Kinh tế hàng hóa bội thu tạo cú huých giảm nghèo ở vùng biên Mường Khương
Một trong những cây trồng đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Mường Khương chính là cây dứa. Cây trồng này đang được ngành nông nghiệp đánh giá cao nên việc áp dụng kỹ thuật sản xuất rải vụ sẽ giúp người dân tăng thu nhập tối đa, hạn chế tình trạng được mùa rớt giá.
Đi lên từ những cây thế mạnh
Một trong những địa phương phát triển mạnh cây trồng này theo hướng hàng hóa chính là xã Bản Lầu. Xã cũng đã thành lập HTX Thịnh Phong để phối hợp với các hộ dân trồng dứa tại các xã Bản Lầu, Lùng Vai sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, được cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Có một điều là vào vụ trồng dứa, nhiệt độ cao, nắng nhiều làm dứa cháy nắng, mất giá trị, giảm giá bán nên HTX đã tiến thành trồng xen kẽ với cây ngô một mặt để tăng thu nhập, một mặt để ngô che nắng cho dứa. Đi liền với đó, trồng dứa rải vụ giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho thành viên, người dân. Nếu dứa chính vụ bán với giá 3.000 - 3.500 đồng/kg thì dứa rải vụ có thể bán được 6.000 - 8.000 đồng/kg.
Hiện nay, xã Bản Lầu đã phát triển lên khoảng 1.200ha dứa, sản lượng hằng năm khoảng 25.000 - 27.000 tấn. Diện tích dứa rải vụ toàn xã là 20ha. Riêng HTX Thịnh Phong đang có 14ha dứa đạt tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng hình thức rải vụ.
Ngoài Bản Lầu, hiện toàn huyện Mường Khương đang có khoảng 2.200 ha dứa và Mường Khương cũng được gọi là thủ phủ trồng dứa của tỉnh, sản lượng năm 2023 khoảng 36.500 tấn. Hiện ngoài cung cấp dứa tươi cho thị trường, người dân, các HTX trên địa bàn đang đẩy mạnh chế biến nhằm nâng cao giá trị, mở rộng đầu ra. Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian tới, HTX Thịnh Phong sẽ phối hợp với các ngành chức năng cấp mã số vùng trồng cho quả dứa để hướng tới xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Không chỉ dừng lại ở cây dứa, chè cũng là một trong những cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình tại Mường Khương. Đặc biệt, nhiều hộ thuộc diện nghèo đã được ngành chức năng hỗ trợ trồng chè hàng hóa.
Anh Lý Chính Mình (thôn Sín Lùng Chải, xã Lùng Khấu Nhin), trung bình 1 ha chè, gia đình thu được gần 10 tấn chè búp tươi (từ đầu năm đến nay), mang lại thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với cây ngô. Tính trung bình với giá bán dao động từ 6-8 nghìn đồng/kg, anh thu về khoảng 40-50 triệu đồng.
Sản xuất hàng hóa, liên kết chế biến giúp nâng cao thu nhập, hỗ trợ người dân giảm nghèo.
Còn tại xã Bản Sen, người dân trồng chè được HTX Bản Sen thu mua phục vụ chế biến xuất khẩu. Ông Trần Mạnh Thắng, Phó Giám đốc HTX Bản Sen, cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, HTX thu mua của người dân khoảng 720 tấn chè búp tươi và xuất khẩu ra thị trường thế giới được khoảng 160 tấn khô. Bên cạnh đó, HTX còn nhân giống cây chè để cung cấp cho bà con mở rộng diện tích và hướng dẫn bà con chăm sóc, bón phân, tỉa lá và cách thu hoạch chè đúng cách…
Hiện, Mường Khương đang có khoảng 5.000 ha chè. Đây là một trong những cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ thoát nghèo, nâng cao đời sống. Chính vì vậy, các ngành chức năng của huyện đang tích cực hỗ trợ người dân, HTX trồng chè trong việc phát triển vùng nguyên liệu, liên kết chế biến tiêu thụ theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo
Để thuận lợi hơn trong triển khai chính sách giảm nghèo và phát triển các cây trồng chủ lực, huyện đã ban hành và thực hiện Nghị quyết số 10 - NQ/TU, ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về "Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Cụ thể là huyện đã tích cực hỗ trợ người dân, HTX khai thác lợi thế địa phương để phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Đến nay, ngoài vùng trồng chè, dứa, Mường Khương còn phát triển được các vùng hàng hóa tập trung như vùng trồng ớt, trồng quýt, rau, chuối, gạo Séng Cù… Đặc biệt, nhờ xây dựng được các vùng hàng hóa quy mô lớn, Mường Khương đã thu hút được các doanh nghiệp, HTX đầu tư, hỗ trợ người dân tiêu thụ thông qua hoạt động chế biến.
Tiêu biểu như Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu với quy mô sản xuất 10.000 tấn nông sản/năm; HTX chè Mường Khương có công suất chế biến 10.000 tấn chè búp tươi/năm, HTX Bản Sen với công suất chế biến 5.000 tấn chè búp tươi/năm, HTX Cộng đồng Mường Khương với công suất sơ chế 500 tấn nông sản/năm…
Những mô hình này đang tạo việc làm cho khoảng 9.000 lao động, giúp người dân không phải tha hương, góp phần tích cực vào tiêu chí giảm nghèo đa chiều. Hiện thu nhập bình quân đầu người tại Mường Khương đạt 28,78 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 39,74%. Trong khi đó, cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn còn khoảng gần 47%.
Cú huých từ chính sách
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường Khương cho biết, khí hậu của huyện rất thích hợp cho phát triển các loại cây như chè, dứa, quýt, chuối… theo hướng hàng hóa. Các nông sản được trồng ở đây đều có chất lượng đặc trưng so với các vùng khác. Đồng thời, huyện Mường Khương có nhiều HTX, doanh nghiệp liên kết thu mua bao tiêu nông sản cho bà con nên họ yên tâm hơn về đầu ra. Đến thời điểm này, các loại cây như chè, dứa, quýt, chuối đều đang phát triển theo hướng bền vững, đây sẽ là chìa khóa để cho người dân các xã vùng cao từng bước vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt, để hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiếp cận các chính sách giảm nghèo. Đây được coi là một trong những cú huých trong giảm nghèo của huyện. Chỉ trong năm 2022, toàn huyện đã có 2.200 hộ cận nghèo, hộ nghèo tạo điều kiện vay vốn từ các chương trình như: tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay tín dụng học sinh - sinh viên, tín dụng giải quyết việc làm, cho vay đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn…
Vì người dân hầu hết chưa có kiến thức về sản xuất hàng hóa tập trung nên Mường Khương đã tích cực tổ chức đào tạo nghề sản xuất các loại cây trồng theo hướng liên kết. Trong đó, năm 2023, huyện đã đào tạo nghề cho 535 lao động về sản xuất nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp cho 70 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 53,5%.
Mường Khương cũng đã thành lập được 124 tổ hợp tác, 22 HTX nông nghiệp. Đây là con số đáng khích lệ vì trước đó, tỷ lệ HTX của huyện rất thấp, năm 2018 cũng chỉ có chưa đầy 5 HTX nên việc phát triển sản xuất kinh doanh của người dân rất khó khăn. Không chỉ các HTX đã phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi, đẩy mạnh chế biến, đến nay huyện đã có 64/124 tổ hợp tác xây dựng quy chế hoạt động, 52/124 tổ hợp tác đã tổ chức ký hợp đồng với doanh nghiệp, HTX, cơ sở chế biến.
Tuy nhiên, một rào cản trong thu hút thêm các nhà đầu tư vào phát triển nông nghiệp tại Mường Khương chính là hạ tầng giao thông, quy hoạch sử dụng đất. Theo ông Lê Thanh Hoa, nếu giải quyết được 2 rào cản này thì huyện sẽ có thêm nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nhiều tổ hợp tác, HTX nữa sẽ được thành lập, mở rộng từ đó tiếp tục giúp Mường Khương hoàn thành mục tiêu giảm ít nhất 8% tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm.
Theo Tùng Lâm/Thời báo kinh doanh