Chuỗi giá trị nông sản chủ lực tạo vị thế vững chắc cho ‘vùng cửa ngõ’ của Bến Tre

Là “vùng cửa ngõ” của tỉnh Bến Tre, huyện Châu Thành đang có nhiều nỗ lực trong việc phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực như dừa, sầu riêng, bưởi và làm du lịch cộng đồng thông qua vai trò quan trọng của các HTX nông nghiệp. Điều đó giúp cho vùng quê này tạo được vị thế vững chắc trong xây dựng nông thôn mới.

Tuy mới thành lập cách đây vài tháng nhưng HTX Dịch vụ nông nghiệp Người Giữ Dừa ở ấp An Phú, xã An Khánh (huyện Châu Thành) đã thu hút 100 thành viên tham gia, với hơn 10ha đất trồng dừa. Thành viên của HTX là những nông dân có diện tích đất trồng dừa và lực lượng lao động có đam mê với công việc thu hoạch mật hoa dừa.

Hiệu quả mô hình lấy mật hoa dừa

HTX Dịch vụ nông nghiệp Người Giữ Dừa đang có mô hình lấy mật hoa dừa bằng cách nuôi ong trong vườn dừa hoặc người thợ lấy mật trực tiếp từ hoa dừa (giai đoạn lưỡi mèo). Ước tính với tỷ lệ cứ 3 lưỡi mèo chọn 1 lấy mật, 2 để trái thì nhà vườn có thu nhập tăng từ 3 - 5 lần so với bình thường. HTX vận hành theo cách: Ai có vườn dừa sẽ cho thu mật, ai có công lao động sẽ làm thợ thu mật và đơn vị thu mật là phía doanh nghiệp liên kết.

anh tin bai

Trung bình mỗi tháng, HTX Dịch vụ nông nghiệp Người Giữ Dừa cung ứng cho thị trường khoảng 3 tấn mật.

Nhất là vào thời điểm dừa rớt giá, người trồng dừa là thành viên HTX này vẫn có được khoản tiền 3 triệu đồng/công đất. Đối với thành viên tham gia lao động được nhận tiền công căn cứ vào số lượng nước dịch hoa dừa thu được, trung bình cũng không dưới 9 triệu đồng/người/tháng. Điều này đã góp phần giúp người trồng dừa đảm bảo được nguồn thu để giữ vững và phát triển diện tích đất trồng dừa.

Trung bình mỗi tháng, HTX Dịch vụ nông nghiệp Người Giữ Dừa cung ứng cho thị trường khoảng 3 tấn mật. Sản phẩm của HTX được giới thiệu trên sàn thương mại điện tử nên được rất nhiều người biết đến. 

Anh Tô Chí Hải, Giám đốc HTX, cho biết thành viên là những nông dân có đất trồng dừa góp đất. Riêng lực lượng lao động thu hoạch mật thì phải qua đào tạo nắm vững nghề và không ngại khó, len lỏi vào đám dừa nước hay leo lên cây dừa để lấy nước dịch hoa. Điểm khá thú vị là các thành viên HTX được ăn chia lợi nhuận hàng tháng.

Bên cạnh HTX nêu trên, trong hoạt động kinh tế hợp tác ở huyện Châu Thành cần phải kể đến HTX Nông nghiệp Tân Phú ở xã Tân Phú. HTX hiện có 253 thành viên với diện tích trồng sầu riêng trên 800ha, trong đó có trên 500ha đang cho trái với năng suất bình quân 25 - 30 tấn/ha/năm. 

Hiện nay, HTX này đã xây dựng thành công và được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, với diện tích 200ha. Sau khi Bến Tre được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý sầu riêng Bến Tre, HTX Nông nghiệp Tân Phú đã khai thác chỉ dẫn địa lý và sản phẩm sầu riêng của HTX cũng đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, bước đầu khẳng định chất lượng và xây dựng niềm tin cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bước tiến liên kết xuất khẩu sầu riêng

Thời gian qua, HTX Nông nghiệp Tân Phú đã liên kết với nhiều công ty như: Công ty Huỳnh Mai, Công ty Tây Nam, Công ty TNHH Green Power để thu mua sầu riêng của các thành viên. HTX cũng hỗ trợ các thành viên tham gia tập huấn và hướng dẫn canh tác sầu riêng theo hướng VietGAP.

anh tin bai

Các HTX ở huyện Châu Thành đang giúp nông dân thu lợi lớn nhờ mã số vùng trồng sầu riêng.

Hoặc như HTX Nông nghiệp dịch vụ Phú Đức ở xã Phú Đức là một trong những đơn vị tiên phong trong việc xây dựng mã số vùng trồng cho cây sầu riêng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hiện tại, HTX đang liên kết với doanh nghiệp để cấp mã số vùng trồng cho dừa lấy trái uống nước với diện tích 50ha. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm nông nghiệp địa phương.

HTX Nông nghiệp dịch vụ Phú Đức có sản lượng sầu riêng khoảng 200 tấn/năm. Trong vụ sầu riêng vừa qua, HTX đã xuất hơn 100 tấn sầu riêng sang thị trường Trung Quốc thông qua Công ty TNHH TMDV Xuất nhập khẩu Vina T&T. 

HTX này hiện có 109 thành viên, hoạt động theo phương thức kết nối với các doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp cho các thành viên và bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định. Ngoài ra, HTX cũng đã xây dựng thành công mã số vùng trồng trên bưởi da xanh với 31 hộ, diện tích 12,9ha. Hiện nay, HTX đang tiếp tục mở rộng diện tích và số lượng hộ tham gia mã số vùng trồng cho cả hai loại cây ăn quả này.

Ngoài việc được hưởng lợi từ giá bán cao như trong năm nay, thành viên HTX còn được hướng dẫn quy trình, kỹ thuật sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Ông Cao Văn Bình Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Phú Đức, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là phát triển mã số vùng trồng cho cây sầu riêng, bưởi da xanh và dừa xiêm để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, uy tín và an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Cùng với các HTX nêu trên, tính đến nay, toàn huyện Châu Thành có 18 HTX và 76 tổ hợp tác. Các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp tham gia xây dựng 20 mã vùng trồng với diện tích 403,36ha gắn kết công ty, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đầu ra cho thành viên.    

Các HTX, tổ hợp tác trong huyện đã làm nền tảng để hình thành, phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực và hướng đến phát triển du lịch xanh trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ. Đặc biệt, các HTX và tổ hợp tác giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc cần thiết tham gia mô hình kinh tế tập thể, nhằm tận dụng các lợi thế về sản xuất tập trung, đồng bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào và ổn định đầu ra sản phẩm. 

Tận dụng thế mạnh HTX làm du lịch cộng đồng

Không chỉ vậy, huyện Châu Thành cũng đang tận dụng thế mạnh của các HTX, tổ hợp tác trong nông nghiệp để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đơn cử như gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre có đợt khảo sát mô hình HTX gắn với du lịch cộng đồng tại huyện Châu Thành. Và HTX Dịch vụ nông nghiệp Người Giữ Dừa đã được đánh giá cao nhờ có sản phẩm trình diễn thu mật hoa dừa dự kiến đưa vào khai thác du lịch.

anh tin bai

Với thế mạnh từ cây dừa và vùng cây ăn trái trong chuỗi liên kết cùng các HTX, huyện Châu Thành đang đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái góp phần vào xây dựng nông thôn mới.

Hay như  HTX Nông nghiệp Tân Phú trong thời gian gần đây có nhiều thành viên tham gia làm du lịch tại địa phương khá sôi động. Bà Nguyễn Thị Thinh, Giám đốc HTX, cho biết: Bên cạnh việc làm tốt kỹ thuật canh tác cho sầu riêng đạt chất lượng cao cũng như mã vùng, mã vạch thì từ trái sầu riêng tươi, các thành viên HTX cũng nghiên cứu chế biến các món ăn từ sầu riêng cho du khách thưởng thức như: Sầu riêng chiên giòn, chả giò sầu riêng, cà ri nấu sầu riêng, nấu lẩu gà nòi, sầu riêng xào thập cẩm…

Các thành viên HTX còn phát triển sản phẩm bánh dân gian và đưa vào hoạt động du lịch. Do HTX ở vùng trái cây nên khi du khách đến với Tân Phú, lúc nào HTX cũng có trái cây phục vụ để phục vụ.

Xã Tân Phú được đánh giá là bắt nhịp khá tốt trong việc làm du lịch cộng đồng từ tiềm năng, lợi thế sẵn có của các HTX, tổ hợp tác. Như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thinh, nếu HTX làm được du lịch gắn với nông nghiệp thì cùng sản phẩm có thể tăng thêm thu nhập, sản vật của địa phương được nhiều người biết đến. Cho nên hiện nay, người dân trong xã rất háo hức làm du lịch để quảng bá sản phẩm của mình đến du khách.

Từ việc chú trọng phát triển kinh tế hợp tác gắn với thế mạnh vùng cây ăn trái, trong thời gian tới, Châu Thành sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông sản của huyện với 4 loại cây ăn trái chủ lực là dừa, bưởi, chôm chôm và sầu riêng. Điều này cũng nhằm gắn với mục tiêu hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. 

Nhờ đó, đến nay, toàn huyện Châu Thành đã có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, và 5 xã khác đang nỗ lực để về đích xã nông thôn mới. 

Với các xã đang xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, chính quyền huyện Châu Thành đã dành sự quan tâm theo sát quá trình hoạt động của kinh tế hợp tác nhằm giúp các HTX, tổ hợp tác ngày càng phát triển vững chắc.

                                                                     Theo Thanh Loan/Thời báo kinh doanh

 

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang