Đi đầu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Nắm xu hướng hội nhập và yêu cầu ngày càng cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành nông nghiệp Lào Cai đã sớm định hướng, đi đầu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

 

Nói đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ không thể không nhắc tới Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà, đơn vị đi đầu trong sản xuất, chế biến sản phẩm chè đạt nhiều chứng chỉ hữu cơ châu Âu và quốc tế. Cách đây gần 20 năm, khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn ít được nhắc tới thì sản phẩm chè hữu cơ Bản Liền (Bắc Hà) đã có “visa” để đến với người tiêu dùng châu Âu. Đó là Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu (EC Regulation No.834/2007); Chứng nhận tiêu chuẩn Canada và Mỹ (Canada Organic Regime Can/CGSB 23.310 and Can/CGSB 32.311) do tổ chức IACE-Italy và ATC-Thailand chứng nhận và Chứng nhận Fairtrade Certificate - Ban Lien Organic tea Cooperative (chè hữu cơ thương mại bình đẳng)… mà đến thời điểm hiện tại, vẫn còn rất ít đơn vị trong tỉnh, trong nước có thể đạt được. Hiện, mỗi năm, hợp tác xã xuất khoảng 200 tấn chè hữu cơ đã qua chế biến sang thị trường châu Âu.

anh tin bai

Xã Bản Liền (Bắc Hà) đi đầu trong trồng chè hữu cơ.

Ông Phạm Quang Thận, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà cho biết: Năm nay, chúng tôi không có đủ sản phẩm để cung ứng cho đối tác ở thị trường châu Âu. Tháng 8 vừa qua, hợp tác xã tham gia Hội chợ nông nghiệp hữu cơ tại Đức, thông qua hội chợ này chúng tôi đã ký được hợp đồng tiêu thụ 40 tấn chè khô. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể cung ứng được cho các đơn vị này 20 tấn trong năm 2022, còn lại phải chuyển sang năm 2023. Bên cạnh những sản phẩm đã có, chúng tôi dự định đầu tư dây chuyền, sản xuất thêm một số sản phẩm khác (hồng trà, bạch trà, trà xanh). Riêng vùng nguyên liệu chè cổ thụ tại xã Tả Củ Tỷ sẽ dành cho sản xuất trà phổ nhĩ. Tất cả quy trình đều tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong nước và quốc tế.

Mô hình trồng chè hữu cơ tại huyện Bắc Hà có năng suất chè thấp hơn mức bình quân của các vùng chè sản xuất theo phương thức truyền thống, nhưng giá bán sản phẩm chè hữu cơ tăng 2,5 - 3 lần so với chè thông thường nên giá trị thu nhập tăng hơn 30%. Sản phẩm chè làm ra cũng được thị trường ưa chuộng, cung không đủ cầu khiến người dân ngày càng yên tâm sản xuất theo mô hình này.

Ngoài mô hình trồng chè hữu cơ, hiện huyện Bắc Hà có hơn 2.200 ha quế đạt Chứng chỉ hữu cơ quốc tế. Quế hữu cơ nguyên liệu có giá bán cao hơn, thị trường ổn định hơn quế canh tác truyền thống. Không những thế, người dân tham gia các mô hình sản xuất hữu cơ còn được các công ty, đơn vị liên kết trả thưởng hàng tỷ đồng mỗi năm.

anh tin bai

Nhiều diện tích quế ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà đạt chứng chỉ hữu cơ quốc tế.

Cũng là vùng sản xuất quế lớn của tỉnh, những năm qua, huyện Văn Bàn rất quan tâm, kêu gọi doanh nghiệp, người dân phát triển các vùng nguyên liệu quế, liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ. Huyện hiện có 8.575 ha quế, trong đó hơn 3.500 ha cho thu hoạch, diện tích quế hữu cơ 1.300 ha.

Theo rà soát của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh có hơn 4.200 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, là địa phương có diện tích nông nghiệp hữu cơ “top” đầu cả nước. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ thu hút 4 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã đầu tư liên kết tiêu thụ với sự tham gia của 2.500 hộ nông dân. Một số sản phẩm nông sản chủ lực (quế, chè) với diện tích lớn tập trung đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (3.503 ha quế hữu cơ tại huyện Văn Bàn và huyện Bắc Hà; gần 700 ha chè hữu cơ tại huyện Bắc Hà). Người dân huyện Bắc Hà cũng đang chuyển đổi 460 ha chè, chuẩn bị các bước chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế; một số diện tích rau ở Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát… cũng đạt các chứng chỉ hữu cơ của Việt Nam.

anh tin bai

Sản phẩm quế hữu cơ đã đủ tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 11 ngày 28/7/2022 về tăng cường sản xuất nông nghiệp hữu cơ các ngành hàng chủ lực tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung thực hiện 3 nội dung trọng tâm về xây dựng các ngành hàng chủ lực đạt tiêu chuẩn hữu cơ; tuyên truyền, đào tạo, tập huấn và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số quản lý vùng sản xuất để giám sát quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 15.500 ha quế, 1.670 ha chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, còn phát triển 480 ha cây ăn quả (chuối, cây ăn quả ôn đới), 80 ha rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc gia để phục vụ thị trường trong nước.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển, ngành nông nghiệp đang rà soát, khoanh vùng khu vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững. Hình thành vùng nguyên liệu hữu cơ để phục vụ sản xuất, chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn tổ chức sản xuất và chứng nhận hữu cơ. Đặc biệt, thúc đẩy kết nối liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp, thành lập các hiệp hội để chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu, phát triển thị trường, đưa các cơ chế, chính sách sản xuất nông nghiệp hữu cơ... Gắn phát triển vùng nguyên liệu tập trung theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hữu cơ với thu hút, kêu gọi đầu tư các cơ sở chế biến sâu có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao.

Theo Đức Phương/Báo Lào Cai

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang