Phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Trong những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo; cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển đa dạng về số lượng, chất lượng. Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta trong thời gian qua đã khẳng định, sản xuất nông nghiệp theo hình thức cá thể của người nông dân, bên cạnh những hiệu quả cơ bản ban đầu, đã dần bộc lộ những nhược điểm trước nền kinh tế thị trường hiện nay. Bởi hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh còn thấp. Ngược lại, kinh tế tập thể nếu phát triển đúng hướng, sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện cho người nông dân; đồng thời, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong ba Chương trình mục tiêu quốc gia, được triển khai nhằm phát triển nông thôn một cách toàn diện. Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí nông thôn mới, việc nâng cao thu nhập cho người dân luôn là vấn đề được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, coi trọng, đặt lên hàng đầu và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Xác định rõ tầm quan trọng của kinh tế tập thể, thời gian qua, có thể thấy việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương sự phối kết hợp của các ngành, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh (BCH Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, điều đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong việc phát triển kinh tế - xã hội). Các chính sách của Nhà nước được kỳ vọng sẽ tạo xung lực mới để kinh tế tập thể tham gia tích cực vào quá trình khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, tạo sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giúp xóa đói, giảm nghèo bền vững. Từ đó kỳ vọng sẽ góp phần tác động vào thành công chung của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

anh tin bai

Điểm du lịch Vườn đá Tả Phìn (Thị xã Sa Pa)

Trong Bộ tiêu chí NTM, tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất là một trong những tiêu chí quan trọng, vì đây là phương thức tổ chức cho người dân phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Người dân sẽ không sản xuất riêng lẻ mà được khuyến khích tham gia vào HTX, liên kết với doanh nghiệp để cùng nhau tổ chức sản xuất, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Đến hết năm 2023, hiện toàn tỉnh có 504 HTX (trong đó, có 405 HTX đang hoạt động, còn lại 99 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể). Trong đó, có 05 HTX được tỉnh lựa chọn để hỗ trợ các HTX thí điểm tham gia Đề án Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai (theo Kế hoạch số 314/KH-UBND ngày 27/7/2023 của UBND tỉnh Lào Cai).  Hiện toàn tỉnh có 115/127 xã đạt tiêu chí 13.1 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới. Ngoài tiêu chí số 13, khu vực KTTT, HTX còn liên quan tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ lao động có việc làm thông qua đào tạo. Ngoài những nguồn thu nhập hiện có thì cách hiệu quả để nâng cao thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm là phát triển KTTT, HTX.

Ngoài HTX, toàn tỉnh cũng hiện có 3.958 Tổ hợp tác với hơn 47 nghìn thành viên. Trong đó, có 1.985 Tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, còn lại hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Hoạt động của THT phần lớn được thành lập trên cơ sở nhu cầu thực tế của kinh tế thành viên; hoạt động rất đa dạng; quy mô từ 3 thành viên trở lên; cơ cấu tổ chức gọn nhẹ; nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, phù hợp với trình độ người dân. Phần lớn THT hoạt động theo hình thức hỗ trợ lẫn nhau, liên kết linh hoạt và mang tính ngắn hạn.

Để tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển nhanh, đúng hướng, kịp thời hỗ trợ HTX bằng những cơ chế, chính sách phù hợp, tỉnh cũng đã kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể cấp tỉnh. Ban chỉ đạo đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp chiến lược nhằm đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX. Giúp Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX; hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương trong việc xây dựng, hoàn thiện và hướng dẫn cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, điều hành và và tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng trong quá trình thực hiện các chương trình đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX.

anh tin bai

Các sản phẩm của HTX nông sản dược liệu Mạnh Hương (Huyện Bảo Thắng)

Các HTX đã quan tâm đến liên kết trong sản xuất và hướng đến phát triển các sản phẩm chủ lực là thế mạnh của địa phương như: Chè, bưởi, chuối, quế, dược liệu, rau an toàn... Nhiều HTX phát triển sản xuất với quy mô, diện tích tập trung, xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả, khẳng định vai trò quan trọng của HTX trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh Lào Cai có tổng số 176 sản phẩm nông sản đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 23 sản phẩm đạt 4 sao và 153 sản phẩm đạt 3 sao; hiện đang duy trì và phát triển 132 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận; trong đó có trên 60 chuỗi nông sản hiện đang cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận và 328 dòng sản phẩm an toàn thuộc trên 104 doanh nghiệp/HTX có sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử; giúp các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh nhờ minh bạch thông tin tới người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm an toàn của tỉnh Lào Cai.

 Kinh tế tập thể, HTX còn có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là những nơi có nhiều đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh sinh sống như sau: Thứ nhất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động; Thứ hai, thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho thành viên và người lao động; Thứ ba, tập trung ruộng đất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao; Thứ tư, tạo ra liên kết giữa các HTX, giữa HTX với doanh nghiệp để sản xuất gắn với chuỗi giá trị; Thứ năm, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; Thứ sáu, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

 Theo xu hướng chung, cơ cấu kinh tế của các vùng DTTS&MN đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch chậm, lao động chủ yếu vẫn làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp theo quy mô hộ gia đình, sản xuất phân tán, kỹ thuật canh tác nhìn chung kém phát triển. Giá trị sản xuất của các vùng DTTS&MN hiện vẫn được cấu thành chủ yếu từ nông, lâm nghiệp. Đó cũng là lý do vì sao đa số doanh nghiệp, HTX ở vùng DTTS&MN hoạt động trong lĩnh vực nống nghiệp, chế biến nông sản.

Xuất phát từ những khó khăn về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, trình độ kinh tế - xã hội, dân trí chưa cao… vùng DTTS&MN dù có rất nhiều tiềm năng nhưng vẫn bị hạn chế về khả năng hấp dẫn, thu hút đầu tư của khối doanh nghiệp lớn, điều đó làm cho con đường phát triển của kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp không ít khó khăn, trở ngại. Trước tiên, đó là nhận thức từ một số các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về các loại hình kinh tế tập thể vẫn còn nhiều hạn chế. Một số địa phương lựa chọn việc thành lập các Tổ hợp tác, HTX để “đối phó” trong quá trình xây dựng nông thôn mới mà không nhận thức được tầm quan trọng của tiêu chí này trong quá trình tác động lên sản xuất, thu nhập của người dân nông thôn. Bên cạnh đó, do tập tục sản xuất nhỏ lẻ của người dân nên khi tham gia vào HTX, đa số bà con chưa thực sự mạnh dạn trong việc đầu tư, góp vốn, huy động nguồn nhân lực để đảm đương quá trình phát triển của thành phần kinh tế quan trọng này. Chưa kể, hầu hết các HTX đều rất khó khăn về vốn hoạt động, chưa tiếp cận được nhiều với các tổ chức tín dụng, thiếu thông tin tư vấn về chính sách tín dụng và không có tài sản thế chấp. Ngoài ra, phần lớn các HTX không có trụ sở, nhà xưởng sản xuất ổn định; không có đất thuê lâu dài, điều đó đồng nghĩa với việc các HTX chưa thể yên tâm đầu tư đổi mới công nghệ, hiệu quả sản xuất chưa cao...

Từ những phân tích trên cho thấy, trong những năm qua, hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể đã chứng tỏ được vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, để kinh tế tập thể đi vào chiều sâu và phát triển đúng hướng, cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp, quyết liệt hơn nữa trong thời gian sắp tới. Trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay, vị trí và vai trò của kinh tế tập thể lại càng được đặt ra quan trọng hơn bao giờ hết. Để kinh tế tập thể phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới cần thực hiện một số giải pháp, cụ thể như sau:

- Một là, cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của cấp uỷ đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển kinh tế tập thể, HTX.

- Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể, HTX và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX.

- Ba là, có thêm nguồn lực để thực hiện cơ chế chính sách đối với đội ngũ cán bộ HTX để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tiếp tục triển khai mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các HTX trên địa bàn tỉnh.

- Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cán bộ phụ trách kinh tế tập thể, thành viên các HTX, cán bộ chủ chốt HTX nhằm đáp ứng nhu cầu công việc; tư vấn, hỗ trợ các HTX về quản lý, liên doanh, liên kết mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; tiếp cận các chương trình, dự án, đề án để tạo điều kiện cho các HTX được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Qua đó, từng bước thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ của kinh tế hộ, để mạnh dạn góp vốn giúp HTX thay đổi về chất lượng, hiệu quả hoạt động./.

Xuân Tùng – Ngọc Minh

 


 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang