Gỡ khó cho kinh tế tập thể ở Quảng Nam

Trong quá trình xây dựng và phát triển, kinh tế tập thể và hợp tác xã (HTX) có vai trò quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương, đồng thời là nhân tố không thể thiếu trong quá trình thúc đẩy xây dựng vùng đồng bào DTTS.

 

anh tin bai

Từ kênh vốn hỗ trợ, những năm qua nhiều HTX, tổ hợp tác có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, phát triển mạnh sản xuất - kinh doanh.

Thành quả từ lĩnh vực kinh tế tập thể

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 605 HTX và 1 Liên hiệp HTX đang hoạt động tốt. Có 90 HTX có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP với 125 sản phẩm được công nhận 3 sao và 4 sao. Theo đại diện Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, trong quá trình xây dựng, kinh tế tập thể và các HTX có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho vùng đồng bào DTTS mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo miền núi.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, kinh tế tập thể mà nòng cốt HTX là nhân tố không thể thiếu trong quá trình thúc đẩy xây dựng miền núi. Để tập hợp đồng bào DTTS tham gia sản xuất, xoá đói giảm nghèo, nhiều địa phương miền núi Quảng Nam đã thành lập một số mô hình kinh tế tập thể, được chính quyền các cấp tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thường xuyên quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhiều mô hình hiệu quả đã ra đời như tổ hợp tác chăn nuôi bò, tổ hợp tác nuôi dê, HTX trồng rau an toàn, HTX ứng dụng công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế cho các thành viên.

Phần lớn sản phẩm OCOP của các HTX ở Quảng Nam đều được đầu tư và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học vào sản xuất, chế biến trên dây chuyên thiết bị hiện đại, bao bì nhãn mác được đầu tư bài bản như sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa của HTX Nấm đông trùng hạ thảo Quảng Nam (TP. Tam Kỳ), chè dây túi lọc của HTX nông nghiệp và dược liệu Tây Giang (huyện Tây Giang), chả cá mối của HTX nông ngư nghiệp Núi Thành (huyện Núi Thành)…

anh tin bai

Nhờ nguồn vốn ưu đãi, nhiều HTX và tổ hợp tác có điều kiện đầu tư phát triển mạnh các sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Đặc biệt trong những năm gần đây, từ yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế hợp tác, HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả, hoạt động được nâng cao với đủ các loại hình dịch vụ thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở khu vực miền núi. Từ thành công bước đầu, chính quyền các cấp đã tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS theo hướng bền vững và hướng tới cộng đồng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng năng suất, chất lượng cao, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, tăng tỷ trọng các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp, như việc khoanh vùng trồng dược liệu. Điển hình như các HTX dược liệu ở Tây Giang, Đông Giang, Nam Trà My. Hay các HTX thổ cẩm ở Tây Giang, Nam Giang. Từ đó, nâng cao đời sống người dân vùng DTTS, xoá đói giảm nghèo bền vững.

Các HTX đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo ở địa phương, giải quyết nhu cầu, lợi ích chính đáng của thành viên và người lao động. Hiệu quả kinh tế được cải thiện đáng kể đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và thay đổi diện mạo đời sống đồng bào DTTS.

Gỡ khó cho các HTX

Bên cạnh những thành quả, kinh tế tập thể tại các khu vực miền núi Quảng Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn về vốn lại đang là điểm nghẽn tại nhiều HTX hiện nay và cần những chính sách phù hợp tạo cơ hội để HTX phát triển bền vững. Đại diện một số HTX chia sẻ, các chính sách hỗ trợ về vốn chưa giải tỏa được “cơn khát” của HTX hiện nay. Hơn nữa, sau một thời gian dài bị tác động bởi dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khiến việc đáp ứng điều kiện vay vốn tại HTX đã khó càng thêm khó. Tình trạng HTX gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cũng cho thấy điều kiện để vay vốn chưa thực sự phù hợp với mô hình kinh tế tập thể.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ của HTX chủ yếu là các hộ gia đình địa phương và một số đại lý nhỏ. Mong muốn lớn nhất hiện nay của HTX là được chính quyền và ngành chuyên môn các cấp quan tâm hỗ trợ, nhất là thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, năng lực nội tại của HTX vẫn còn nhiều bất cập như một số HTX thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao; đội ngũ cán bộ quản lý đa số tuổi cao, còn nặng tư duy HTX kiểu cũ, chưa năng động với thị trường; cơ sở vật chất xuống cấp, công nghệ sản xuất lạc hậu. Nhiều HTX chưa thực sự phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của mình. Một số HTX còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với thành viên nên hiệu quả hoạt động của các HTX chưa cao. Việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Vẫn còn một số HTX tồn tại hình thức, hoạt động yếu kém, không hiệu quả, chưa đảm bảo theo đúng Luật HTX.

anh tin bai

Quảng Nam thường xuyên triển khai các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Để gỡ khó cho kinh tế tập thể tại địa phương, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài các nội dung hỗ trợ theo quy định, trường hợp HTX đủ điều kiện vẫn được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật. Nếu tại một thời điểm, với cùng một nội dung hỗ trợ có những chính sách, mức độ ưu đãi, hỗ trợ khác nhau thì các HTX được lựa chọn chính sách, mức độ ưu đãi, hỗ trợ có lợi nhất. Nguồn ngân sách thực hiện bao gồm cả nguồn Trung ương và nguồn ngân sách tỉnh, trong đó để thực hiện Nghị quyết trong giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách tỉnh bố trí khoảng 133 tỷ đồng để thực hiện các chính sách của tỉnh, trong đó có 46 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 87 tỷ đồng vốn sự nghiệp.

Ông Lê Ngọc Trung, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tổ chức 16 khóa tập huấn kỹ năng quản trị, kỹ năng Marketing Online, kỹ năng bán hàng và phát triển kênh phân phối, kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, kỹ năng thực hiện chế độ quản lý và phân tích báo cáo tài chính… Nhờ vậy, các HTX, tổ hợp tác đã ứng dụng tốt các kỹ năng này vào việc bán hàng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tiếp tục phát huy vai trò kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm HTX, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ các HTX có sản phẩm tiêu biểu tham gia sự kiện “Phiên chợ sản phẩm HTX lần thứ I” do Liên minh HTX TP. Đà Nẵng tổ chức, diễn ra từ ngày 31/5 - 02/6/2023. Hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ HTX giới thiệu, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho các HTX gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu, xây dựng mối quan hệ hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.

Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam còn đẩy mạnh triển khai cơ chế chính sách về phát triển KTTT như tuyên truyền, vận động thành lập HTX, đào tạo, tập huấn bồi dưỡng năng lực cán bộ HTX, chính sách thu hút cán bộ trẻ có trình độ đại học về làm việc tại các HTX.

Để gỡ khó cho kinh tế tập thể, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Tạo cơ chế giúp các HTX dễ dàng tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất; hình thành và phát triển các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị; mở rộng phát triển thị trường nội địa và quốc tế. Nâng cao trình độ dự báo nhu cầu thị trường để định hướng đúng loại sản phẩm hàng hóa cần sản xuất cả về số lượng và chất lượng. Nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành sản phẩm…

Hy vọng rằng, với những nỗ lực trên, phong trào kinh tế tập thể, HTX của tỉnh Quảng Nam sẽ phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng, từng bước khẳng định được vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt có đóng góp ý nghĩa vào giải quyết việc làm và an sinh xã hội khu vực nông thôn, miền núi.

Theo Tiêu Dao/Báo Dân tộc & Phát triển

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang