Trước khi trở thành “thuyền trưởng” của HTX Mường Kim, tạo việc làm thu nhập ổn định cho hàng chục lao động trên địa bàn thôn Cửa Cải, xã Mường Vi, huyện Bát Xát, anh Vàng Văn Sưởng cũng trải qua quãng thời gian vật lộn với cơm áo gạo tiền như bao thanh niên khác ở địa phương.
Có chí thì... thành triệu phú
Nhưng khác với đa số những người con của vùng đất khó Mường Vi, anh Sưởng không chịu ngồi yên chịu đựng cái nghèo mà quyết tâm tìm ra hướng đi mới để làm giàu trên chính ruộng đồng quê hương mình. Và, loại cây anh chọn để thay thế cho cây lương thực truyền thống là dược liệu.
Câu chuyện truyền cảm hứng của anh Sưởng bắt đầu từ năm 2010, khi dự án “Nâng cao năng lực tự chủ về sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số” của một tổ chức phi chính phủ được triển khai tại xã Mường Vi với mục tiêu “Bảo tồn và phát triển cây thuốc cổ truyền” tỉnh Lào Cai.
Khi đó, với những hoạt động sản xuất gây ấn tượng trước đó, anh Sưởng được chọn làm thí điểm và nhận được sự giúp đỡ của cán bộ dự án giúp triển khai vườn thuốc nam, trong đó chú trọng trồng một số cây dược liệu quý, đặc trưng của địa phương để thử nghiệm chiết xuất tinh dầu.
Với điểm tựa HTX, cây dược liệu đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở Lào Cai.
Để có kinh nghiệm trồng dược liệu và chiết xuất tinh dầu chất lượng cao, bên cạnh tìm hiểu qua sách vở, anh Sưởng khăn gói lên đường đến các vùng trồng dược liệu mạnh ở Hà Giang, Lai Châu, thậm chí vào tận Kon Tum để tìm kiếm kiến thức, đồng thời kết nối các mối quan hệ, mở cửa thị trường khi cần.
Năm 2016, sau hơn 5 năm trải qua đủ thất bại, gặt hái thành công ban đầu, anh Sưởng quyết định thành lập HTX Mường Kim, kêu gọi thêm nguồn vốn góp của thành viên để xây nhà xưởng, mua máy chưng cất tinh dầu với công suất gần 4 tấn nguyên liệu, sản xuất ra khoảng 30 lít tinh dầu/ngày.
Để có thêm nguồn nguyên liệu, gia đình anh đã cung cấp giống, vận động người dân trong thôn, xã Mường Vi và cả các xã lân cận liên kết sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng cao.
"Bắt tay" cùng làm giàu
Đáng chú ý, nhờ kết nối tốt với các đối tác kinh doanh, 100% sản phẩm chất lượng cao của HTX Mường Kim đang được bao tiêu. Bên cạnh việc xuất bán cho các công ty lớn ở Hà Nội, HTX còn đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, coi trọng khâu đóng gói để chinh phục thị trường bán lẻ.
Kể từ năm 2021 đến nay, HTX Mường Kim duy trì kinh doanh ổn định, doanh thu bình quân đạt trên dưới 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 600 triệu đồng. Nhờ đó, HTX tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và hơn 30 lao động thời vụ tại địa phương.
Năm 2022, “thuyền trưởng” của HTX Mường Kim Vàng Văn Sưởng vinh dự là một trong 2 đại diện của tỉnh Lào Cai được nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc. Anh Sưởng cũng trở thành tấm gương sáng, địa chỉ tin cậy để người dân trong và ngoài địa phương tìm đến học hỏi cách làm giàu.
Cũng đi lên từ hai bàn tay trắng rồi thành lập HTX để truyền cảm hứng thoát nghèo, làm giàu cho người dân địa phương là chị Nguyễn Thị Hà, người sáng lập HTX Thịnh Phong, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương. Vẫn là những vật nuôi, cây trồng quen thuộc tại địa phương, chị Hà đã có những cách làm sáng tạo để nâng cao giá trị sản xuất.
“Hiện, sản phẩm dứa tươi là mặt hàng chủ lực, thúc đẩy giảm nghèo, làm giàu của thành viên, người lao động HTX Thịnh Phong. Bên cạnh 14 hộ thành viên và 25 hộ liên kết trồng dứa, HTX còn đứng ra thu mua dứa của người dân, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho những đơn hàng lớn. Lúc cao điểm, bình quân mỗi ngày HTX xuất bán ra thị trường hàng chục tấn”, chị Hà cho hay.
Lào Cai dự kiến nhân rộng các HTX điểm để thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương.
Cùng với sản phẩm dứa đóng gói, những năm gần đây, khi hàng rào chất lượng xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng cao, chị Hà cùng HTX chuyển hướng chú trọng hơn vào thị trường trong nước, đồng thời định hướng thành viên “xoay trục” sang trồng thêm các loại cây mới như sắn và ngô.
Sự thích nghi, chuyển đổi linh hoạt theo thị trường đang giúp HTX Thịnh Phong liên tục có bước tiến vững chắc, tạo điểm tựa để chị Hà cùng các thành viên vươn lên làm giàu. Thu nhập bình quân của người lao động HTX hiện đạt 45-80 triệu đồng/năm.
Nhân rộng các mô hình điểm
Hàng loạt mô hình điểm cho thu nhập cao, tạo động lực cho những “nông dân tỷ phú” ra đời, đang chứng minh các chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên ở Lào Cai đang đi đúng hướng, dù vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn do cơ sở vật chất thiếu thốn, đặc thù tự nhiên, khí hậu.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống một số loại cây trồng nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng, đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Việc chuyển đổi nhằm khai thác được những lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Đơn cử, với cây chè - một trong những cây trồng chủ lực, tỉnh có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong những năm tới. Dự kiến đến năm 2025, người dân sẽ trồng mới 1.924ha chè, nâng tổng diện tích chè toàn tỉnh đạt 8.420ha, tập trung vào giống chè shan và chè chất lượng cao như bát tiên, kim tuyên...
Còn đối với nhóm cây ăn quả, cây chuối và dứa là 2 nhóm hàng chủ lực có phương án chuyển đổi giống cây trồng. Đối với cây chuối, do hiện chưa có giống kháng bệnh Panama nên giống chuối chính tại Lào Cai đang là chuối tiêu xanh, nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, chủ yếu phục vụ xuất khẩu.
Đối với cây dứa, hiện nay, người dân trong tỉnh chủ yếu trồng giống dứa Queen, là giống dứa quả nhỏ, vị ngọt. Dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi, cải tạo khoảng 500 ha dứa giống mới. Giống dứa mới có ưu thế phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, quả to, năng suất cao và phù hợp với công nghiệp chế biến.
Bên cạnh các nhóm mặt hàng chủ lực, các loại cây trồng như dược liệu, cây ăn quả ôn đới, cây dâu tằm… cũng được ngành nông nghiệp xây dựng phương án chuyển đổi dần cơ cấu giống để phù hợp với nhu cầu của thị trường cũng như đáp ứng yêu cầu chế biến, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và trình độ thâm canh của mỗi địa phương.
Theo Mỹ Chí/Thời báo kinh doanh