Hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất lâm nghiệp

Toàn tỉnh hiện có gần 72.000 ha rừng sản xuất, mỗi năm khai thác từ 3.000 đến 5.000 ha, sản lượng gỗ đạt hơn 350 m3/năm, thu từ gỗ và lâm sản đạt hơn 1.350 tỷ đồng/năm, dư địa để phát triển kinh tế lâm nghiệp còn khá lớn. Tuy nhiên, nếu phát triển trồng rừng theo tập quán cũ với diện tích manh mún, sử dụng giống địa phương dễ trồng nhưng giá trị thấp… thì ngành lâm nghiệp khó thu hút người dân và các thành phần kinh tế tham gia. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp với chủ trương gắn phát triển rừng với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng rừng.

Sản phẩm quế tại xã Nậm Đét có giá trị kinh tế cao nhờ tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ.

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh lâm nghiệp, tỉnh đã tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ người trồng rừng tham gia chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rừng trồng. Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 16 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lâm sản với 14 công ty, doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và hơn 5.000 hộ tham gia, qua đó mang lại giá trị cao hơn cho lâm sản.

Tiêu biểu trong đó là chuỗi liên kết trồng và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC giữa Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên với hơn 1.000 hộ trên địa bàn 15 xã, thị trấn của huyện Bảo Yên; tổng diện tích thực hiện hơn 3.000 ha. Để tham gia trồng và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, người dân phải tuân thủ các nguyên tắc canh tác an toàn: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không được đốt thực bì…; doanh nghiệp cung ứng giống chất lượng cao, phân bón hữu cơ, tập huấn quy trình trồng, chăm sóc, khai thác gỗ đạt kết quả cao, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.

Ông Phạm Huy Thông, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bảo Yên cho biết: Việc quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC sẽ đáp ứng các yêu cầu của thị trường về nguồn gốc, xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, đồng thời đáp ứng Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của tỉnh. Trồng rừng theo chuỗi tiêu chuẩn FSC sẽ gia tăng lợi ích trên cả 3 phương diện: Bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người sản xuất và an sinh xã hội. Minh chứng rõ nét chính là sản lượng gỗ tăng từ 2 đến 2,5 lần so với trước đây, giá bán gỗ có chứng chỉ FSC tăng từ 15- 20%/m3 (tăng từ 150.000 đến 200.000 đồng/m3 gỗ) so với gỗ không có chứng chỉ, doanh thu bình quân tăng 45 - 50 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh (8 - 10 năm).

Tiếp đến là chuỗi liên kết trong trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm quế. Diện tích quế toàn tỉnh hiện đạt gần 33.000 ha (chiếm khoảng 45% diện tích rừng trồng sản xuất). Tại các địa phương trọng điểm trồng quế đã hình thành gần 40 tổ, nhóm cùng sở thích trồng quế, với hơn 1.600 hộ tham gia. Trên địa bàn tỉnh có 9 doanh nghiệp, hợp tác xã đã liên kết với hơn 28.000 hộ trồng quế, tổng diện tích khoảng 36.000 ha, sản lượng tiêu thụ hơn 1.000 tấn vỏ quế khô; 12.000 tấn cành, lá quế; 20 tấn hạt; gần 10.000 m3 gỗ/năm. Nhờ các mối liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây quế đã đáp ứng số lượng và chất lượng của doanh nghiệp, hợp tác xã nên thị trường tiêu thụ được mở rộng, giá bán ổn định, nhờ đó thu nhập của người trồng quế cũng tăng 15% - 20% so với trước đây.

Mô hình liên kết trồng bồ đề lấy nhựa cánh kiến trắng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng

Ngoài ra, một số chuỗi liên kết đạt hiệu quả cao và đang được khuyến khích nhân rộng, như chuỗi liên kết giữa người trồng cây bồ đề với doanh nghiệp để sản xuất nhựa cánh kiến trắng; liên kết trồng bạch đàn nuôi cấy mô; liên kết trồng, bảo tồn cây thuốc tắm dưới tán rừng; liên kết trồng và tiêu thụ măng sặt…

Việc hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ lâm sản tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, đây là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp phát triển. Sản xuất theo chuỗi còn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng quy mô, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giúp lâm sản tiếp cận được với các thị trường lớn trong và ngoài nước, góp phần gia tăng giá trị từ 5% đến 10% so với sản xuất thông thường, đồng thời nâng cao thu nhập cho người trồng rừng. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khuyến khích phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sản xuất ván ép ở Nhà máy MDF Bảo Yên.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để hình thành và thực hiện hiệu quả các chuỗi liên kết trong sản xuất lâm nghiệp, cần đổi mới phương thức sản xuất bằng việc đẩy mạnh hình thành các tổ, nhóm nông dân cùng sở thích trồng rừng đối với từng loại cây trồng, tiến tới thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp. Cùng với đó, tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị đối với từng mặt hàng. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ nhóm, các chủ rừng xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, đăng ký cấp chứng chỉ rừng FSC hoặc tương đương (chứng chỉ Organic); thành lập các hiệp hội lâm sản để thúc đẩy sản xuất và hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm lâm nghiệp của Lào Cai.

Theo Kim Thoa/Báo Lào Cai

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang