Hana Ban mê (giữa) giới thiệu vải thiều trong một buổi livestream Chợ phiên OCOP.
Trở thành xu hướng
“Đấy, sáng nay lên núi cắt được bằng này na đây, vừa cắt xuống là những trái na như vầy. Na đẹp chưa, ôi quả na này to đúng bằng bàn tay mình rồi. Na ra chợ bán thì chỉ cần lót lá, còn đóng gói đi xa thì phải cầu kỳ hơn chứ không nát bét hết rồi lỗ”, giọng lanh lảnh của một người phụ nữ trung tuổi mặc chiếc áo chàm kèm theo nụ cười chất phác hiện lên khi tôi đang lướt một vòng quanh các kênh livestream trên Tiktok. Ngay lập tức quả na óng ả trên màn hình điện thoại cùng sự thành thực và nguồn năng lượng tích cực của người bán đã thu hút tôi nhấn vào xem kênh.
Đó là cô Đặng Thị Thơ, còn được gọi là “Thơ nông sản”, đang bán đặc sản na núi đá Lạng Sơn. Cô đon đả giới thiệu từng quả na được bọc xốp thế nào, đóng gói đi sẽ bỏ vào thùng xốp đục lỗ ra sao. Mỗi quả đều có tem mác và mã QR để người dùng truy được nguồn gốc xuất xứ và chứng nhận sản phẩm na chuẩn OCOP.
Bên dưới phần bình luận trực tuyến, khách hàng rôm rả hỏi mua: Bao nhiêu một ký thế cô? Có na hườm hườm không cô?, hay chỉ đơn giản là vào tám chuyện chúc mừng: Được mùa được giá nhé cô!, Cô yêu đời quá…
Những hình ảnh lao động, sinh hoạt hàng ngày được người bán kể qua các video ngắn.
Cô Thơ là một nông dân chính hiệu ở thôn Ba Nàng, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn. Từ một người lạ lẫm với công nghệ, thậm chí cách đây 2 năm còn không biết sử dụng điện thoại thông minh, nay cô Thơ đã phát triển được kênh “Thơ nông sản” chuyên bán các đặc sản và sản phẩm OCOP xứ Lạng. Dù chỉ mới hoạt động gần 1 năm, kênh đã có gần 700 nghìn người theo dõi và gần 13 triệu lượt thích với khoảng 200 đơn hàng/ngày.
“Niềm vui của người nông dân là nông sản được mùa. Ngày xưa được mùa thì chúng tôi phải mang ra chợ bán, nhưng bây giờ nhờ các kênh bán hàng trên mạng, chỉ cần thu về nhà xong đóng thùng rồi gửi cho khách thôi, shipper lo hết rồi”, cô Thơ cho hay.
Khách hàng như được cùng cô Thơ đi hái na qua các clip ngắn đăng trên TikTok.
Livestream bán nông sản không chỉ thu hút những người nông dân như cô Thơ trên hành trình tìm đầu ra cho trái na chính tay mình trồng, mà còn thu hút giới trẻ, người nổi tiếng hoặc các bạn trẻ “bỏ phố về quê”, trong đó có Nguyễn Thị Thu Hà (Hana Ban Mê) từ Đắk Lắk – người được mệnh danh là “Cô gái triệu view”.
Hà kể mình về quê lập nghiệp với xuất phát điểm bằng 0 (không vốn, không kinh nghiệm), trong tay chỉ có duy nhất chiếc điện thoại và chiếc áo của cha khi đi rẫy.
“Khi đó, tôi chỉ đơn giản đi rẫy, quay clip và chia sẻ những câu chuyện của gia đình khi làm rẫy nhưng không ngờ lại thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người xem và đến nay kênh của tôi đã có hơn 1,5 triệu view. Từ đó tôi nhìn thấy cơ hội để quảng bá sản phẩm nông nghiệp, không chỉ sản phẩm của cha mẹ làm ra mà của cả bà con địa phương cho người xem khắp mọi miền đất nước”, Hà kể.
Hiện nay hầu hết các sàn thương mại điện tử đều có hình thức livestream như Lazada, Shopee, Tiktok Shop, Meta Shop (Facebook)... nổi trội nhất là Tiktok và Meta. Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể về các trang, tài khoản sử dụng mạng xã hội, livestream để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, nhưng chỉ cần tìm kiếm với từ khoá “đặc sản vùng miền”, “đặc sản (thêm tên địa phương)” hay “sản phẩm OCOP”… người dùng sẽ nhận về hàng nghìn kết quả là các hình ảnh, video của hàng trăm kênh giới thiệu và bán các nông sản, món ăn đặc sắc của nhiều vùng trên cả nước. Các kênh này có livestream hàng tuần hoặc thậm chí mỗi ngày.
Nói về số liệu cụ thể, có thể kể đến thống kê của chuỗi sự kiện “Chợ phiên OCOP - Chiến dịch quảng bá nông đặc sản” do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (TTXTTMNN) thuộc Bộ NN&PTNT hợp tác tổ chức cùng nền tảng TikTok với mục tiêu mở rộng đầu ra cho đặc sản địa phương và nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc TTXTTMNN cho biết trong vòng 7 tháng thực hiện chuỗi sự kiện, hơn 700 phiên livestream gắn logo Chợ phiên OCOP lên sóng trên TikTok đã mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho các sản phẩm đặc sản OCOP tại các tỉnh thành trên cả nước. Bình quân mỗi phiên livestream đạt doanh số 130 - 150 triệu đồng.
Không gian ảo, cảm xúc thật
Hình thức livestream trực tuyến để bán nông sản đang lên ngôi vì phù hợp với xu hướng của người tiêu dùng, đặc biệt sau dịch Covid-19, là dịch chuyển từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng online.
Thông qua các buổi livetream, người dùng có thể ngồi ở nhà mà vẫn có cảm giác mình đang đi mua hàng tận nơi khi được nhìn cận cảnh từng bó rau củ, từng loại trái cây, hình dung được độ tươi ngon qua mô tả trực quan sinh động của người bán.
Nền tảng này cũng thúc đẩy tối đa sức sáng tạo nội dung của người bán khi suy nghĩ dùng những hình ảnh gì, câu từ nào, hoạt cảnh gì… để người mua hình dung được chân thực nhất, làm sản phẩm của mình trở nên hấp dẫn nhất.
Một trong những điểm thú vị của hình thức livestream là người mua và người bán thoải mái tương tác ngay trên sóng, các câu hỏi và câu trả lời đều công khai, kịp thời. Và đôi khi, người mua đặt hàng vì thấy người bán nói chuyện “duyên” quá, hay có cảm tình với các cô bác nông dân thật thà bán đặc sản địa phương được trồng ngay trong vườn nhà mình với những câu chuyện dung dị trong đời sống hàng ngày của họ.
Như vậy, người mua được cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa bằng những cách bán hàng hấp dẫn, người bán nhận được ngay phản hồi của người mua để từ đó nắm bắt được thị hiếu nhằm nâng cấp sản phẩm hay chọn đúng phân khúc thị trường – điều mà thông thường muốn biết được phải trải qua các cuộc khảo sát, điều tra dài hơi và tốn kém.
Trong bối cảnh phong trào livestream bán hàng nông sản, sản phẩm OCOP đang nở rộ, một trong những điều cần lưu ý nhất hiện nay là vấn đề chất lượng. Buôn bán mang tính nhỏ lẻ sẽ không thể có chuỗi cung ứng bài bản như các nhà bán lớn, do đó rất khó kiểm soát chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm - vốn hầu hết có thời gian sử dụng ngắn và lại là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Anh Phạm Ngọc Anh Tùng, nhà sáng lập sàn thương mại điện tử nông sản Foodmap lưu ý rằng việc bán thực phẩm online không dễ, chủ yếu vì mối lo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, bán kính vận chuyển thực phẩm tươi sống không được dài nên khâu vận hành rất quan trọng.
Chính vì vậy, để xu hướng livestream bán hàng nông sản không “sớm nở tối tàn” vì vấn đề chất lượng, các cơ quan chức năng, sàn thương mại cần hỗ trợ nhà sản xuất, nông dân trong vấn đề đào tạo bán hàng livestream bài bản, cũng như cung cấp kiến thức, phương án giúp người bán bảo quản nông sản tốt nhất trước khi tới tay người tiêu dùng.
Theo Ngọc Phương/Tạp chí Nông thôn Việt