Nâng tầm nông sản để nâng 'chất' xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX, trang trại và hộ gia đình tham gia đầu tư phát triển sản xuất, tập trung phát triển các loại sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao gắn với Chương trình OCOP.

Việc phát triển các vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng sẽ được tỉnh tập trung chỉ đạo trong thời gian tới. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) gắn với du lịch sinh thái.

Đẩy mạnh chương trình OCOP

Tính đến nay, tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh có tổng số 87 sản phẩm (trong đó có 67 sản phẩm đạt 3 sao và 20 sản phẩm đạt 4 sao). Lạng Sơn đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh tiêu chuẩn hóa trên 80 sản phẩm OCOP, trong đó có 40 sản phẩm đạt từ 3 - 5 sao nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn.

anh tin bai

Lạng Sơn triển khai nhiều giải pháp để kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP (Ảnh: Int)

Để phát triển các sản phẩm OCOP có tính bền vững, Sở Công Thương Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp để kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường. Hằng năm, Sở cũng thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm, mở và tiếp tục mở rộng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn… Ngoài đẩy mạnh việc đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, các sàn giao dịch điện tử, Sở Công Thương còn phối hợp với các sở ban ngành thành lập các trang web để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 và Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2020-2025.

Theo đó, 2 Nghị quyết trên tập trung vào các chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ phát triển thương hiệu mở rộng thị trường; hỗ trợ thành lập mới và đưa trí thức trẻ  vào làm việc tại các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ Đề án Chương trình OCOP; hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm kinh tế cao, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Sau 3 năm thực hiện các Nghị quyết, tổng kinh phí mà tỉnh Lạng Sơn cân đối hỗ trợ đến nay là trên 38 tỷ đồng. Theo các cơ quan chuyên môn, các chính sách hỗ trợ trong nghị quyết là thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế địa phương và được nhiều sự quan tâm của các tổ chức cá nhân đầu tư dự án nông nghiệp.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn khẳng định, các chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích đầu tư nông nghiệp, nông thôn đã dần đi vào cuộc sống và phù hợp với nhu cầu sản xuất. Đến nay đã có 18 trí thức trẻ ở 17 HTX được tỉnh phê duyệt hỗ trợ làm việc có thời hạn tại các HTX; có 20 chủ thể sản phẩm OCOP được hỗ trợ… Hiện, đơn vị đang thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện chứng nhận các sản phẩm chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic của 10 đơn vị, tổ chức của các huyện trong tỉnh.

Theo Đề án xây dựng NTM tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2025, toàn tỉnh có 115/181 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 63,5%; bình quân mỗi năm có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM; bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt từ 15 tiêu chí trở lên không có xã dưới 10 tiêu chí; có 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; xây dựng và công nhận mới 30 khu dân cư NTM kiểu mẫu; có thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,3 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm trở lên; thành lập mới được 60 HTX, 40 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; Chương trình OCOP có thêm ít nhất 50 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; xây dựng 3 làng văn hóa du lịch cộng đồng…

Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX

Để đạt được tiêu chí 13 trong xây dựng NTM, trước tiên xã phải có HTX hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật HTX. Trong những năm gần đây, nhiều xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phát triển mới các HTX.

anh tin bai

Các HTX tại Lạng Sơn có nhiều dư địa phát triển dựa trên thế mạnh của các nông, đặc sản địa phương.

Theo số liệu của Liên minh HTX Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh hiện có 433 HTX đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 8/2022, trên địa bàn tỉnh chỉ có 15% số HTX hoạt động khá, 60% hoạt động trung bình, còn lại là yếu kém. Trước thực tế đó, việc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh không chỉ đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế tập thể nói chung mà còn giúp các xã xây dựng và từng bước đạt tiêu chí 13 đúng nghĩa, thực chất.

Để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, trước hết phải tìm được nguyên nhân dẫn tới khó khăn của các HTX. Vì vậy, ngay trong những tháng đầu năm 2022, Sở KH&ĐT (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh) đã tiến hành khảo sát khó khăn, vướng mắc của các HTX.

Qua khảo sát, có 145 HTX có ý kiến, kiến nghị nêu lên những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; tiếp cận chính sách hỗ trợ HTX về đất đai, mặt nước, xây dựng hạ tầng; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường; hỗ trợ thành lập mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, phát triển HTX…

Trước những kiến nghị cụ thể của các HTX, các cơ quan liên quan đã có giải đáp, hướng dẫn cụ thể để các HTX nắm bắt thông tin cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Ông Đặng Văn Loan, Giám đốc HTX chăn nuôi Lộc Phát, xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia cho biết: HTX được thành lập vào cuối năm 2021 với 7 thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi trâu, bò. Do mới đi vào hoạt động nên HTX còn khó khăn về nguồn vốn. Năm 2022, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, ông đã tìm hiểu và làm hồ sơ vay vốn ưu đãi (Nhà nước hỗ trợ lãi suất 100%) với số tiền 200 triệu đồng. Từ số tiền vay được, bản thân ông Loan và HTX có thêm điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng thêm thu nhập cũng như từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX. Đến nay, HTX duy trì 80 con trâu, bò và dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng quy mô.

Cùng với HTX chăn nuôi Lộc Phát, một số HTX khác trên địa bàn tỉnh cũng được tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về vốn. Cụ thể đến nay, trên địa bàn tỉnh có 23 HTX có dự nợ vay vốn tại các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh với tổng dư nợ gần 87,5 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, các ngân hàng đã cho các HTX vay 32 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đã giúp cho các HTX có thêm điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố cũng triển khai các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khác cho HTX. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 21 hội nghị tuyên truyền về Luật HTX năm 2012 với gần 2.300 người tham dự; tổ chức 2 lớp tập huấn cho 240 người là lãnh đạo quản lý, thành viên HTX… Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, thu hồi nợ từ các trường hợp nợ quá hạn để tiếp tục cho các HTX có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ HTX như: hỗ trợ thành lập mới 60 HTX với số tiền 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ 20 trí thức trẻ về làm việc tại các HTX…

Với những giải pháp đã và đang triển khai thực hiện, thời gian tới, kỳ vọng kinh tế hợp tác tỉnh Lạng Sơn sẽ từng bước được củng cố, phát triển, qua đó góp phần quan trọng vào việc hoàn thành tiêu chí 13 trong xây dựng NTM trên địa bàn.

Theo Phương Linh/Thời báo kinh doanh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang