Gạo Séng Cù góp công lớn phát triển kinh tế vùng
Gạo Séng Cù là loại gạo đặc sản của vùng đất Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Giống gạo Séng Cù khi nấu lên cơm có chất cơm thơm dẻo, vị ngọt đậm đà và có hàm lượng chất tinh bột, protein, vitamin và một số các khoáng chất cao hơn so với loại gạo thông thường nên được rất nhiều người ưa chuộng.

Huyện Mường Khương và Bát Xát là hai huyện có diện tích trồng giống lúa Séng Cù lớn nhất và đạt chất lượng ngon nhất tại tỉnh Lào Cai. Chỉ tính riêng các xã - vùng sản xuất gạo Séng Cù hơn 300 ha ở các xã: Nấm Lư, Bản Xen, Lùng Khấu Nhin, Tung Chung Phố, đạt sản lượng hơn 1.500 tấn/năm. Do đặc điểm vị trí địa lý cũng như thổ nhưỡng, gạo Séng Cù trồng ở huyện Bát Xát cho chất lượng ngon hơn. Vì vậy, Bát Xát được lựa chọn là huyện trọng điểm để mở rộng diện tích trồng lúa Séng Cù, nhằm nâng cao về sản lượng, cũng như hiệu quả kinh tế cho vùng.

Đặc điểm sản phẩm gạo Séng Cù

Gạo Séng Cù được xay xát từ thóc Séng Cù, loại thóc có vỏ dầy, đầu hạt có râu và cứng hơn các loại thóc tẻ thông thường khác. Chính vì vậy, gạo Séng Cù có hình dáng dài, hạt to mẩy đều, cứng hơn gạo tẻ thường, mùi thơm nhẹ. Gạo Séng Cù được bà con dân tộc xay xát bằng phương thức truyền thống, không đánh bóng nên nó có màu trắng ngà, hạt không bóng, có lượng chất vitamin B1 cao gấp 4 lần gạo tẻ thông thường. Bởi vậy, khi gạo nấu lên thành cơm ăn rất thơm dẻo và mềm, càng nhai lâu càng ngọt, để nguội vẫn thơm, không bị cứng. Các chỉ tiêu hàm lượng vitamin E, Vitamin B1, B3, B6, Cacbonhydrat, chất sơ và các chỉ tiêu dinh dưỡng khác có trong gạo Séng Cù cao gấp từ 3- 4 lần loại gạo khác, kết quả này đã được Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc Gia và Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng I thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam công nhận.

Gạo Séng Cù của Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi (Bát Xát) đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh

Đẩy mạnh sản xuất, nâng cao giá trị sản lượng gạo Séng Cù

Giống lúa Séng Cù được gieo trồng 2 vụ trong năm, vụ Hè - Thu từ tháng 7 tới tháng 10, khi có gió heo may thì thu hoạch. Vụ chiêm Xuân là thời điểm cấy bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 01 năm sau, thu hoạch vào tầm tháng 5,6 của năm. Thời gian sinh trưởng và phát triển của cây lúa đến khi thu hoạch từ 100 - 115 ngày, với đặc điểm cây lúa cao, cứng rạ, chống chịu hạn tốt, hạt bóng, dài và trong, cho năng suất bình quân vụ chiêm 50 tạ/ha, vụ mùa 40 tạ/ha.

Để vụ gieo trồng lúa đạt được năng suất cao, ngoài yếu tố thiên nhiên, bà con dân tộc phải thực hiện đúng và đủ quy trình các bước từ khâu làm đất, ủ giống, gieo mạ đúng khoảng cách để cho cây phát triển, đến chăm bón ruộng lúa đúng kỹ thuật và thời hạn quy định đối với tốc độ sinh trưởng của cây lúa, lựa chọn loại phân bón phù hợp với đặc tính phát triển của giống lúa. Kiểm soát và phòng ngừa một số loại sâu bệnh cho lúa trong suốt thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch...

Thời điểm thu hoạch lúa bà con cũng cố gắng đảm bảo năng suất và chất lượng lúa giống vì nó rất quan trọng để còn có những hạt thóc giống cho những mùa vụ tiếp theo. Độ ẩm của hạt là chỉ tiêu tốt để xác định thời gian thu hoạch tối ưu nên bà con có những tính toán kỹ để có kế hoạch gặt lúa. Cách thức là thu hoạch lúa bằng tay để tránh làm tổn thương hạt và giảm thiểu khả năng làm lẫn cơ giới.

Lúa khi thu hoạch về thường được bà con phơi thủ công trên nền gạch hay nền xi măng thích hợp để giảm độ ẩm và tăng khả năng bảo quản. Tuy nhiên, khí hậu nơi đây thường ít nắng, thời tiết mát mẻ nên thóc phơi cũng không nhanh khô và đạt ở độ khô chuẩn của thóc. Vì vậy, thóc thường được bà con sấy khô để độ ẩm đạt dưới 14% - 15% độ ẩm thì thóc sẽ cho chất lượng gạo được tốt hơn, hạt đều hơn và sẽ giúp cho việc bảo quản thóc được đảm bảo hàng năm, tạo nguồn thóc gạo dữ trữ cho bà con.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo Séng Cù

Trước nhu cầu của thị trường, tận dụng những thế mạnh về phát triển sản xuất sản phẩm đặc trưng của vùng, tỉnh Lào Cai đã có những quy hoạch cánh đồng lớn chuyên canh giống lúa Séng Cù rộng 600 ha cho cả hai huyện Mường Khương và Bát Xát. Xã Mường Vi, huyện Bát Xát là một trong những điểm đẩy mạnh nhất việc sản xuất và thương mại hóa gạo Séng Cù.

Hợp tác xã Tiên Phong là một trong số những đơn vị tiêu biểu của xã Mường Vi (Bát Xát) có quy mô sản xuất cũng như thu mua nông sản lúa Séng Cù của bà con nông dân nơi đây. Chính vì vậy, Hợp tác xã Tiên phong đã đẩy mạnh kế hoạch gia tăng giá trị sản phẩm gạo bằng việc đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất theo quy trình liên hoàn như: sấy khô nguyên liệu, xay xát, tách màu và đóng gói sản phẩm... Bên cạnh đó, để nâng cao sản lượng lúa, gạo Séng Cù, Hợp tác xã Tiên Phong đã phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cùng xã Mường Vi xây dựng thành công “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng Cù an toàn”, nhằm giúp sản phẩm gạo Séng Cù Mường Vi có được những giá trị cao hơn để xây dựng đầu ra cho sản phẩm.

Ngoài ra, Hợp tác xã Tiên Phong còn xây dựng một chuỗi sản xuất liên kết với nông dân tại địa phương theo quy mô kết nối 4 nhà, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm và xây dựng chuỗi bán hàng tại các thành phố lớn nhằm mở rộng thị trường, đẩy mạnh quảng bá thông tin về gạo Séng Cù tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh trên khắp cả nước. Hiện nay Hợp tác xã đã trồng thí điểm mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để khẳng định thương hiệu của sản phẩm và xây dựng thương hiệu đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, gạo Séng Cù - Lào Cai đã được đưa vào tiêu thụ tại một số siêu thị lớn của Hà Nội, Quảng Ninh, Yên Bái... và một phần xuất khẩu sang Trung Quốc, giá sản phẩm trung bình khoảng 30.000đ/kg.

Đến với Đề án OCOP Lào Cai, sản phẩm Gạo Séng Cù của Hợp tác xã Tiên phong, xã Mường Vi (Bát Xát) đã được đánh giá đạt 4 sao về chất lượng sản phẩm. Bình quân mỗi năm, xã Mường Vi cung cấp ra thị trường khoảng 1.600 tấn thóc Séng Cù với giá bán cao gấp đôi các loại thóc thường, mang lại thu nhập cao cho bà con.

Để tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo, Hợp tác xã Tiên Phong - Mường Vi (huyện Bát Xát) đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của đơn vị, tổ chức cho cán bộ của Hợp tác xã tham gia các lớp đào tạo về quản lý, kỹ thuật để có cơ hội tiếp cận với những kiến thức mới, công nghệ hiện đại áp dụng vào công tác sản xuất lúa gạo, để từ đó phổ biến tuyên truyền cho bà con nông dân áp dụng các mô hình theo đúng tiêu chuẩn của VietGap. Bên cạnh đó, Hợp tác xã đã sử dụng kinh phí từ chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương để đầu tư dây chuyền xay xát gạo mới, hiện đại hơn. Dây chuyền mới này có khả năng tự động loại bỏ các hạt gạo lỗi, hạt đen đầu, phân loại hạt bằng máy tách công nghệ ánh sáng CCD giúp cho gạo hạn chế bị gãy và đều hạt hơn, giữ được lớp vỏ cám giàu dinh dưỡng để đóng gói và cung cấp ra thị trường với những sản phẩm đảm bảo về hình thức và chất lượng cao. Sản phẩm gạo Séng Cù của Hợp tác xã Tiên Phong đã được thị trường trong nước đón nhận, sản lượng gạo sản xuất ra đến đâu hết đến đấy, góp phần ổn định việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động tại Hợp tác xã, cũng như bà con nông dân.

Khách hàng có nhu cầu xin liên hệ với trụ sở Hợp tác xã Tiên Phong. Địa chỉ: xã Mường Vi, huyện Bát Xát, Lào Cai. Số điện thoại: 0376 531 293.

Hoặc tham quan một trong các gian hàng giới thiệu sản phẩm của các HTX tại: Số 2 đường Cù Chính Lan, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Hotline: 092 696 6066./.

 


                                                                                                     

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang