(Kim Bôi) Hoà Bình: Liên kết sản xuất tạo “điểm tựa” cho nhà nông

Những năm gần đây, với những tín hiệu tích cực, hiệu quả từ theo mô hình liên kết sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGap, nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình đã chủ động tìm đến liên kết sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nhờ đó mà các hộ đã có thu nhập ổn định hơn.

anh tin bai

Mô hình trồng ớt xuất khẩu ở xã Thượng Bì.

Cái “bắt tay” giữa Hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp ở huyện Kim Bôi cách đây chưa lâu đã tạo “điểm tựa” để người nông dân phát triển công nghệ cao, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP. Sự hình thành của các liên kết chuỗi giữa HTX và doanh nghiệp đã tạo dấu ấn trong phát triển nông nghiệp của địa phương bằng những kết quả cụ thể.

Điển hình như, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả thực hiện tại các xã Tú Sơn, Đú Sáng, Vĩnh Tiến với tổng quy mô 125ha, sản phẩm chính là cây ăn quả có múi. HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động (HTX Mường Động) là đơn vị thực hiện.

Ông Nguyễn Trung Huân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Mường Động chia sẻ: Vài năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả có múi tăng mạnh, tạo ra thách thức lớn về thị trường tiêu thụ; trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, là những khó khăn HTX phải đối mặt. Nhưng nhờ chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất phát triển, xây dựng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị, đã tạo cơ hội để HTX tìm ra hướng đi mới.

Ba năm trở lại đây, từ dự án liên kết sản xuất, HTX Mường Động đã cung ứng cho thị trường trên 600 tấn cam, bưởi các loại; doanh thu từ sản xuất cây ăn quả có múi của HTX, lên tới hàng chục tỷ đồng/năm; trong đó, doanh thu từ kênh tiêu thụ chuỗi liên kết trên 4,5 tỷ đồng. HTX đã ký thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm với 3 doanh nghiệp tại Hà Nội, tham gia 6 hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Thắng, thành viên HTX Mường Động cho biết: Tham gia chuỗi giá trị, 26 hộ thành viên HTX, được tập huấn về kỹ thuật canh tác, kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Cùng đó, thành viên HTX được hỗ trợ xây dựng cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm, khu vực sơ chế tại các nhà vườn, tem mác, bao bì sản phẩm và xúc tiến thương mại. HTX Mường Động còn thành lập Ban Quản lý chất lượng sản phẩm để hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên; đảm bảo 100% sản phẩm trước khi xuất vườn đều có hồ sơ kiểm tra, xác nhận của Ban Quản lý chất lượng sản phẩm.

Thực hiện Nghị quyết về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020”, từ năm 2016, huyện Kim Bôi đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số, công nghệ sinh học và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Địa phương cũng đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đang dần thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nâng cao, ổn định thị trường tiêu thụ nông sản, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

anh tin bai

Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Kim Bôi Bùi Thanh Sơn kiểm tra chất lượng cây dưa chuột Nhật.

Một trong số các HTX hoạt động có hiệu quả, tích cực là HTX Nông nghiệp Xanh Kim Bôi. Được thành lập từ năm 2017, với 7 thành viên với việc trồng dưa chuột Nhật và chanh leo. Đến nay, HTX có 20 thành viên, doanh thu đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 500 - 600 triệu đồng.

Ông Bùi Thanh Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Kim Bôi chia sẻ: Chúng tôi thực hiện liên kết với các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh Bình, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. HTX thực hiện liên kết với Công ty Paciffic Hòa Bình theo quy trình khép kín. 

Theo đó, Công ty Paciffic Hoà Bình cung cấp giống bí xanh, cà chua, khoai tây, cà rốt, các loại rau màu, tập huấn kỹ thuật cho bà con và bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, bà con yên tâm về việc tiêu thụ với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Thực hiện Nghị quyết về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020”, đến nay, huyện đã xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn huyện hiện có 21 HTX, 15 trang trại, 1 nông trại. Trong đó, có 11 HTX hoạt động theo hình thức liên kết với doanh nghiệp; 3 HTX xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Kim Bôi xác định tiếp tục phát triển nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ cho nền kinh tế theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm; hướng đến xuất khẩu và cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.       

Theo Minh Thu/Báo dân tộc và phát triển

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang