt động hiệu quả, sản phẩm khẳng định được thương hiệu nhưng để mở rộng sản xuất và phát huy đúng tiềm năng của những HTX này không phải chuyện dễ dàng. Lào Cai có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có các HTX, nhưng gần như những chính sách hỗ trợ này chưa thể phát huy hiệu quả vì khó tiếp cận.

Cần sức mạnh từ nội lực

Một trong những HTX nông nghiệp nổi bật của tỉnh là HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt (huyện Bảo Yên). Năm 2017, HTX được thành lập để liên kết trồng dâu và nuôi tằm tại một số xã trên địa bàn huyện Bảo Yên với hình thức ký kết hợp đồng từ cung ứng vật tư đầu vào tới bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch

Trong suốt quá trình sản xuất, HTX hướng dẫn kỹ thuật, từng bước cùng người dân thay đổi phương thức sản xuất. Sau hơn 3 năm hoạt động, HTX gần như trở thành “kiểu mẫu” cho các HTX sản xuất nông nghiệp của tỉnh khi quy mô ngày càng mở rộng, tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả kinh tế của xã viên và từng bước tạo nên sản phẩm nông nghiệp chủ lực cho huyện. HTX còn “vươn cánh tay” sang các địa phương khác trong tỉnh như Văn Bàn, Bắc Hà và Si Ma Cai, dần tạo vùng hàng hóa về trồng dâu, nuôi tằm của tỉnh.

Theo ông Bùi Văn Tiến, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt, trung bình người dân tham gia trồng dâu, nuôi tằm có thể thu được 200 triệu đồng/ha. Nếu người dân đầu tư áp dụng công nghệ mới như nuôi tằm trong phòng lạnh, thay giá nuôi tằm từ giá tre sang gỗ, kim loại… thì có thể thu 500 triệu đồng/ha mỗi năm. Tuy nhiên, chi phí đầu tư khá lớn, người dân vẫn giữ thói quen sản xuất truyền thống nên chưa có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư chuyển đổi. Thời gian tới, nếu các hộ tham gia liên kết với HTX mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi sản xuất thì năng suất, sản lượng sẽ lớn hơn, cơ bản đủ đáp ứng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến, sản xuất tơ tằm chuẩn bị đưa vào hoạt động.

Có thể nói, bên cạnh việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn thì khó khăn thường gặp của các HTX là thiếu sức mạnh nội lực. Bản chất của loại hình kinh tế hợp tác là kết nối sức mạnh từ các hộ sản xuất cá thể. Một tập thể mạnh khi được gắn kết từ các hộ cá thể, các xã viên mạnh. Đồng nghĩa với đó, khi các cá thể tham gia loại hình này chưa đủ mạnh sẽ khiến các HTX thiếu sức mạnh nội lực với các mối liên kết lỏng lẻo, không đủ năng lực khi bước chân ra thị trường rộng hơn.

Theo ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX ban hành chậm và thiếu hấp dẫn, khó đi vào cuộc sống, chưa tạo động lực cho kinh tế hợp tác, HTX phát triển. Cơ chế phân bổ vốn trong các chương trình mục tiêu hỗ trợ cho HTX chưa rõ ràng; chính sách hỗ trợ về tín dụng đối với các HTX theo quy định của Nhà nước khó tiếp cận do không có tài sản thế chấp, hỗ trợ đất, giao đất, thuê đất… chưa đưa ra được quy định cụ thể; chưa có chính sách hỗ trợ cho liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, doanh nghiệp và HTX. Nhiều HTX quy mô nhỏ, thành lập và hoạt động mang tính hình thức; các HTX có nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa nhưng chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ và thiếu sức mạnh nội lực đã tạo nên những rào cản cho sự phát triển của loại hình kinh tế hợp tác.

-------------------------------

Bài cuối: Tháo nút thắt và đổi mới để theo kịp xu thế

Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách. Theo đó, có rất nhiều chính sách có lợi cho các HTX như: Nhà nước giao đất không thu tiền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hợp tác xã nông nghiệp xây dựng trụ sở, làm cơ sở sản xuất, kinh doanh...; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một thời gian nhất định đối với HTX nông, lâm, diêm, ngư nghiệp mới chuyển đổi hoặc mới thành lập…

HTX là một loại hình doanh nghiệp, được vay vốn bình đẳng như doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác; các tổ chức tín dụng tăng mức cho vay và tạo thuận lợi về thủ tục vay vốn đối với hộ và các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; các HTX được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay để vay vốn ngân hàng, được vay vốn bằng tín chấp và vay theo dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. HTX được vay vốn từ các chương trình, dự án quốc gia và các tổ chức phi chính phủ, được làm chủ một số dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng các quỹ hỗ trợ phát triển, quỹ bảo lãnh tín dụng cho kinh tế tập thể…

 

 Theo Thanh Nam – Thúy Phượng (Báo Lào Cai)

 

ĐTÁnh
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang