Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới

Sáng ngày 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022”.

Tham dự tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, cơ quan của Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học.

Tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; đại diện một số hợp tác xã điển hình của tỉnh và doanh nghiệp liên kết đầu tư vào khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

anh tin bai

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính khẳng định tiến trình chuyển đổi số trong cả nước đang chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng và trở thành xu hướng tất yếu, yêu cầu bức thiết của các cấp, các ngành, địa phương, người dân. Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc thường xuyên, liên tục và cần phải đẩy mạnh một cách nhanh chóng, hiệu quả, thực chất. Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ quan điểm: "Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân". Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu, mong muốn. Năng lực, nội lực của hợp tác xã (HTX) còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc chuyển đổi số còn chậm và thiếu chiến lược, hành động cụ thể. Chính vì vậy, kinh tế hợp tác, HTX phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược.

anh tin bai

Các đại biểu tham dự Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Tại Nghị quyết 20-NQ/TW, quan điểm của Ðảng về vai trò khu vực kinh tế tập thể tiếp tục được củng cố, phát triển và đã đề ra 4 nhóm quan điểm chỉ đạo; 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Một trong những nhiệm vụ cốt lõi, mang tính nền tảng đó là sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012. Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, nhiều giải pháp đã được triển khai thực hiện giúp HTX chuyển đổi số như: Xây dựng và đưa vào sử dụng Hệ thống đăng ký hợp tác xã trực tuyến có liên thông với đăng ký thuế; thành lập và vận hành Trung tâm Đổi mới, sáng tạo quốc gia; ban hành Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021- 2025… nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, góp phần tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Hiện cả nước có 28.237 HTX, trong đó 18.785 HTX nông nghiệp, 9.452 HTX phi nông nghiệp và 130.760 tổ hợp tác, 120 liên hiệp HTX. Hầu hết các HTX, liên hiệp HTX thành lập mới từ sau Luật HTX năm 2012 đều xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cụ thể; nhiều HTX chủ động tiếp cận nhu cầu thị trường, đổi mới cơ sở vật chất nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất (nhà xưởng, máy móc từng bước hiện đại, ứng dụng các phần mềm tin học trong quản lý, điều hành...).

anh tin bai

Nhiều HTX thực hiện giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến trên sàn thương mại điện tử.

Theo kết quả khảo sát đến hết tháng 6/2022, 83,5% HTX đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết; 18,9% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể. 68% HTX có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến: Có website riêng để giới thiệu sản phẩm; bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Tiki, Lazada, Shopee, Voso, Postmart…; quảng cáo sản phẩm trên các trang mạng xã hội, trang quảng cáo; bán hàng theo hình thức trực tuyến livestream trên các nền tảng số Facebook, Tiktok... Nhiều HTX tạo lập các mã quét, mã QR để truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm bằng các ứng dụng, phần mềm; đẩy mạnh việc thanh toán qua các nền tảng trực tuyến, ví điện tử, ngân hàng số; sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động thanh toán của HTX.

63% HTX đã có ứng dụng công nghệ cao (tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất,...) trong hoạt động sản xuất theo các mức độ. Việc ứng dụng công nghệ cao, sử dụng các phần mềm quản lý được các HTX sử dụng chính trong quản lý hoạt động sản xuất chiếm 74,8%; quản lý đối với các khâu đầu vào 52,7% và đầu ra 46,9% của quá trình sản xuất. Trên 65% HTX được khảo sát cho biết có sử dụng các ứng dụng liên lạc như Zalo, Viber… hoặc phần mềm quản lý để cập nhật thông tin quản lý, điều hành hoạt động, trao đổi công việc giữa cán bộ quản lý với thành viên, người lao động (khoảng 85% HTX có tỷ lệ cán bộ, thành viên, người lao động sử dụng điện thoại thông minh từ 70% đến trên 90%). Tuy nhiên vẫn còn hơn 50% HTX chưa có định hướng về chuyển đổi số, tỷ lệ sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX còn khá khiêm tốn, chưa phổ biến.

Tại Diễn đàn, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, hiệp hội, doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX, địa phương đã trao đổi thực trạng, vấn đề mới về chuyển đổi số trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; qua đó góp phần nhận diện rõ hơn cơ hội, thách thức và tìm ra các giải pháp để thúc đẩy khu vực kinh tế hợp tác, HTX chuyển đổi số mạnh mẽ, nhanh chóng. Trong đó tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện thể chế chính sách phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các tổ chức kinh tế hợp tác trong chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ eGap – Thực hành điện tử nông nghiệp tốt và cổng thông tin quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản Việt Nam; thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân; Liên hiệp HTX du lịch cộng đồng – Mô hình phát triển kinh tế hợp tác bền vững trong kỷ nguyên số; Khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số. Cùng với đó các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học đã thông tin tại Diễn đàn về: Vai trò của hợp tác xã trong nền kinh tế Canada; Hợp tác xã và chuyển đổi số - kinh nghiệm từ Cộng hòa liên bang Đức; Chuyển đổi số tại Hoa Kỳ trong nông nghiệp - Kinh nghiệm cho Việt Nam...

anh tin bai

Diễn đàn tại điểm cầu Trung ương.

Kết luận Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chuyển đổi số trong kinh tế hợp tác, hợp tác xã cần phải thực hiện một cách tổng thể, toàn diện, minh bạch, công khai, bình đẳng; đổi mới tư duy, nhận thức, hành động, phương thức quản lý cũng như tổ chức thực hiện mô hình kinh tế hợp tác, HTX. Nghị quyết số 20-NQ/TW với tham vọng mục tiêu phát triển kinh tế tập thể rất cao; đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt; làm việc phải có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào phải dứt điểm việc đấy.

Thủ tướng Chính phủ nêu 8 kết quả quan trọng kinh tế tập thể đã đạt được trong thời gian qua và đề cập đến 6 nội dung còn tồn tại, khó khăn. Trong đó điểm yếu lớn nhất là trình độ của cán bộ quản lý, thành viên HTX còn hạn chế, chưa được tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu; hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đồng bộ, hiện đại; còn thiếu hụt về mặt tài chính, đầu tư cho các hoạt động; chưa hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể...

anh tin bai

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số là một trong những chìa khóa quan trọng để phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Thủ tướng yêu cầu trước hết phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết 20-NQ/TW, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đến các cấp, các ngành, địa phương, tầng lớp Nhân dân để nhận thức đúng, đầy đủ về phát triển kinh tế tập thể là yêu cầu và xu thế tất yếu. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án của trung ương về chuyển đổi số, chú trọng đến chuyển đổi số trong HTX. Tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, thành viên HTX, tổ hợp tác nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong kinh tế tập thể ở địa phương; thu hút, huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số.../.

Theo Thanh Huyền

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang