Bảo hiểm nông nghiệp còn thưa thớt trong khu vực kinh tế tập thể

Nhu cầu về các giải pháp bảo hiểm nhằm bảo vệ thu nhập của nông dân, thành viên HTX trước nguy cơ của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu là rất cấp thiết. Đáng nói, tỷ lệ nông dân, HTX tham gia bảo hiểm nông nghiệp hiện rất thấp.

 

Hiện nay, ngành tín dụng đang nghiêng về hướng cho vay đối với những HTX sản xuất theo chuỗi gắn với bảo hiểm nông nghiệp nhưng do vướng cơ chế triển khai nên rất ít HTX tiếp cận được với loại hình này.

Khó tiếp cận đơn vị bảo hiểm

Anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, cho biết các thành viên đã tìm hiểu và muốn tiếp cận loại hình bảo hiểm nông nghiệp nhưng vẫn chưa kết nối được với đơn vị bán bảo hiểm nông nghiệp. Dù HTX đã ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số, có liên kết với doanh nghiệp. “Trong khi tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực miền Nam đang diễn biến phức tạp khiến các thành viên hết sức lo lắng”, anh Đặng Dương Minh Hoàng chia sẻ.

anh tin bai

Việc tiếp cận và áp dụng bảo hiểm nông nghiệp của các HTX còn chưa thuận lợi.

Nghiên cứu của Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh cho thấy khoảng 90% nông dân, HTX hiện nay chưa tiếp cận được với bảo hiểm nông nghiệp. Đặc biệt nông dân và HTX trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với thiệt hại lên tới hơn 280 USD/ha do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu. Vậy nhưng, theo Bộ NN&PTNT trong thời gian vừa qua, chưa tỉnh nào ở Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức và áp dụng thành công bảo hiểm nông nghiệp do phát sinh một số vấn đề bất cập trong công tác quản lý, giám sát, bồi thường, giám sát rủi ro... Khi đó, người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là nông dân, HTX khi không còn cơ hội được sử dụng phương thức bù đắp rủi ro tài chính tiên tiến, hiện đại này trong sản xuất.

Do không tiếp cận được hoặc đang vướng mắc trong quá trình áp dụng thí điểm nên các HTX thường phải đối mặt với tình trạng thất thu. Trong khi chi phí đầu tư cho nông nghiệp ngày càng tăng và thường chiếm đến khoảng 50-60% tổng chi phí sản xuất.

Việc bảo hiểm nông nghiệp hiện chưa phổ biến được cho là do nông dân, HTX nghĩ rằng một khi mua bảo hiểm nông nghiệp sẽ được bồi thường tất cả các loại rủi ro. Nhưng trong thực tế, chỉ một số rủi ro nhất định mới được bảo hiểm chi trả. Còn lại, nông dân, HTX vẫn phải tự chịu một phần rủi ro khi nông sản, vật nuôi bị hỏng, chết…, nhất là khi thành viên HTX không tuân thủ theo quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, nhiều HTX vẫn chưa biết và chưa có khoản kinh phí nhất định dành riêng cho việc phòng ngừa rủi ro nên khó có khả năng tiếp cận cũng như tham gia bảo hiểm nông nghiệp lâu dài.

Cần loại hình bảo hiểm phù hợp

Theo một chuyên gia ngành ngân hàng, bảo hiểm nông nghiệp có thể giảm rủi ro cho nông dân, HTX chẳng may mất khả năng trả các khoản vay nông nghiệp. Do đó, bảo hiểm nông nghiệp có thể tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng cho vay phục vụ nông nghiệp nhờ rủi ro tín dụng thấp hơn.

Và do giảm rủi ro, bảo hiểm nông nghiệp cũng có khả năng khác đó là khuyến khích nông dân, HTX đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp, mở rộng quy mô, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ... Đặc biệt, bảo hiểm nông nghiệp cũng gia tăng khả năng mua vật tư đầu vào, tăng cường mối quan hệ kinh doanh giữa HTX với doanh nghiệp bao tiêu, từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp.

anh tin bai

Biến đổi khí hậu ngày càng tăng khiến nông dân, HTX càng lo lắng về những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Một điều đáng chú ý là các HTX, các công ty nông nghiệp quy mô lớn (nhà sản xuất) và các công ty kinh doanh nông sản (nhà phân phối) là một trong những đối tượng được cho là phù hợp để triển khai các loại hình bảo hiểm nông nghiệp. Trong đó, các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX có khả năng hình thành các khu vực sản xuất quy mô lớn sẽ là đối tượng áp dụng bảo hiểm nông nghiệp thuận lợi hơn. Bởi khi áp dụng bảo hiểm nông nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khả năng mở rộng và phổ biến các sản phẩm bảo hiểm của các công ty bảo hiểm, thay vì phải tiếp cận những cá nhân riêng lẻ, những người gặp nhiều rào cản hơn trong việc áp dụng công nghệ mới và tiếp cận các nguồn lực.

Do đó, để tăng độ phủ cho bảo hiểm nông nghiệp, các doanh nghiệp bán bảo hiểm và cơ quản quản lý cần nhìn thẳng vào vấn đề hiện nay đó chính là các tổ hợp tác, HTX có thu nhập chưa thực sự lý tưởng từ ngành nông nghiệp. Ngay như người dân, HTX ở Đồng bằng sông Cửu Long tuy có lợi thế phát triển lúa gạo hàng hóa nhưng thực chất họ vẫn chưa thể sống và làm giàu được từ cây lúa. Chính vì vậy, các chính sách hỗ trợ, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp cho HTX cần tối ưu và phù hợp với từng loại vật nuôi, nông sản.

Hiện HTX được đánh giá là đối tượng phù hợp hơn cả để triển khai mô hình bảo hiểm nông nghiệp cùng với các công ty bảo hiểm nhưng nhiều chính sách hỗ trợ, cụ thể là chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho vật nuôi lên đến 90% lại được áp dụng cho hộ cận nghèo, hộ nghèo.

Đặc biệt một thực tế hiện nay là các chương trình bảo hiểm, các gói bảo hiểm được phổ biến chỉ tập trung vào đối tượng cây trồng, vật nuôi bị thiên tai, dịch bệnh trên từng địa bàn nhất định mà chưa có độ phủ ở các tỉnh thành và chưa có có loại hình bảo hiểm nông nghiệp nào liên quan đến giá cả nông sản.

Theo đại diện các HTX, giá cả nông sản hiện nay không do nông dân, HTX quyết định mà phụ thuộc vào thị trường và có sự quản lý của Nhà nước nhưng trong thực tế lại chưa có loại bảo hiểm nào giúp HTX giải quyết vấn đề này. Đây chính là khoảng trống khiến bảo hiểm nông nghiệp chưa bao phủ rộng rãi.

Theo Huyền Trang/Thời báo kinh doanh

 

 

 

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang