Hiện nay, trên địa bàn xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh có trên 180ha trồng cây cam. Loại cây này đã được gắn nhãn mác, bao bì OCOP và trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân địa phương. Để phát triển, quảng bá thương hiệu cam Vạn Yên, không thể không nhắc đến những đóng góp của các HTX trên địa bàn.
Cam Vạn Yên được người dân trồng, chăm sóc hoàn toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nguồn tưới được tận dụng từ những khe nước trong rừng chảy ra, phân bón hữu cơ, bón lót 4 lần/năm và gần như không dùng thuốc trừ sâu, nên cam rất sạch và ngon, ngọt.
Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
Ông Trần Văn Hậu (thôn Cái Bầu) – Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên chia sẻ: Năm nay thời tiết có nhiều thay đổi khiến cam chín chậm hơn mọi năm, tổng sản lượng cam của cả xã Vạn Yên đều đạt thấp hơn so với năm ngoái, tuy vậy giá giá cam lại nhỉnh hơn trước.
Vườn cam 68 của ông Hậu có diện tích 11ha với hơn 6.000 gốc, hiện đang trồng các giống: Cam giấy địa phương, cam đường, cam lòng vàng, cam V2 chín muộn, cam canh. Ông Hậu cũng đang trồng một loại giống mới để thay thế một số giống không hiệu quả.
Ngay từ khi thành lập, HTX Nông trang Vạn Yên đã định hướng trở thành đầu mối áp dụng khoa học, lan toả kỹ thuật trồng cam trên địa bàn. Không chỉ kiểm soát chất lượng thành phẩm, HTX còn làm chủ kỹ thuật chiết, ghép cây, đảm bảo quy trình kỹ thuật trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mùa vụ, tiêu thụ sản phẩm...
Cây cam đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân xã Vạn Yên (ảnh TL).
Cùng với HTX Nông trang Vạn Yên, HTX Cam 10/10 đã xây dựng vùng trồng cam tập trung, nâng cao về số lượng lẫn chất lượng. Hiện, HTX Cam 10/10 có 35ha với 23 thành viên tham gia trồng, diện tích đã cho thu hoạch là trên 30ha, sản lượng bình quân đạt 120 tấn/năm, tổng thu nhập HTX bình quân đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm.
Năm 2016, cam Vạn Yên được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận, cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. Nhờ việc phát triển giống cam đặc thù của địa phương, các thành viên trong HTX đã có thu nhập ổn định từ trên 100-500 triệu đồng/năm, một số hộ cho thu nhập đến 1 tỷ đồng/năm. Qua đó, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Theo ông Hà Văn Ninh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn: Để nâng cao giá trị sản xuất đối với cây cam, các HTX, chủ vườn cần tiến hành canh tác rải vụ, trồng thêm các giống cây cam chín sớm, chín muộn để có thể thu hoạch kéo dài, tránh tập trung vào một vụ ngắn. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Phát triển, mở rộng diện tích được quy hoạch theo hướng sản xuất an toàn VietGAP, hữu cơ. Việc trồng cam phải gắn liền với phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thành viên HTX.
Phát triển du lịch trải nghiệm
Khoảng 5 năm trở lại đây, song song với phát triển số lượng và xây dựng chất lượng vườn cam, các HTX còn chú trọng xây dựng cảnh quan vườn cam,... tạo cơ sở phát triển du lịch nông thôn, thu hút đông đảo khách tham quan, trải nghiệm.
Thời điểm cam vào vụ thu hoạch (từ tháng 11 đến hết tháng 2), chủ vườn thường mở cửa đón du khách đến tham quan và mua cam tại vườn. Với hình thức du lịch sinh thái mới lạ, các vườn cam nhanh chóng trở thành điểm tham quan, chụp ảnh lưu niệm lý tưởng.
Du khách đến tham quan, thưởng thức cam ngon ngay tại vườn.
Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên - ông Trần Văn Hậu phấn khởi cho biết: Những ngày cuối tuần thời kỳ cam chín, vườn cam của HTX thường đón khoảng 500 khách, đỉnh điểm có ngày lên tới hàng nghìn khách. Ngoài ra, nhiều thương lái vào thu mua cam để chuyển bán ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Năm nay đường vào thôn đang mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến tham quan.
Hiện nay, nhiều chủ vườn là thành viên của các HTX đã đầu tư xây dựng các khu nghỉ, ăn trưa, nướng đồ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Sau khi trải nghiệm tại vườn cam, du khách có thể tổ chức thêm các hoạt động vui chơi ngoài trời, thưởng thức các món ăn đặc trưng của địa phương ngay tại vườn.
Vườn cam của các HTX trở thành điểm đến "check in" của nhiều bạn trẻ.
Để tiếp tục phát triển thương hiệu cam Vạn Yên, hiện nay, huyện Vân Đồn đã có chủ trương xây dựng "Đề án phát triển cây trồng bản địa", trong đó có phát triển thêm 200ha cam tại xã Vạn Yên. Việc mở rộng, phát triển cây cam Vạn Yên góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, hướng đến quảng bá, tiêu thụ rộng khắp sản phẩm ra các tỉnh, thành trong cả nước.
Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng, thế mạnh của giống cam địa phương hơn nữa, các HTX, nhà vườn cần phát huy vai trò của các website, nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook để đăng tải, quảng bá sản phẩm cam Vân Đồn... Ngoài ra, để phát triển sinh kế lâu dài, các đơn vị sản xuất và hộ trồng cần chủ động phối hợp với các cơ sở kinh doanh du lịch xây dựng tour, tuyến để phục vụ nhu cầu trải nghiệm của người dân và khách tham quan du lịch... Qua đó, cung cấp đa dạng các gói dịch vụ phục vụ du khách có thể trải nghiệm dài ngày tại địa phương.
Theo Thanh Vân/Thời báo kinh doanh