Để HTX nông nghiệp đứng vững trên đôi chân của mình - Bài cuối: Tháo nút thắt và đổi mới để theo kịp xu thế
Không ít hợp tác xã (HTX) trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc thành lập để được nhận các chính sách hỗ trợ. Cấp ủy Đảng, chính quyền một số xã chạy theo thành tích, thành lập HTX “non” để đạt tiêu chí 13 trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Vậy làm thế nào để HTX đứng vững trên đôi chân của mình? Phóng viên Báo Lào Cai đã có cuộc trao đổi với ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về vấn đề này.

Xã viên HTX Tiên Phong Mường Vi (xã Mường Vi, huyện Bát Xát) đóng gói

sản phẩm gạo Séng cù.

Phóng viên: Có một thực tế là số HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thậm chí chờ giải thể vẫn còn nhiều, theo ông, đâu là nguyên nhân?

Ông Chu Hoàng Nguyện: Trong 2 năm 2018 và 2019, có gần 70 HTX được thành lập. Đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 192 HTX nông nghiệp, trong đó có 165 HTX đang hoạt động, 27 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể. Các HTX hoạt động yếu kém, chờ giải thể có nhiều nguyên nhân trong đó có 3 nguyên nhân chính. Đó là khi thành lập không xác định được đúng bản chất của HTX, chưa xuất phát từ nhu cầu phát triển. Hầu hết HTX nông nghiệp hoạt động yếu, kém, chờ giải thể được thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2003, một số HTX thành lập để hoàn thành tiêu chí 13 tại các xã nông thôn mới.

Trình đô%3ḅ quản lý và chuyên môn của cán bô%3ḅ HTX còn hạn chế, nhất là năng lực quản trị và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh của đa số cán bộ HTX còn yếu; cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, kinh doanh của các HTX còn thiếu, công nghệ sản xuất lạc hậu.

Các HTX nông nghiệp thường thiếu vốn do không có tài sản thế chấp, không thể đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Phóng viên: Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển HTX nông nghiệp, nhưng không dễ để các HTX tiếp cận. Vậy đâu là nút thắt, thưa ông?

Ông Chu Hoàng Nguyện: Một số HTX nông nghiệp đã tiếp cận và được hưởng một số chính sách hỗ trợ như thành lập mới, xúc tiến thương mại, đầu tư phát triển hạ tầng, nhưng cũng có nhiều HTX chưa tiếp cận được hoặc rất khó khăn tiếp cận các chính sách trên. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách tại cơ sở còn hạn chế, nhiều địa phương chưa quan tâm đến các HTX; cơ chế hỗ trợ các HTX không rõ ràng.

Chính sách hỗ trợ về tín dụng đối với các HTX theo quy định của nhà nước khó tiếp cận là do các HTX không có tài sản thế chấp; hỗ trợ giao đất, thuê đất khó khăn do các địa phương hầu hết không có quỹ đất. Nguồn vốn hỗ trợ từ các chính sách hầu hết là lồng ghép từ các chương trình, dự án, nhiều nguồn không thể lồng ghép do liên quan đến đối tượng hưởng lợi, trong khi các HTX, các thành viên không thuộc đối tượng hưởng lợi (chương trình giảm nghèo).

Để các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận được các chính sách theo quy định, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách; tăng cường năng lực của cán bộ cơ sở để tư vấn, trợ giúp pháp lý cho các HTX trong việc xây dựng hồ sơ, thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ, đặc biệt về tiếp cận vốn tín dụng và giao đất, thuê đất sản xuất.

Phải điều chỉnh, bổ sung cơ chế, thể chế đối với việc hỗ trợ HTX; bố trí nguồn vốn riêng để thực hiện chính sách hoặc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia phải quy định rõ tỷ lệ đầu tư cho các HTX nông nghiệp; cần có hướng dẫn cụ thể về đất đai để xây dựng hạ tầng…Các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho HTX tham gia các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, các HTX phải chủ động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ quản lý và thành viên HTX để đáp ứng yêu cầu trong xu thế hội nhập.

Phóng viên: Nếu chỉ tháo gỡ những vướng mắc trong tiếp cận chính sách hỗ trợ là chưa đủ. Các HTX nông nghiệp cần tự đổi mới như thế nào để đứng vững trên đôi chân của mình, thưa ông?

Ông Chu Hoàng Nguyện: Các HTX phát triển mạnh hay không vẫn phải từ nội lực là chính. Các HTX nông nghiệp cần tự đổi mới trong công tác quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh; phải năng động, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của HTX và không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. HTX cần có định hướng, kế hoạch rõ ràng, khả thi và tạo ra những sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa, liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã với thành viên.

Phóng viên: Ông có thể cho biết chiến lược phát triển kinh tế tập thể của tỉnh như thế nào cho giai đoạn tiếp theo?

Ông Chu Hoàng Nguyện: Nước ta đang hội nhập sâu rộng thế giới với hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết, vị thế của ngành nông nghiệp gia tăng thông qua cơ hội tham gia chuỗi cung ứng nông sản thế giới. Đây là cơ hội để nông nghiệp đón những dòng đầu tư mới, nhất là đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ ngành nông nghiệp. Để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đòi hỏi phải đẩy mạnh liên kết giữa HTX với thành phần kinh tế khác theo chuỗi giá trị nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu.

Từ những vấn đề cấp bách trên, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 32 về đổi mới và phát triển các hình thức kinh tế hợp tác; UBND tỉnh ban hành Đề án đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có hơn 275 HTX, trong đó hơn 200 HTX hoạt động hiệu quả, không còn HTX tồn tại dưới dạng hình thức. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có hơn 30 HTX ứng dụng công nghệ cao; doanh thu bình quân 1 HTX đạt 3 - 3,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân các thành viên và người lao động trong HTX đạt hơn 65 triệu đồng/người/năm.

Tỉnh Lào Cai cũng đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là hỗ trợ thành lập HTX mới, tổ chức lại hoạt động của các HTX hoạt động kém hiệu quả và giải thể các HTX ngừng hoạt động. Hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước các cấp về kinh tế hợp tác, các cán bộ quản lý hợp tác xã, đào tạo nghề cho thành viên các HTX tại các vùng sản xuất chủ lực. Hỗ trợ thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX. Hỗ trợ các HTX xây dựng cơ sở vật chất, vay vốn, xúc tiến thương mại, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất; ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến, quản trị kinh doanh.

Tỉnh cũng đề ra 6 giải pháp cụ thể: Đẩy mạnh tuyên truyền; nâng cao năng lực cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác và đội ngũ quản lý HTX, tổ hợp tác; củng cố, kiện toàn các hình thức tổ chức sản xuất; bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; huy động các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm, 6 giải pháp nói trên, chắc chắn kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX sẽ phát triển mạnh, trở thành thành phần kinh tế quan trọng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Thanh Nam – Thúy Phượng (Báo Lào Cai)

 

 

ĐTÁnh
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang