Giải cơn "khát vốn" để thúc đẩy hợp tác xã phát triển
Được thành lập từ cuối năm 2014, đến nay, sau gần 6 năm hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn đã phát huy tốt chức năng nhiệm vụ của mình góp phần giúp các hợp tác xã mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tính đến hết tháng 6/2020, có 30 hợp tác xã (HTX) được vay vốn tại Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với tổng số vốn vay là 6,5 tỷ đồng. Doanh thu trung bình mỗi HTX trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt khoảng 1.030 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động đạt 55 - 60 triệu đồng/năm.

"Bà đỡ" của sự đổi mới

Kể từ khi tiếp cận được với nguồn vốn vay của Quỹ, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có thêm điều kiện để đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh doanh, từ đó số lượng HTX, thành viên HTX, tổ hợp tác (THT) không ngừng phát triển.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 300 HTX, trong đó có 49 HTX mới thành lập, 278 HTX đang hoạt động, 22 HTX ngừng hoạt động, 7 HTX giải thể. Số thành viên HTX năm 2020 ước tính khoảng 4.315 người, số thành viên mới tham gia là 3.140 thành viên, lao động làm việc tại các HTX là 7.390 người.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hải Sơn - Giám đốc HTX xây dựng và chế biến lâm sản 17/10 (huyện Cao Lộc), HTX hoạt động đã được hơn 20 năm nhưng trong những năm gần đây vì một số nguyên nhân mà hoạt động cốt lõi của HTX là xây dựng cơ bản không phát triển được thậm chí có thời điểm dừng hẳn đã gây ra nhiều khó khăn cho HTX, các thành viên không có công ăn việc làm sinh ra tâm lý chán nản.

Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Lạng Sơn đã giải quyết cơn "khát vốn" cho 30 HTX trên địa bàn (Ảnh: TL)

Để có thể vực dậy đà tăng trưởng HTX cần phải mở thêm các ngành nghề sản xuất kinh doanh khác.Với nguồn vốn 300 triệu đồng vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, từ năm 2018 HTX bắt đầu chuyển hướng sang mô hình nuôi chim trĩ, gà và cây ăn quả.

Đến nay, HTX đã trồng được 400 cây bưởi, ổi (năm 2019, cây ổi cho thu hoạch với sản lượng 2 tấn, trị giá khoảng 35 triệu đồng); tổng đàn chim trĩ của HTX khoảng 400 con với giá 250 – 300 nghìn đồng/con; 600 con gà thịt, gà đẻ trứng. "Có thu nhập bước đầu rồi trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động", ông Sơn chia sẻ.

Tương tự, bà Đổng Thu Hiền - Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi Thu Hiền (huyện Văn Quan) cho biết "khi mới thành lập, HTX khá khó khăn về nguồn vốn tôi mạnh dạn nộp hồ sơ lên Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và đã được vay 300 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn vay này, HTX mạnh dạn hơn trong sản xuất kinh doanh và dần đi vào ổn định".

Không chỉ các HTX nói trên mà nhiều HTX khác như HTX Cường Thịnh (huyện Bắc Sơn), HTX Nông nghiệp Hợp Thịnh (huyện Cao Lộc), HTX nông nghiệp xanh huyện Bắc Sơn... cũng là những đại diện tiêu biểu trong việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập của các thành viên kể từ sau khi tiếp cận được nguồn vốn.

Tiếp tục khẳng định vai trò

Ông Hà Thành Trung - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cho biết, Quỹ được thành lập năm 2014 với số vốn ban đầu 3 tỷ đồng từ ngân sách, hiện đã tăng vốn điều lệ lên 6,5 tỷ đồng.

Để được vay nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, các HTX phải có hồ sơ, lên phương án hoạt động, từ đó sẽ được thẩm định. Nếu HTX đủ điều kiện sẽ nhận được hỗ trợ về nguồn vốn vay, HTX cam kết sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.

Nguồn vốn này HTX sẽ được vay trong thời hạn 3 năm, sau 3 năm HTX phải hoàn trả lại vốn. Nếu HTX gặp khó, chưa thể hoàn trả, sẽ được Liên minh HTX của tỉnh tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian và hoàn trả sớm nhất có thể.

Mô hình nuôi cá lồng của HTX Cường Thịnh ngày càng phát triển theo hướng có hiệu quả sau khi được hỗ trợ về vốn (Ảnh: TL)

"Kiểm tra thực tế tại các đơn vị vay vốn cho thấy, hầu hết các HTX đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Từ nguồn vốn vay, các HTX đã đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động trong HTX" - ông Trung nói.

Lâu nay, thiếu vốn luôn là một trong những khó khăn nổi cộm của đa số HTX nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng bởi đây là tỉnh miền núi nên vấn đề phát triển các HTX lại càng nhiều khó khăn, hạn chế.

Trong khi để tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại đối với khu vực kinh tế hợp tác (KTHT), HTX là vô cùng khó khăn do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, mạnh mún, thiếu phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với quy định tín dụng.

Do đó, việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi kịp thời đã và đang là "bệ phóng" hiệu quả cho các HTX nâng cao uy tín của khu vực KTHT, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tạo sự gắn kết các thành viên HTX, THT và nâng cao vai trò, vị thế của Liên minh HTX tỉnh.

Người ta vẫn thường nói "mạnh về gạo, bạo về tiền" là để chỉ người có tiền, có gạo thì luôn dễ dàng chiếm lĩnh ưu thế và khi nhìn vào những chuyển biến tích cực, khí thế của các HTX đang được hỗ trợ về vốn của tỉnh Lạng Sơn lại càng chứng minh được cái đúng của câu thành ngữ này trong mọi thời đại, mọi lĩnh vực.

Theo Minh Khuê (Thời báo kinh doanh)

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang