Thắp sáng ngọn lửa thoát nghèo ở A Lưới

Nằm trong danh sách 74 huyện nghèo nhất cả nước, thời gian qua đời sống của người dân ở vùng cao A Lưới (Thừa Thiên – Huế) đang thay đổi từng ngày nhờ những chính sách thoát nghèo "hợp tình, hợp lý" của địa phương. Trong đó khu vực kinh tế tập thể, HTX được xem là 'người tiên phong' trong việc hỗ trợ đồng bào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Năm 2023, A Lưới đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 26,12% vào cuối năm (tương ứng giảm 12,08%, từ 5.399 hộ nghèo hiện nay xuống còn 3.691 hộ). Đến năm 2025, A Lưới phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn dưới 12,01%, quyết tâm thoát ra khỏi một trong 74 huyện nghèo nhất toàn quốc giai đoạn 2021 – 2025.

Kinh tế tập thể là 'bà đỡ' cho người dân

Huyện A Lưới đang tập trung phát triển mô hình kinh tế tập thể, đặc biệt xây dựng các tổ hợp tác và HTX để đảm bảo các tiêu chí về phát triển nông thôn mới, qua đó tạo đầu ra cho các nguyên liệu, nông sản của bà con địa phương. Đây là hướng đi mới của A Lưới để tạo ra những đặc sản mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc A Lưới.

HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn huyện A Lưới nằm sâu trên địa bàn xã Hương Phong với diện tích hơn 2ha, theo mô hình sản xuất theo hướng nông sản sạch, khép kín từ khâu sản xuất đến khi giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Để tạo ra nguồn cung ổn định, HTX xây dựng 2 tổ trồng chuối, 1 tổ trồng rau quả, 1 tổ chăn nuôi gà, lợn tại các xã Hương Phong, Nhâm, Hồng Bắc.

anh tin bai

Đến nay các HTX ở huyện A Lưới cũng đã đủ sức cạnh tranh để đứng vững trên thị trường, mang lại cuộc sống ổn định cho thành viên.

Chị Hồ Thị Ngạch, thành viên HTX cho biết, trước đây, toàn bộ diện tích này tôi trồng sắn nhưng năm nào cũng rơi vào điệp khúc được mùa mất giá và ngược lại. Khi được HTX sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn huyện A Lưới vận động liên kết thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, chị đã đồng ý tham gia.

“Chúng tôi được đầu tư, hỗ trợ xây dựng trang trại sản xuất rau an toàn, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác và có nơi tiêu thụ ổn định nên cuộc sống đã đổi thay. Mỗi thành viên thu lãi trung bình từ 200 đến 300 nghìn đồng/ngày từ bán rau củ, đời sống ngày một khấm khá hơn, cái đói, cái nghèo của người đồng bào dân tộc chúng tôi đã bị bỏ lại phía sau”, chị Hồ Thị Ngạch phấn khởi nói.

Từ mô hình sẵn có lại được HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn huyện A Lưới tiếp sức, chị Đặng Thị Hồng ở thôn Cần Nông, xã Hồng Quảng đã mở rộng mô hình sản xuất nấm hữu cơ trên diện tích 700m2. Chị đầu tư mua máy sàng mùn cưa, máy thanh trùng, máy lọc không khí, lò truyền nhiệt... để cấy các loại nấm rơm, nấm sò. Hiện trung bình mỗi tháng, chị Hồng xuất ra thị trường 6 tạ nấm, mang về thu nhập cho gia đình 15 triệu đồng/tháng và tạo việc làm cho 5 lao động khác.

Ngoài 2 mô hình trên, HTX còn kết nối, tạo đầu ra ổn định các mặt hàng nông sản sạch cho 3 tổ liên kết trồng chuối tại xã Nhâm và 1 tổ liên kết nuôi gà ở thị trấn A Lưới. Những tổ liên kết, những mô hình sản xuất theo hướng hiện đại đang ngày càng xuất hiện nhiều trên địa bàn A Lưới, tạo nên sự đổi thay trong từng bản làng.

Chị Hồ Thị Nga, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn huyện A Lưới tự tin: "Khi mới đi vào vận hành, HTX gặp nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm của từng thành viên và được sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, đơn vị, đến nay HTX dần đủ sức cạnh tranh để đứng vững trên thị trường, các sản phẩm của bản làng đã và đang được vươn xa".

Đảm bảo cuộc sống ấm no cho thành viên

Đặc biệt, để tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm làm ra, HTX đã xây dựng 1 cửa hàng bán nông sản, thực phẩm tại thị trấn A Lưới và 1 cửa hàng tại thành phố Huế. Các mặt hàng bày bán chủ yếu là các nông sản đặc trưng của vùng đồi núi như mật ong, chuối, gạo Ra dư, nếp than, măng rừng, rau rừng, thịt gà, thịt heo bản, tiêu, ớt… Bên cạnh việc bán các sản phẩm làm ra từ HTX, các thành viên còn tổ chức thu mua nông sản của bà con, với phương châm "mỗi làng, xã đăng ký một loại sản phẩm".

Anh Hồ Văn Luận (45 tuổi, ở xã Quảng Nhâm) vui vẻ cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng chuối chỉ để ăn, thi thoảng bán được vài buồng nhưng giá cả không đáng là bao, vì bà con ở đây nhà ai cũng có vài bụi chuối. Từ ngày gia nhập HTX, tôi mở rộng trồng 8 sào, thu nhập ổn định hơn, không còn lo cái đói mùa giáp hạt nữa. Đặc biệt, ngay cả những lúc đầu ra khó khăn, HTX đứng ra tìm cách bao tiêu sản phẩm cho bà con”.

Đến nay, các đầu mối tiêu thụ sản phẩm của HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn A Lưới rất đa dạng, đó là các trường học, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cửa hàng nông sản sạch tại thành phố Huế, mang lại doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm.

anh tin bai

Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo có hiệu quả và  thành công trên địa bàn huyện A Lưới.

Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ A Lưới cho biết, sau thời gian đi vào hoạt động, hai cửa hàng tại A Lưới và thành phố Huế kinh doanh rất hiệu quả, trung bình mỗi của hàng bán từ 1,5 đến 2 triệu đồng/ngày, tương đương 45 đến 60 triệu/tháng. Qua đó, tạo thu nhập ổn định cho mỗi thành viên HTX từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Quan trọng hơn là các nông sản núi rừng lâu nay của bà con dân tộc đã được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.

Tìm hướng thoát nghèo bền vững

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, là địa phương giáp biên giới, lại có hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây, dù tỷ lệ hộ nghèo ở A Lưới có giảm nhiều nhưng vẫn còn ở mức khá cao, nguy cơ tái nghèo là điều khó tránh khỏi.

Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến thực trạng tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo và kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững ở A Lưới là việc thiếu đất sản xuất khiến người dân nơi đây khó khăn trong việc làm ruộng, làm vườn và tổ chức chăn nuôi.

Ngoài ra, thị trường đầu ra sản phẩm nông nghiệp của bà con còn thấp. Một rào cản khác trong công tác xóa đói giảm nghèo ở A Lưới, đó là xuất phát từ nhận thức và ý chí vươn lên của chính người dân nơi đây chưa cao, một bộ phận không nhỏ bà con còn mang nặng các tư tưởng, phong tục tập quán lao động sản xuất lạc hậu.

Chủ tịch huyện A Lưới cho hay, để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, huyện tập trung cơ bản vào 3 nội dung chính gồm tạo việc làm cho lao động chưa có việc; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ về sinh kế, triển khai các mô hình có hiệu quả đã thực hiện thành công trên địa bàn.

Trong năm 2023, A Lưới dự kiến tổ chức đào tạo nghề cho trên 1.030 người, đồng thời thực hiện tốt chính sách tín dụng hỗ trợ lao động đi làm việc nước ngoài có thời hạn, làm việc tại các khu chế xuất công nghiệp trong và ngoài tỉnh cho lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Theo Đoàn Huyền/Thời báo kinh doanh

 

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang