Lai Châu: Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết
Những năm gần đây, việc xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp được các cấp ngành, địa phương tỉnh Lai Châu quan tâm thực hiện. Từ đó, hình thành các chuỗi sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao góp phần bảo đảm đầu ra cho sản phẩm cũng như thu nhập cho người dân.

Với lợi thế về đất đai, diện tích tự nhiên hơn 906.878ha, trong đó 526.533,58ha đất nông nghiệp, chiếm 58% diện tích tự nhiên của tỉnh Lai Châu, khí hậu thuận lợi rất thích hợp để phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Phát huy những lợi thế có sẵn, các địa phương của tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vào sản xuất để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất tham gia đầu tư, liên kết sản xuất. Đến nay, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung tại các huyện: Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ, thành phố Lai Châu và một số trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn có liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi với các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã hình thành trên 2.000ha lúa đặc sản địa phương như: séng cù, tẻ râu, nếp tan co giàng… Cùng với đó, cây chè được mở rộng theo hướng gắn với các nhà máy chế biến, tạo ra sản phẩm có giá trị thương mại cao. Hiện toàn tỉnh có 7.775ha, diện tích chè kinh doanh 4.705ha, chủ yếu là chè kim tuyên, PH8. Nhận thức của người trồng chè chuyển biến rõ nét, chú trọng đầu tư thâm canh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp chế biến, thu nhập của người trồng chè ngày càng ổn định. Các công ty, HTX không ngừng đổi mới dây chuyền, công nghệ chế biến tạo ra các sản phẩm chè có chất lượng: Sencha, Mátcha…

Ngoài ra, các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Tiêu biểu như mô hình sản xuất, cung ứng rau thủy canh, mô hình trồng hoa ở xã San Thàng (thành phố Lai Châu); mô hình trồng chanh leo của huyện Tân Uyên; mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ ở huyện Than Uyên, Tân Uyên, Mường Tè, Nậm Nhùn… Các mô hình đã tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân và cung ứng cho cửa hàng thực phẩm trong và ngoài tỉnh; quá trình tổ chức sản xuất được các thành viên Hợp tác xã, người dân thực hiện theo đúng quy trình và có sự bàn bạc, thống nhất cũng như thực hiện đúng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi.

Điển hình như HTX Thanh Xuân (xã Mường Cang, huyện Than Uyên) đang liên kết bao tiêu sản phẩm lúa séng cù cho nông dân trên địa bàn huyện. Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2009, sau hơn chục năm hoạt động, đến nay HTX có 12 thành viên với tổng vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Được huyện giao quản lý và duy trì thương hiệu gạo séng cù, HTX đã ký kết với hơn 200 hộ dân 2 xã Hua Nà và Mường Cang sản xuất trên 30ha giống lúa séng cù. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua, chế biến và xuất bán ra thị trường hơn 300 tấn gạo, doanh thu hơn 2,8 tỷ đồng.

Chị Lò Thị Thặm (bản Hua Nà, xã Hua Nà, huyện Than Uyên) chia sẻ: “Gia đình tôi thực hiện liên kết với HTX Thanh Xuân với diện tích trên 2.000m2 trồng lúa séng cù. Trước đây, cứ đến vụ thu hoạch lúa bà con trong xã lo lắng sợ xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Giờ bà con yên tâm phát triển, mở rộng diện tích lúa séng cù vì được HTX Thanh Xuân bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý, ổn định. Ngoài ra, hàng năm HTX còn hướng dẫn bà con kỹ thuật bảo quản thóc sau thu hoạch, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.

Thành viên HTX Thanh Xuân (xã Mường Cang, huyện Than Uyên) đóng gói sản phẩm gạo séng cù

Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản của tỉnh còn nhiều hạn chế, sản phẩm làm ra còn manh mún, chất lượng chưa cao. Liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm còn lỏng lẻo, sản phẩm chưa tiêu thụ được nhiều. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún nên trong quá trình tổ chức triển khai, ký hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu hàng hóa đầu ra với quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt đối với các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Để giải quyết bài toán khó này, tháng 8/2019, tỉnh Lai Châu ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Theo đó, nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp sẽ được hưởng chính sách với ưu đãi hỗ trợ như: chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, đào tạo tập huấn… Theo chính sách hỗ trợ của tỉnh, về hạ tầng phục vụ liên kết được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị và xây dựng nhà xưởng, kho sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mức hỗ trợ được cấp thẩm quyền phê duyệt không quá 10 tỷ đồng/dự án. HTX nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn được hỗ trợ một lần tối đa 100 triệu đồng/1 nội dung/1 hợp tác xã… Ngoài ra, tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của địa phương gắn với đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Trao đổi với chúng tôi ông Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu khẳng định: “Sản xuất theo chuỗi liên kết giúp nông dân bao tiêu được sản phẩm, nâng cao thu nhập hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Vì vậy, việc tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ khuyến khích doanh nghiệp, HTX, cá nhân, tổ chức tham gia. Cùng với đó, hiện nay chúng tôi vận động các huyện, thành phố làm tốt Chương trình “Mỗi địa phương một sản phẩm” (OCOP), trước mắt tập trung 9 sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt: gạo tẻ râu, rượu ngô truyền thống, quả mắc-ca khô, chè… Qua đó, sẽ tạo dựng được các thương hiệu nông sản cho bà con, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, phát triển bền vững”.

Theo báo Lai Châu

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang