Vươn ra “biển lớn” nhờ sản xuất theo chuỗi giá trị

Trong những năm qua, nhiều mô hình hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi đã “ăn nên làm ra”, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường vươn ra biển lớn nhờ mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. HTX dệt đũi Nam Cao (Thái Bình), HTX lanh Lùng Tám (Hà Giang) là những điển hình.

anh tin bai

HTX dệt đũi Nam Cao đã hình thành được vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm (Trong ảnh: Giám đốc HTX dệt đũi Nam Cao- Lương Thanh Hạnh bên phải)

HTX dệt đũi Nam Cao: Vươn ra biển lớn

Nói đến sự hồi sinh của làng nghề dệt đũi Nam Cao (thuộc xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, Thái Bình), các thành viên của HTX dệt đũi Nam Cao đều nhắc đến tên Giám đốc Lương Thanh Hạnh - người con giàu tâm huyết, đam mê với lụa đũi và năng động của quê hương Thái Bình.

Theo các nghệ nhân dệt đũi cao tuổi, làng nghề dệt đũi Nam Cao có từ xa xưa. Trước đây, sản phẩm vải lụa, đũi Nam Cao chủ yếu để may thành quần áo để tiêu thụ trong nước, sau đó, được xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, những năm thập kỷ 90 đến khoảng 2010, làng nghề Nam Cao hoạt động cầm chừng do thị trường bị thu hẹp, sản phẩm không cạnh tranh được với vải vóc, quần áo áo may công nghiệp. Nhiều thợ dệt Nam Cao đã gác khung cửi chuyển sang làm những việc khác.

Cho đến năm 2015, chị Lương Thanh Hạnh- người con quê hương Thái Bình đang làm việc ở Hà Nội đã về khảo sát, tìm hiểu sản phẩm lụa, đũi Nam Cao và quyết định đầu tư, khôi phục lại làng nghề. Năm 2016, chị Lương Thanh Hạnh tập hợp 30 thành viên giỏi nghề dệt để thành lập nên HTX dệt đũi Nam Cao.

anh tin bai

Thành viên HTX dệt đũi Nam Cao thực hiện công đoạn dệt đũi

Ngay sau khi HTX được thành lập, toàn xã Nam Cao đã có trên 90 hộ dân quay lại với nghề dệt truyền thống để cung cấp sản phẩm lụa đũi cho HTX và mở rộng vùng trồng dâu, nuôi tằm, hình thành chuỗi sản xuất - cung ứng khép kín. Hiện nay, HTX đã mở rộng, phát triển lên 150 hộ thành viên duy trì nghề đũi, trong đó có 25 thợ dệt đũi giỏi, thu nhập bình quân đạt 2.5- 4000 đồng/người/tháng.

Để bắt kịp xu hướng thị trường, HTX dệt đũi Nam Cao đã sản xuất đa dạng các sản phẩm như: vải lụa đũi, lụa tơ tằm, áo dài, váy thời trang, vòng lụa, rèm cửa, ga gối, khăn quàng, khăn mặt, khăn tắm… chất liệu 100% vải tơ tằm. Những sản phẩm này mang tên thương hiệu Hanh Silk chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Đức…

anh tin bai

Sản phẩm khăn lụa tơ tằm mang thương hiệu Hanh Silk

Từ năm 2020 đến giữa năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, lượng khách du lịch ngoại quốc sang Việt Nam chững lại nên HTX cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Giai đoạn này, Hanh Silk ưu tiên các sản phẩm lụa đũi ứng dụng như váy áo thời trang, rèm cửa, khăn, ga gối, kén tằm massage mặt,… để tiêu thụ tại thị trường nội địa. Những họa tiết, hoa văn trên sản phẩm lụa, đũi của Hanh Silk đều được vẽ độc bản bằng tay rất sáng tạo, độc đáo.

Ngoài Không gian trưng bày lụa Hạnh Silk thường xuyên tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ (số 2, Hoa Lư, Hà Nội), Giám đốc Lương Thanh Hạnh cũng thường xuyên mang các sản phẩm lụa, đũi của làng nghề Nam Cao cùng những nghệ nhân tài hoa nhất đi giới thiệu, quảng bá và trình diễn nghề tại các sự kiện văn hóa- du lịch, các hội chợ triển lãm ở nhiều địa phương trong nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng...

anh tin bai

Đoàn Hanh Silk gồm các nghệ nhân, nhà thiết kế, người mẫu giới thiệu tơ tằm Việt Nam trên đất Thái Lan.

Từ giữa năm 2022 đến nay, khi dịch Covid- 19 đã lắng xuống, thị trường quốc tế bắt đầu sôi động trở lại. “Chúng tôi đang có nhiều đơn đặt hàng từ các nước Châu Âu, Thái Lan, Nhật Bản…”. Với tư duy mới, sự năng động trong cơ chế thị trường, HTX dệt đũi Nam Cao đang trên đà phát triển mạnh mẽ và vươn xa hơn ra “biển lớn”. Xã Nam Cao cũng vinh dự đạt chuẩn xã nông thôn mới từ năm 2015.

HTX lanh Lùng Tám- Tạo nguồn thu ổn định cho phụ nữ

Chia sẻ về công việc của mình, nghệ nhân Vàng Thị Mai cho biết, nhờ sự giúp đỡ của hai vợ chồng người Thụy Điển, năm 2001, HTX dệt thổ cẩm Lùng Tám (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hà Giang) chính thức được thành lập, với số vốn ban đầu chỉ vọn vẹn 13 triệu đồng do chị Mai dành dụm được. 10 thành viên tham gia vào HTX đầu tiên được chị Mai cầm tay chỉ việc để làm ra những tấm vải lanh đẹp nhất.

anh tin bai

Giám đốc HTX lanh Lùng Tám- Vàng Thị Mai (bên phải) được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam

Vừa đứng ra tập hợp chị em phát triển nghề trồng lanh dệt vải, chị Mai vừa đôn đáo đi khắp nơi tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chị đã hợp tác với Trung tâm Hỗ trợ làng nghề truyền thống Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Craftlink… để tranh thủ sự hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường, đồng thời giúp các thành viên HTX làm quen với các hoa văn, họa tiết, sản phẩm mới.

Đặc biệt là việc ký kết hợp tác với Association Batik International-một tổ chức hướng nghiệp quốc tế của Pháp để tạo điều kiện cho xã viên được tham gia tập huấn, nâng cao tay nghề, tiếp cận máy móc hiện đại, làm ra nhiều sản phẩm đẹp, có chất lượng tốt hơn…

anh tin bai

Thành viên HTX lanh Lùng Tám thực hiện công đoạn vẽ sáp ong trên vải thổ cẩm

Đến nay, sau hơn 20 năm làm Hội trưởng Phụ nữ Lùng Tám và 21 năm Chủ nhiệm HTX lanh Lùng Tám, nghệ nhân Vàng Thị Mai đã quy tụ được 130 phụ nữ Mông ở 3 xã trên địa bàn huyện Quản Bạ vào chung một “mái nhà”. Hằng tháng, HTX đảm bảo mức thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/thành viên. Trước thời điểm có dịch Covid-19, HTX đã có lợi nhuận lên tới 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí, mỗi thành viên đều có mức thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng.

Khi chị em xã viên làm ra kinh tế, chủ động được nguồn thu nhập, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội cũng được nâng lên. Chị em hăng hái tham gia xây dựng các phong trào tại địa phương, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới.

2 năm qua (2020, 2021), đại dịch Covid-19 đã khiến làng nghề dệt vải lanh ở Lùng Tám gặp nhiều khó khăn do không có khách du lịch. Điều này cũng khiến nhân sự trong HTX  lanh Lùng Tám bị thu gọn.

Tuy nhiên giờ đây, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, du lịch dần khôi phục, du khách lại tìm đến cao nguyên đá Hà Giang, hoạt động của HTX lanh đã dần ổn định lại. Khi nghề dệt lanh được phục hồi, ngoài việc phát triển sản xuất, chăn nuôi ở gia đình, chị em ở HTX lanh Lùng Tám có thêm thu nhập từ 1,8-2 triệu đồng/tháng.

Nghệ nhân Vàng Thị Mai chia sẻ, sau khi thị trường từng bước được phục hồi, HTX đang có kế hoạch mở rộng hoạt động ra các địa phương khác. Chị đặt mục tiêu đến năm 2025, HTX sẽ có thêm 50ha trồng lanh, thu hút 400 thành viên vào HTX, mỗi thôn sẽ có một nhóm xã viên khoảng 10 người. Chị cũng có dự định đào tạo các bạn trẻ biết dùng máy tính, làm du lịch, bán được hàng để phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại hộ gia đình.

Theo báo Dân tộc

 

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang