Các mô hình
kinh tế hợp tác, nhất là các hợp tác xã (HTX) vốn không mạnh về cạnh tranh trên
thị trường. Bởi vậy, khi dịch Covid-19 bùng phát, tất cả loại hình kinh tế chịu
ảnh hưởng tiêu cực thì các HTX cũng không ngoại lệ, khó khăn chồng chất khó
khăn. Khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, các HTX bắt đầu vượt khó để hoạt động
trở lại. Thế nhưng, đợt dịch mới bùng phát khiến các HTX dường như chịu thêm một
“vết thương mới” trên chính vết thương cũ chưa kịp lành.
Nhiều lao động trong lĩnh vực HTX, đặc biệt tại các HTX công
nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bị mất việc làm (ảnh minh họa).
|
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 khiến kinh tế toàn
cầu chịu ảnh hưởng nặng nề. Tại Lào Cai, các hoạt động giao thương, liên kết
sản xuất, dịch vụ, du lịch, giao thông, vận tải… đều chịu ảnh hưởng tiêu cực
bởi dịch bệnh. Toàn tỉnh hiện có 270 HTX đang hoạt động, 128 HTX ngừng hoạt
động và chờ giải thể. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2020,
do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có 5 HTX nông nghiệp dừng hoạt động, gồm: HTX
Nông - lâm nghiệp và Dịch vụ Bản Cầm; HTX Làng Hang; HTX Hoa Hồng; HTX Nuôi và
chế biến cá tầm, cá hồi; HTX Trung Chải. Nguyên nhân dừng hoạt động được xác
định do giá thành các loại nông sản giảm, chi phí vận chuyển tăng gấp 2 lần
trong khi sức tiêu thụ các mặt hàng đều giảm từ 23 đến 30% so với cùng kỳ năm
2019 dẫn đến sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả. Bên cạnh đó, các HTX này có quy
mô hoạt động nhỏ, hiệu quả không cao, chịu thêm ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến
việc dừng toàn bộ hoạt động là không tránh khỏi.
Không chỉ tạo áp lực lớn với những HTX nhỏ, hoạt động yếu, ảnh
hưởng của dịch bệnh cũng khiến nhiều HTX đang hoạt động hiệu quả cũng phải đối
mặt với nhiều thách thức. HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Đạt là một trong
những HTX hoạt động hiệu quả nhất của huyện Bảo Yên nói riêng và tỉnh Lào Cai
nói chung. HTX liên kết trồng dâu, nuôi tằm bên cạnh chăn nuôi gia cầm, buôn
bán phân bón, thức ăn và nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy
sản. Với hơn 200 ha cây dâu đang cho thu hoạch lá nuôi tằm, từ tháng 4/2020 đến
nay, HTX đã liên kết với người dân nuôi hơn 3.000 vòng tằm, sản lượng gần 68
tấn kén. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các vùng sản xuất nguyên
liệu kén tằm không có đầu ra, giá kén xuống thấp, các cơ sở lớn tại tỉnh Nam
Định ngừng thu mua và các cơ sở nhỏ mua với giá rất thấp (từ 80.000 đồng/kg
xuống còn 60.000 đồng/kg) và chỉ thanh toán trước 30% tiền mua kén, phần còn
lại thanh toán sau khi xuất được hàng. Vì vậy, trong thời gian dịch bệnh, HTX
gặp khó khăn lớn về nguồn vốn để thu mua, thanh toán tiền cho người dân. Ông
Bùi Văn Tiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt cho biết: HTX mong
được vay vốn với lãi suất thấp để hỗ trợ giá chênh lệch thu mua kén tằm cho
người dân.

Kiểm tra sự sinh
trưởng của cây dâu tằm tại xã Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên).
Còn trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, việc duy
trì hoạt động trong mùa dịch cũng gặp không ít khó khăn. Hầu hết HTX phải thu
hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, đặc biệt là các HTX dịch vụ đều ngừng
hoạt động. Khi dịch bệnh bước đầu được kiểm soát, khách du lịch trong nước tăng
dần, HTX trong lĩnh vực này bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, đến tháng 7,
khi Việt Nam đối mặt với đợt dịch mới, các HTX này lại thêm một lần “bế quan”.
Tương tự, trong lĩnh vực giao thông vận tải, tín dụng và xây dựng, các HTX đều
đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thậm chí nhiều thời gian
phải tạm ngừng hoạt động.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, dịch Covid-19 ảnh hưởng
rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của các HTX. Hơn 800 người lao động trong lĩnh
vực kinh tế hợp tác mất việc làm. Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu bình
quân của các HTX đang hoạt động (270 HTX) cũng giảm tới 60% so với cùng kỳ năm
2019.
Để gỡ khó cho các HTX trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến
phức tạp, ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đề xuất: Tỉnh cần
có chính sách hỗ trợ về xúc tiến thương mại cho các HTX. Các huyện, thành phố,
thị xã cần rà soát, đánh giá thiệt hại của các HTX do dịch Covid-19 gây ra. Bên
cạnh đó, kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào
Cai có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các HTX đang vay vốn của các tổ chức tín
dụng mà bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Thúy Phượng (Báo Lào Cai)