HTX giúp đồng bào Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo

Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo và sự nỗ lực, vươn lên của các HTX, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer ở Sóc Trăng đã giảm dần. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn cũng đổi thay tích cực.

Nghề chăn nuôi bò sữa từ nhiều năm qua được xem là thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng. Mô hình đã góp phần quan trọng giúp đời sống nhiều hộ dân, nhất là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc Khmer nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế. Đây cũng là vật nuôi được xem là chiếc “cần câu” hiệu quả giúp người dân Sóc Trăng bám trụ với quê nhà, hạn chế được việc di dân lên các thành phố lớn mưu sinh.

Trao cần câu không trao con cá

Tại HTX nông nghiệp Evergrowth, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, hỏi ra mới biết, phần lớn hộ nuôi bò sữa là đồng bào Khmer, con số này chiếm hơn 95% số hộ tham gia HTX. 

anh tin bai

Mô hình chăn nuôi bò đã giúp đời sống nhiều hộ dân, nhất là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc Khmer nâng cao thu nhập.

Trước đây, nông dân Sóc Trăng thường xuyên loay hoay với điệp khúc “được mùa rớt giá”. Nhiều hộ không biết nuôi con gì, trồng cây gì để cho thu nhập ổn định. Trình độ sản xuất của người dân còn lạc hậu, đất hoang hoá hoặc chưa được cải tạo. Lúc này, HTX ra đời, kịp thời giúp nhiều hộ Khmer làm ăn có hiệu quả, cải thiện cuộc sống.

Để xoá đói, giảm nghèo bền vững cho nông dân, nhất là đồng bào Khmer, HTX chọn mô hình nuôi bò sữa. Mô hình này mang tính cộng đồng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất ở nông thôn, có khả năng phát triển lâu dài, tận dụng được phế phẩm nông nghiệp, đất hoang hoá và đất trống để trồng cỏ nuôi bò.

Giám đốc HTX nông nghiệp Evergrowth Trần Hoàng An cho biết, HTX được thành lập tính đến nay đã gần 20 năm, thuộc dự án nâng cao đời sống người dân nông thôn tỉnh Sóc Trăng. Để làm ăn có hiệu quả, trước khi thành lập, nông dân được tập huấn kỹ lưỡng cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho bò sữa, kỹ thuật trồng cỏ...

Nhờ nuôi bò sữa mà ngày càng có nhiều thành viên người Khmer có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Trước khi vào HTX, nông dân phải tham gia câu lạc bộ. Một trong những tiêu chí quan trọng của mỗi câu lạc bộ là phải có ít nhất 30% số hộ nghèo. Khi được hỏi, bà con đều cho rằng bò sữa dễ nuôi, vì vừa được HTX hỗ trợ bò sữa, vừa được hỗ trợ kỹ thuật nuôi, bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa.

HTX luôn xác định rõ mọi hoạt động cung cấp dịch vụ như: thuốc, thức ăn, chăm sóc, gieo tinh nhân tạo… chủ yếu là phục vụ tốt nhất cho bà con thành viên chăn nuôi đạt hiệu quả cao, nhờ vậy sữa mà bà con thành viên bán cho nhà máy của HTX luôn ở mức giá cao hơn so với nhiều hộ nuôi bò khác trong khu vực.

Ông Lưu Hữu Danh, Bí thư huyện ủy Trần Đề đánh giá, HTX Evergrowth hiện chăn nuôi hơn 6 nghìn con bò sữa, sản lượng sữa đạt 20 tấn/ngày, cho thu nhập khoảng từ 50 đến 60 triệu đồng/con/năm nhờ đó tất cả các thành viên đều đã thoát nghèo.

Có thể khẳng định, các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi bò của huyện đã và đang phát huy hiệu quả, tạo nên những chuyển biến tích cực của tỉnh Sóc Trăng nói chung, vùng đồng bào Khmer nói riêng. Hiện tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer của tỉnh giảm xuống chỉ còn dưới 20% và không còn hộ thiếu đói.

Hợp tác phát triển bền vững

Được hưởng lợi từ Dự án VnSAT, thời gian qua, HTX Nông nghiệp Phước An ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành đã được dự án đầu tư xây dựng nhà kho, 1 lò sấy để nông dân bảo quản, trữ lúa khi chưa bán được.

Các thành viên của HTX cũng được tập huấn các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo quy trình VietGAP. Đây là một trong những HTX tiêu biểu ở huyện Châu Thành, được đánh giá hoạt động có hiệu quả, thu hút khá đông đồng bào Khmer tham gia và tạo được sự chuyển biến về thay đổi phương thức sản xuất của nông dân so với nhiều năm trước đây.

anh tin bai

Sóc Trăng đã có những chính sách, đầu tư, giúp các vùng đông đồng bào Khmer sinh sống có điều kiện phát triển.

Ông Kim Sa Huil - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước An cho biết: Khi chúng tôi được dự án đầu tư nhà kho, hạ tầng giao thông kết nối đến vùng sản xuất thì thành viên của HTX rất an tâm sản xuất. Hiện nay, việc sản xuất lúa của HTX ngày càng nâng cao chất lượng và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, giúp tăng thu nhập cho hộ thành viên.

Ông Trần Khắc Trung, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, cho biết, hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, Sóc Trăng phát huy vai trò của khu vực KTTT, HTX tại các địa phương, nhằm thể hiện được vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao sinh kế chung tay, góp sức thay đổi bộ mặt vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, Sóc Trăng đã huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Nhiều hộ thành viên trong các HTX đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng có đông đồng bào Khmer.

“Diện mạo ở các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đổi thay, nhất là sự chuyển biến trong ý thức và ý chí tự lực vươn lên, xứng đáng với niềm tin của người dân. Đặc biệt, những đóng góp của họ đã góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Trung khẳng định.

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá, hầu hết đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, Sóc Trăng nói riêng sống ở nông thôn vùng sâu, trình độ dân trí thấp, tập quán sinh hoạt và canh tác lạc hậu, vì thế đa phần nghèo.

Nhận thức rõ điều này, trong những năm qua, Trung ương và tỉnh Sóc Trăng đã có những chính sách, đầu tư, giúp các vùng đông đồng bào Khmer sinh sống có điều kiện phát triển.

Các chương trình 135, 138, 30a… tới nay đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm đường, đóng cây nước, xây trạm xá, trường học, mở thư viện, làm nhà tình thương, tình nghĩa… Các xã, huyện vùng sâu, vùng đồng bào DTTS đã có đường nhựa, bê tông, xe bốn bánh chạy được cả 2 mùa mưa nắng. 100% ấp trong vùng đồng bào Khmer đã có điện và sử dụng nước đảm bảo hợp vệ sinh.

“Các HTX đã tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, bình quân giảm từ 3%-4%/năm.” Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc nói.

Theo Kim Yến/Thời báo kinh doanh

 

 

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang