Theo đánh giá của Bộ
NN&PTNT, kinh tế tập thể những năm gần đây không chỉ tăng về số lượng, mà
chất lượng và hiệu quả hoạt động cũng có nhiều thay đổi. Cụ thể là tỷ lệ HTX
nông nghiệp được đánh giá xếp loại khá, tốt đã tăng lên, đạt trên 60%, HTX yếu
kém chỉ còn khoảng 8,5%.
Còn nhiều rào cản phát triển
kinh tế HTX
Một điều
dễ nhận thấy là dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp
không thể trụ vững thì các HTX vẫn khẳng định được giá trị của mình thông qua
các chuỗi liên kết với các doanh nghiệp. Nhiều HTX vẫn được thành lập, tăng
trưởng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn như HTX sản xuất thương
mại và dịch vụ organic (Bắc Giang), HTX Đông trùng hạ thảo (thành phố Kon Tum)…
Tuy
nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng KTTT, HTX đã và đang phát huy hiệu quả nhưng
vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Đặc biệt là nhận thức về vai trò của
HTX vẫn còn chưa đúng khiến khu vực kinh tế này chưa phát huy hết tiềm năng.
Phó
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Lợi (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho
rằng, HTX thực chất không chỉ là tổ chức mang tính chất xã hội, càng
không phải tổ chức từ thiện, mà là tổ chức kinh tế đặc biệt thúc
đẩy hợp tác trong cộng đồng thành viên nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu
chung trong hoạt động kinh tế, xã hội của thành viên, từ đó đáp ứng nhu
cầu trước tiên về kinh tế của các thành viên. Tuy nhiên, nhận thức về bản
chất của HTX hiện chưa rõ ràng, chưa thống nhất, thậm chí lệch lạc.
Nhiều
nơi vẫn cho rằng HTX là mô hình do một số cá nhân góp vốn để tiến
hành hoạt động sản xuất kinh doanh. HTX phải hoàn thành nghĩa vụ đối
với cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho thành viên
rồi mới đưa sản phẩm ra thị trường. Hay việc phân phối thu nhập trong các
HTX vẫn theo công lao động, việc góp vốn chỉ mang tính hình thức nên không
khuyến khích được người lao động làm việc, thành viên thiếu gắn bó với HTX mà
dành công sức làm kinh tế gia đình.
Ngoài
nhận thức, một thực tế không khó nhận ra đó là, khả năng tiếp cận các chính
sách hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế. Chẳng hạn như các chính sách ưu đãi về
thuế đối với HTX lại được quy định chung trong chính sách ưu đãi thuế đối với
doanh nghiệp nên gây ra tình trạng bất hợp lý.
Muốn phát triển theo quy mô lớn, HTX cần diện
tích đất lớn để thuận tiện đầu tư khoa học công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị
trường.
Một
số quy định về ưu đãi thuế hiện không phù hợp với HTX như: Thuế thu nhập đối
với vốn góp của các thành viên, thuế doanh thu của HTX đối với các thu nhập từ
hoạt động làm dịch vụ, hỗ trợ cho các thành viên... Những điều này làm cho HTX
xã chưa được hưởng nhiều lợi ích từ các chính sách thuế.
Không
chỉ chính sách thuế, mà số HTX được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai cũng
không nhiều do lượng đất công tại các địa phương hiện còn rất ít nên không thể
thực hiện chính sách ưu đãi với HTX.
Bên
cạnh đó, việc thực hiện chính sách ưu đãi đất đai với HTX còn gặp khó khăn do
các quy định chồng chéo của pháp luật và các thủ tục hành chính nên việc giao
đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho HTX diễn ra chậm chạp,
không hiệu quả…
Chính
vì những nút thắt về nhận thức và cơ chế chính sách khiến các HTX gặp không ít
khó khăn trong việc phát triển sản xuất nhằm đáp ứng nền kinh tế hàng hóa. Và
phần lớn tỷ lệ hộ cá thể ở địa bàn nông thôn hiện vẫn chưa thấy được hết vai
trò của HTX, tổ hợp tác để tham gia. Một bộ phận HTX có quy mô nhỏ, vốn ít,
năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và
thương hiệu trên thị trường.
Theo
thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, cả nước hiện có 27.342 HTX và 103 liên
hiệp HTX nhưng mới chỉ thu hút 33% tổng số hộ gia đình ở địa bàn nông thôn tham
gia. Chính vì vậy mà đóng góp cho phát triển nền kinh tế-xã hội của khu vực này
còn hạn chế và mới chỉ đạt được một phần của giai đoạn phát triển
tăng trưởng, chưa phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh của
nguồn lực hiện có.
Đây
cũng là lý do khiến số lượng HTX tăng, nhưng số lượng thành viên trung bình của
một HTX giảm xuống (năm 2001, trung bình một HTX có 478 thành viên, năm 2021
còn 208 thành viên).
Tháo
gỡ rào cản để HTX vươn lên
Theo
các chuyên gia, HTX là mô hình không thể thiếu được góp phần vào sự
phát triển kinh tế, xã hội, hài hòa về tất cả các mặt kinh tế, chính
trị, xã hội, văn hóa; là tất yếu đối với việc thúc đẩy phát triển
kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân, cá thể, ở cả vùng nông thôn
và thành thị. Phát triển HTX giúp đáp ứng nhu cầu phong phú của đời
sống cộng đồng theo các nguyên tắc liên kết.
Thực
tế cho thấy, cần tiếp tục phát triển KTTT, HTX trong các ngành, lĩnh vực, địa
bàn nông thôn và thành thị, theo phương châm tích cực và vững chắc, xuất phát
từ thực tiễn đó là KTTT, HTX giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế nông
nghiệp…
Để
mô hình này phát triển, việc quan trọng đầu tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, quán
triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ
quan, tổ chức và nhân dân về bản chất, cơ chế hoạt động, vai trò của KTTT, HTX
trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đi cùng với đó là có
quy định yêu cầu các cơ sở đào tạo trong nền kinh tế quốc dân và trường bồi
dưỡng cán bộ đào tạo kiến thức về KTTT, HTX.
Chia
sẻ vấn đề này, GS-Ts Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho
biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ tham gia tích cực vào công tác đào tạo
đội ngũ cán bộ chuyên môn, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống
HTX nông nghiệp tại Việt Nam.
TS
Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khẳng định, phát triển KTTT,
HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, là chủ trương xuyên
suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là thành phần kinh tế quan
trọng, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. KTTT, HTX
cùng với kinh tế nhà nước đang và sẽ giữ vai trò nền tảng trong nền kinh tế-xã
hội ở nước ta, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với các tầng lớp nhân dân. Chính
vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện Luật HTX năm 2012, cần có chính sách riêng về
ưu đãi cho khu vực HTX.
Cụ
thể là các cơ quan quản lý cần xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho HTX
và bỏ thuế thu nhập cá nhân đối với các thành viên HTX khi góp vốn vào các HTX
vì vốn này không đáng kể, không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Nếu miễn đóng
thuế này sẽ kích thích được các hộ cá thể tham gia HTX.
Vụ
trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung
ương) Nguyễn Văn Tiến cho rằng, trong bối cảnh mới, cần hoàn thiện thể
chế, chính sách nhằm phát triển HTX nông nghiệp phù hợp với thể
chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa .
Trong
đó, việc bổ sung Luật HTX năm 2012 và các văn bản có liên quan như Luật
đất đai… nhằm tạo môi trường thuận lợi thông thoáng cho HTX phát
triển. Nhất là hiện nay, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho HTX
còn vướng mắc do quy định về quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền
với đất theo quy định Luật Đất đai 2013 vẫn còn thiếu linh hoạt khiến HTX gặp
khó khi thế chấp tại tổ chức tín dụng. Hay nhiều HTX dù đang quản lý, sử dụng
đất nhưng lại không được cấp giấy tờ pháp lý về đất đai.
Bên
cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với nông dân nghèo,
đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển
đảo khi phát triển nông nghiệp, nông thôn và tham gia HTX. Tổ chức lại sản
xuất nông nghiệp, thúc đẩy HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo
chuỗi giá trị hay ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số...
Theo Huyền
Trang/Thời báo kinh doanh