Phấn đấu đưa phong trào phát triển sản phẩm OCOP ngày càng sâu rộng
Qua gần 3 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP (2018-2020), Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tính đến nay, địa phương đã công nhận được 78 sản phẩm OCOP, công tác xúc tiến thương mại được quan tâm đẩy mạnh, quá trình liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP từng bước được thúc đẩy,…

Các sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng trong năm 2020 của Lào Cai

Đã công nhận được 78 sản phẩm OCOP

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lào Cai, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm ngày 7/5/2018, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện. Trong đó, địa phương đã ban hành các chính sách để hỗ trợ cho sản phẩm đạt sao OCOP. Cụ thể, sản phẩm 3 sao được thưởng 15 triệu đồng, sản phẩm 4 sao được thưởng 30 triệu đồng; sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia được thưởng 80 triệu đồng. Từ đây, đã góp phần tạo ra phong trào phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương.

Với nhiều nỗ lực, qua gần 3 năm triển khai, đến nay, kết quả thực hiện chương trình OCOP của Lào Cai đã đạt nhiều kết quả khả quan. Theo đó, Lào Cai đã tổ chức được 5 đợt đánh giá sản phẩm OCOP, công nhận 78 sản phẩm OCOP của 47 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình trên địa bàn 39 xã, phường, thị trấn thộc 8/9 huyện, thị xã, thành phố. Các sản phẩm thuộc đủ 6 nhóm ngành gồm: thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ trang trí, vải may mặc, dược liệu và dịch vụ du lịch và bán hàng. Trong đó có 20 sản phẩm 4 sao và 58 sản phẩm 3 sao.

Để góp phần đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các Hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế, đồng thời phối hợp với phía Trung Quốc tổ chức các Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản, trong đó có các sản phẩm được chứng nhận OCOP. Cùng với hoạt động này, địa phương cập nhật thường xuyên thông tin sản phẩm OCOP trên cổng thông tin điện tử của các Sở, ngành, bản tin của ngành Công Thương, Nông nghiệp,…Ngoài ra, Lào Cai đã tổ chức các khóa đào tạo về thương mại điện tử cho trên 180 học viên đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất nhằm đào tạo, nâng cao nhận thức của các tổ chức và cá nhân trong việc áp dụng thương mại điện tử cho marketing sản phẩm OCOP một cách hiệu quả.

Đồng thời, để phát triển sản phẩm OCOP, Lào Cai đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, trên toàn tỉnh đã có 69 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, với quy mô gần 10.600 ha, liên kết với gần 21.500 hộ nông dân, giá trị liên kết trên 926 tỷ đồng. Các sản phẩm ngành hàng quan trọng ưu tiên hỗ trợ như: chè, quế, gạo chất lượng cao, cây dược liệu, rau trái vụ, cây quả ôn đới, gia súc gia cầm bản địa và cá hồi, cá tầm.

Với những kết quả đạt được, theo Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, chương trình OCOP đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,46%, thu nhập bình quân đầu người đạt 70,6 triệu đồng.

Đáng chú ý, thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng các cơ sở sản xuất sản phẩm đạt chứng nhận OCOP vẫn hoạt động bình thường, doanh thu tăng từ 10-30% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP.

Phấn đấu tạo nên phong trào sâu rộng về sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Sở NN&PTNT Lào Cai, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn trong triển khai chương trình OCOP. Cụ thể, một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP quy mô còn nhỏ, chưa mang tính hàng hóa cao. Đồng thời, các sản phẩm đánh giá trong thời gian vừa qua đa số là sản phẩm sẵn có, còn các sản phẩm và ý tưởng mới chưa được các địa phương quan tâm định hướng phát triển.

Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác và người sản xuất tham gia chương trình còn chưa quan tâm, tìm hiểu sâu về sản xuất bền vững dẫn đến mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và nông dân còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau,...

Nhằm khắc phục những khó khăn trên, tiếp tục đưa chương trình OCOP phát triển và mang lại hiệu quả, Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết, địa phương sẽ thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức và cách thức triển khai chương trình đến đội ngũ cán bộ các cấp, đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.

Trên cơ sở xem OCOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và nâng cao giá trị gia tăng để góp phần xây dựng dựng nông thôn mới bền vững, Lào Cai sẽ phân công lãnh đạo đứng đầu Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành có đủ thẩm quyền quyết định các nhiệm vụ của chương trình. Trong đó, cơ quan điều phối cấp tỉnh hình thành bộ phận nghiệp vụ OCOP, cấp huyện cần có từ 1-2 cán bộ chuyên trách tham mưu giúp việc được đào tạo để có trình độ năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao.

Thứ nữa, Lào Cai xác định chương trình OCOP cần được tổ chức quản lý khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện. Trọng tâm chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. 

Đặc biệt, địa phương sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, quan tâm đến phát triển sản phẩm 5 sao. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm,… đảm bảo theo quy định.

Xác định xúc tiến thương mại là bước then chốt của chu trình, do vậy, Lào Cai phấn đấu hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu tạo lập. Từ đó, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững.

Để triển khai hiệu quả chương trình OCOP trong thời gian tới, Sở NN&PTNT kiến nghị Bộ NN&PTNT, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cần xây dựng hệ thống cơ sở tư vấn đào tạo cho các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP, từ đó, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân về kỹ thuật sản xuất, chuyển giao công nghệ, xây dựng nhãn hiê%3ḅu, thương hiê%3ḅu hàng hóa, tiếp cận thị trường, xây dựng phương án kinh doanh, quản lý kinh doanh,...Đồng thời, tổ chức cho các địa phương tham quan, học tập các mô hình trong và ngoài nước nhằm học hỏi kinh nghiệm, thúc đẩy chương trình OCOP của các địa phương phát triển./.

Nguồn: BT

 


 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang