Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII,
Trung ương sẽ xem xét về vấn đề tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị
Trung ương 5 khoá IX tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế
tập thể.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
cho biết, Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và các Nghị quyết Đại hội
Đảng đều khẳng định vị trí, ý nghĩa, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể;
xác định phát triển kinh tế tập thể cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở
thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Hội
nghị Trung ương 5 (Khóa XIII) sẽ xem xét về vấn đề tổng kết 20 năm thực hiện
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng
cao hiệu quả kinh tế tập thể - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Để
đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể phù hợp với kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục những hạn chế, yếu kém của mô hình hợp tác xã
kiểu cũ, ngày 18/3/2002, Hội nghị Trung ương 5 khoá IX đã ban hành Nghị quyết
số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập
thể.
Báo
cáo tổng kết 20 năm (2002-2022) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX đã
được xây dựng công phu, nghiêm túc trên cơ sở Báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên
đề của các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và 63 tỉnh uỷ, thành uỷ trực
thuộc Trung ương; kết quả nghiên cứu, khảo sát của Ban Chỉ đạo tại một số địa
phương; ý kiến tham gia tại 12 cuộc hội thảo chuyên đề, 3 Hội nghị cán bộ toàn
quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết, và Báo cáo tư vấn của Hội đồng Lý
luận Trung ương.
Qua
tổng kết cho thấy, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX, khu
vực kinh tế tập thể nước ta đã có những chuyển biến tích cực, quan trọng. Nhận
thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển kinh tế tập
thể, hợp tác xã được nâng lên. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách được quan
tâm xây dựng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Hợp tác xã đã cơ bản hoàn
thành việc chuyển đổi theo quy định của pháp luật.
Số
lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tăng đáng kể; nhiều hợp
tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và
trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho kinh tế thành viên, tạo việc làm và thu nhập
thường xuyên cho người lao động. Tổ hợp tác với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội
dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng được nhu cầu liên kết linh
hoạt và mang tính ngắn hạn của người dân.
Liên
kết giữa các hợp tác xã với nhau và với các tổ chức kinh tế khác bước đầu có sự
phát triển. Khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém
kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an
toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng trong nền kinh tế
quốc dân.
Tuy
nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, khu vực kinh tế tập thể của nước
ta đến nay vẫn chưa đạt mức phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đổi mới,
phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn gặp nhiều khó khăn. Tốc độ
tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp vào GDP cả nước của khu vực kinh tế tập thể còn
thấp và có xu hướng giảm dần. Hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các
vùng, các miền; giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Hoạt
động hợp tác xã chưa trở thành phong trào để thu hút xã viên, hội viên. Số
lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân trong hợp tác xã
có xu hướng giảm; thành viên tham gia vào hoạt động của hợp tác xã còn hình
thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp tác xã. Năng
lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao.
Phần
lớn các tổ hợp tác, hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp,
lợi ích mang lại cho thành viên còn thấp; tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã
rất yếu; các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác
xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Số lượng liên hiệp hợp tác xã
còn ít; tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác thiếu ổn định; nhiều hợp tác xã
chuyển đổi còn mang tính hình thức, chưa thực sự có chuyển biến về chất.
Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Trung ương và các đồng chí tham dự
hội nghị xuất phát từ thực tiễn, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa
học về những kết quả, thành tích đã đạt được; đồng thời phân tích sâu sắc những
hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.
Từ
đó, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực tế đất nước, tập trung
thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về mục tiêu,
quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được quán triệt
và triển khai thực hiện để kinh tế tập thể ngày càng phát triển mạnh hơn, đúng
đắn và lành mạnh hơn, thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng của
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Theo
Nguyễn Hoàng/TTCP