Nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương
Nức tiếng trong cả nước là mảnh đất có nhiều đặc sản nông nghiệp, thời gian qua, nông sản Lào Cai đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.

Đánh giá sản phẩm OCOP.

Điều dễ nhận thấy, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, hầu hết nông sản của Lào Cai đã khẳng định được vị thế trên sàn giao dịch thương mại nông sản trong cả nước. Ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn khẳng định: Tham gia chuỗi sản xuất sản phẩm OCOP, tư duy nhận thức của nông dân đã dần thay đổi, mạnh dạn tiếp cận khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, thương mại điện tử trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP đã trở thành bệ phóng cho nông sản ngày càng đạt chất lượng cao hơn, bắt nhịp với xu thế thương mại hóa toàn cầu.

Sau gần 3 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn vùng cao Lào Cai phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có 123 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao đến 4 sao; có 71 doanh nghiệp, hợp tác xã với 266 sản phẩm đã gắn tem truy xuất nguồn gốc QR-Code, 60 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá trên hệ thống thương mại điện tử. Đến nay, những sản phẩm đã được phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, với một số huyện vùng cao có thế mạnh về nông nghiệp, chương trình OCOP đã tiếp thêm nguồn lực để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Khách hàng trải nghiệm sản phẩm của HTX Cồ Dề Chải, xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà.

Mường Khương, một trong những địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp và đã hình thành các vùng chuyên canh rõ nét, thì chương trình OCOP như luồng sinh khí mới, khơi dậy tiềm năng nông nghiệp vốn có. Huyện hiện có 13 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý, được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu. Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương khẳng định: Một số nông sản của Mường Khương ngày càng khẳng định giá trị, như gạo Séng cù, tương ớt Mường Khương, chè Tuyết Shan; dứa, chuối… Chương trình OCOP đã mở cánh cửa cho nông sản Mường Khương hội nhập với thị trường nông sản trong cả nước.

Không riêng Mường Khương, chương trình OCOP đã lan tỏa hầu hết các địa phương, tạo động lực phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh của các ngành, nghề truyền thống, đặc sản địa phương. Đơn cử như huyện Bảo Yên, việc phát triển sản phẩm OCOP cũng dựa trên tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp địa phương. Đến nay, huyện Bảo Yên đã có 11 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó mật ong Thanh Xuân, chè xanh Ô long Đại Hưng, tinh dầu quế Bảo Yên… không chỉ góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm, mà còn mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân, doanh nghiệp tham gia trong chuỗi giá trị từ cung cấp nguyên liệu, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Chè Đại Hưng cho biết: Sản phẩm chè của Công ty đạt tiêu chuẩn OCOP cũng đồng nghĩa uy tín sản phẩm với đối tác, bạn hàng cũng được nâng lên. Do yêu cầu cao về chất lượng đòi hỏi Công ty phải đầu tư dây truyền, thiết bị để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn.

Hầu hết khi tham gia chương trình OCOP, các chủ thể hướng đến sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định. Vì thế, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như các cơ sở sản xuất sản phẩm và dịch vụ đã thay đổi căn bản tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô, đặc biệt đã tạo ra các liên kết chuỗi, vùng sản xuất hàng hóa, đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Đích đến cuối cùng của hầu hết chủ thể tham gia chương trình OCOP là mong muốn sản phẩm làm ra được nâng tầm, khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo đó, các cơ sở  sản xuất dịch vụ OCOP đã xây dựng được chuỗi liên kết với hộ gia đình để thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất. Điển hình như sản phẩm chè có hơn 4.900 ha với khoảng 6.000 hộ tham gia; gạo Séng cù có 1.200 hộ tham gia trồng 400 ha lúa; tương ớt Mường Khương có 120 ha với 755 hộ tham gia… Các sản phẩm được nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu, mẫu mã đẹp, tạo sự yên tâm, tin tưởng cũng như sự hài lòng của người tiêu dùng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, sản phẩm OCOP Lào Cai đang dần hướng đến thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, để nối dài cánh tay đưa các sản phẩm OCOP vươn xa thị trường, tỉnh xác định đòn bẩy quan trọng là quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại. Do vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tích cực định hướng cho các chủ thể sản xuất tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại 14 hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong năm 2020, tỉnh đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng cai tổ chức thành công Hội chợ Nông nghiệp và các sản phẩm khu vực phía Bắc tại Lào Cai, thu hút 180 tổ chức, doanh nghiệp tham gia với hơn 300 gian hàng và các khu trưng bày sản phẩm. Đồng thời, các địa phương chủ động phối hợp tích cực với Bưu điện tỉnh Lào Cai đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart…

Khẳng định những ưu việt từ chương trình OCOP, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, không chỉ thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, phát huy được lợi thế sản vật ở các địa phương, chương trình OCOP còn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã phát huy nội lực, tích cực tham gia hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chú trọng chất lượng sản phẩm đầu vào và đầu ra.  Chương trình OCOP đã và đang góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Lào Cai, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của các địa phương phát triển bền vững.

Theo Minh Hà/Báo Lào Cai

 

 

 

 


 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang