Liên kết HTX và doanh nghiệp: Cái 'bắt tay' đưa nông nghiệp Việt cất cánh

Việc phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với chuỗi giá trị được kỳ vọng không chỉ giải quyết bài toán đầu ra trước mắt "được mùa - mất giá" mà sẽ nâng tầm ngành nông nghiệp, đưa nông sản Việt Nam đến nhiều thị trường trên thế giới. Vấn đề còn lại là làm sao để mối liên kết giữa các bên trong chuỗi giá trị trở nên khăng khít hơn.

Được thành lập năm 2006, HTX nông nghiệp Bình Đào (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã đăng ký với huyện và là HTX đi tiên phong trong thực hiện mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất để tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trịCũng từ mô hình tích tụ ruộng đất và liên kết sản xuất, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp (DN) vào ký hợp đồng liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm với nông dân thông qua HTX.

Hết lo 'được mùa, mất giá' 

Cùng từ định hướng này, HTX Bình Đào đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình, phương án hiệu quả, như mô hình chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả, qua đó đã đem lại giá trị kinh tế gấp 2 lần so với trồng lúa.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. 

Hay như HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định được biết tới với việc thực hiện thành công dự án cánh đồng lớn theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ đặc sản sầu riêng VietGap ở xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai). Nhờ đẩy mạnh tìm kiếm đầu mối tiêu thụ, từ các DN xuất khẩu cho đến các kênh bán lẻ hiện đại. HTX ký kết được hợp đồng bao tiêu với DN nên đầu ra ổn định với mức giá tốt hơn mặt bằng chung ngoài thị trường.

Ông Lê Thành Ý, Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, đánh giá nhiều HTX nông nghiệp đang "ăn nên làm ra", tạo ra giá trị sản xuất lớn. Trong nông nghiệp, muốn tạo ra giá trị của chuỗi ngành hàng, vai trò của các tổ hợp tác, HTX rất quan trọng.

Số liệu từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cũng cho thấy đến ngày 30/9/2020, cả nước có 16.479 HTX nông nghiệp. Dự kiến, đến hết năm 2020 cả nước sẽ có khoảng trên 17.000 HTX nông nghiệp và 68 Liên hiệp HTX nông nghiệp. Các HTX ngày càng chú trọng thực hiện liên kết, hợp tác với các DN cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra, đặc biệt trên các ngành hàng chủ lực.

Cụ thể, đến 31/12/2019, các chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cả nước có 4 tác nhân tham gia liên kết đó là: có 269 tổ chức khoa học; 590.008 hộ nông dân; 3.913 HTX nông nghiệp và 1.728 DN tham gia liên kết với HTX, THT và nông dân trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

"Điều này cho thấy, hiện đã có sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với các cơ quan quản lý nhà nước, DN, trường đào tạo trong việc nâng cao năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh cho HTX và hộ thành viên nông dân gắn với cung ứng vật tư đầu vào đảm bảo chất lượng và tiêu thụ sản phẩm đầu ra", đại diện Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn đánh giá.

Tuy vậy, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn cũng cho rằng việc thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế nên số lượng DN tham gia liên kết với HTX ít, đa số quy mô nhỏ, vốn ít nên đầu tư cho nông dân xây dựng vùng nguyên liệu còn hạn chế. Do vậy, cần bố trí nguồn lực để thực hiện hỗ trợ các HTX nông nghiệp nâng cao chất lượng hoạt động, từ đó kết nối các DN liên kết với các HTX để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX.

Củng cố mối liên kết 

Về phía HTX, đại diện HTX Bình Đào cho rằng việc triển khai mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất liên kết theo chuỗi giá trị mà HTX đạt được có một số bài học kinh nghiệm như cần nâng cao vai trò trách nhiệm, nhận thức đúng đắn và tư duy đổi mới của người nông dân trong chuỗi liên kết (chủ thể quan trọng của quá trình liên kết sản xuất) và phải xây dựng được niềm tin, sự minh bạch giữa các bên trong quá trình hợp tác liên kết giữa HTX với nông dân và giữa DN với HTX.

Bên cạnh đó, bản thân HTX phải hoàn thiện 5 mục tiêu cơ bản đó là: Xây dựng niềm tin - Năng lực quản trị - Mở rộng liên kết - Ứng dụng KHKT - Tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động liên kết.

Đối với những HTX nông nghiệp, cần phải chủ động làm việc với các DN để xác định cụ thể diện tích sản xuất và cơ cấu cây trồng nhằm tránh tình trạng sản xuất thừa hoặc thiếu sản phẩm cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, chú trọng việc củng cố, bổ sung nguồn lao động cho các tổ sản xuất đảm bảo về số lượng, chất lượng và giao việc cụ thể cho cán bộ đứng điểm tại các cánh đồng để thực hiện tốt phương án tập trung, tích tụ ruộng đất…

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Bình (Bình Thuận), cũng nêu ra một thực tế là nông dân sẵn sàng sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng, miễn sao sản phẩm có thể tiêu thụ tốt. Dẫn chứng từ trái thanh long, bà Phụng cho biết được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nhưng chỉ xuất khẩu được 300 - 400 kg mỗi đợt, dẫn tới tình trạng HTX dư thừa hàng mà không biết bán cho ai.

"Chúng tôi đảm bảo làm sạch, làm theo yêu cầu của khách hàng, chỉ cần DN đảm bảo bao tiêu với số lượng lớn, ký hợp đồng lâu dài với HTX", bà Phụng chia sẻ.

Về phần DN, ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An, người sở hữu thương hiệu "vua chuối", cho biết thời gian tới sẽ đẩy mạnh liên kết với các HTX, DN bỏ ra quy trình sản xuất, vật tư, kỹ thuật, thị trường; đổi lại người nông dân bỏ ra lao động tại chỗ và đất đai.

Trong bài toán này hai bên bỏ vốn chung cùng định giá sản phẩm, 1ha tiền công người nông dân sẽ được DN trả 70 triệu đồng, tiền lời 150-170 triệu mỗi ha. "Tôi đưa ra bài toán này để tránh bị phá kèo, DN phải đảm bảo mua nguyên liệu từ nông dân khi giá thấp, còn nông dân chắc chắn phải bán cho DN", ông Huy nêu giải pháp tránh bẻ kèo khi liên kết. 

Theo ông Lê Viết Thái, nguyên Trưởng Ban Thể chế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), bản chất HTX khi hình thành là liên kết. Đây cũng là mô hình chuẩn của HTX nguyên thuỷ cách đây 100 năm, khi những người dân trồng nho ở châu Âu ban đầu chỉ sơ chế nho, sau đó chung tay nhau thành lập HTX làm rượu vang. Do vậy, mục tiêu của HTX lớn nhất là tăng lợi nhuận cho các thành viên.

"HTX cần đẩy mạnh liên kết với DN để giải quyết bài toán đầu vào và đầu ra. Đồng thời, Nhà nước nên có các chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển liên kết trong chuỗi giá trị nông nghiệp", ông Thái nhấn mạnh.

 

Nguồn: Lê Thúy - Thời báo kinh doanh
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang