Kinh tế tập thể, HTX xóa nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Khu vực kinh tế tập thể, HTX đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo đa chiều, khi các thành viên tham gia sẽ được tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và nâng cao sinh kế cho chính bản thân mình. Theo đó, cần tháo gỡ những nút thắt để các tổ hợp tác, HTX tiếp tục phát huy vai trò “bà đỡ” cho người dân phát triển kinh tế.

“Những năm gần đây, với người dân ở xã biên giới Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ, Lai Châu), cây dược liệu không chỉ dùng làm thuốc chữa bệnh cứu người mà còn giúp chữa “bệnh nghèo” cho người dân trong xã”, ông Giàng A Tùng, Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn chia sẻ điều này.

Cây dược liệu ‘chữa bệnh nghèo’

Ông Tùng kể, Sà Dề Phìn là xã vùng cao biên giới nên đối diện muôn vàn khó khăn. Địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, đất canh tác nông nghiệp bị hạn chế, khu vực có thể canh tác được nằm xa khu dân cư, thiếu nước sản xuất… Xã có 4 bản với 452 hộ, 2.249 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông (chiếm tới hơn 80%). Tổng số hộ nghèo 265 hộ (chiếm tới 58,62%), số hộ cận nghèo 50 hộ (11,06%)...

anh tin bai

Các thành viên HTX Mý Dao có thu nhập từ 7 - 15 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cây dược liệu trở thành vị thuốc đắng đúng nghĩa, từng bước đẩy lùi cái đói, cái nghèo ra xa đời sống của người dân. Cây dược liệu đi tới đâu, đời sống người dân các xã trong huyện Sìn Hồ khởi sắc tới đó. Đương quy tươi bán với giá từ 25.000 - 100.000 đồng/kg (tùy từng loại), đương quy khô có giá 150.000 - 200.000 đồng/kg; atiso trung bình khoảng 50.000 đồng/cây... đã giúp đồng bào các dân tộc có nguồn thu không nhỏ để cải thiện cuộc sống.

Đáng chú ý, thông qua các HTX, đồng bào Mông, Dao được đi từ những "bài học vỡ lòng" về kỹ thuật cải tạo đất, nhân giống, chăm sóc dược liệu đến những kiến thức nâng cao về liên kết sản xuất, dược liệu hữu cơ, sản phẩm đặc sản… HTX Mý Dao ở Khu 1, thị trấn Sìn Hồ là một điển hình như vậy.

Ông Giàng Xuấn Cường, Giám đốc HTX Mý Dao cho biết, sản phẩm làm ra của HTX đến đâu đều được các hiệu thuốc nam, doanh nghiệp dược phẩm… thu mua hết đến đó. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 40 tấn dược liệu tươi. Bên cạnh đó, HTX đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng lò sấy dược liệu với công suất 5 tấn/mẻ để cung cấp các sản phẩm dạng sấy khô. Từ chỗ chỉ lo chạy ăn từng bữa, hiện các thành viên của HTX đã có thu nhập từ 7 - 15 triệu đồng/tháng.

KTTT, HTX là giải pháp quan trọng xóa đói giảm nghèo

Có thể thấy, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX được xem là mô hình thành công, giải pháp quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo ở khu vực dân tộc thiểu số và miền núi. Những năm qua, tại các địa phương đã có nhiều mô hình kinh tế hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số (DTTS) xóa đói, giảm nghèo. Trong đó phát triển KTTT, HTX được xem là mô hình thành công, giải pháp quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo ở khu vực này.

anh tin bai

Sự xuất hiện của HTX và tổ hợp tác ở vùng DTTS và miền núi đã giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân.

Trong đó, có thể nhắc đến mô hình trồng quế ở huyện Bảo Yên (Lào Cai). Mô hình này được coi là giải pháp quan trọng, giúp người dân nâng cao sinh kế, thu nhập. Huyện Bảo Yên đã tận dụng được lợi thế của vùng về cây quế có giá trị kinh tế cao, từ đó xây dựng hợp tác xã trồng và khai thác quế. Đồng thời, khai thác thêm lĩnh vực du lịch trải nghiệm đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, ngắm cảnh cũng như trải nghiệm thu hái, bóc tách cây quế cùng người dân bản địa. Mô hình HTX này được đánh giá có hiệu quả góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.

Còn mô hình HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập ở Mộc Châu (Sơn La). HTX chè Tân Lập đã thành lập được 20 năm. Nhờ có HTX mà các hộ dân đã liên kết được với nhau để trồng chè, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn hộ dân có cuộc sống, thu nhập, kinh tế ổn định. Đồng thời giúp cây chè trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Mộc Châu.

Theo bà Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ KH&ĐT), đến thời điểm này, khi nhắc đến mô hình HTX, đều có thể định danh ngay được một số sản phẩm tiêu biểu của vùng miền. Ví dụ, khi nói đến các sản phẩm quế, hồi, mọi người sẽ nghĩ ngay đến các HTX ở khu vực Yên Bái, Lào Cai; hay khi nhắc đến sản phẩm bưởi da xanh, chúng ta có thể nghĩ đến các HTX ở Bến Tre, Sóc Trăng; hoặc khi nhắc đến sản phẩm miến dong riềng, mọi người sẽ nghĩ ngay đến các HTX ở Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu. Ở khu vực miền Trung, khi nhắc đến sản phẩm nho, ai cũng nghĩ ngay đến các HTX nho ở Ninh Thuận…

“Năm 2022, trong một đợt tham gia tuyên truyền về giảm nghèo thông tin đối với đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa do Bộ KH&ĐT đã tổ chức, chúng tôi có ghi hình, lựa chọn được 10 hợp tác xã hoạt động hiệu quả ở 10 địa phương”, bà Vinh cho biết.

Phát huy vai trò ‘bà đỡ’ của HTX

Thống kê cho thấy, cả nước hiện nay có khoảng trên 29.000 HTX, trên 223.000 tổ hợp tác, riêng vùng DTTS có khoảng 5.000 HTX và hơn 10 nghìn tổ hợp tác. Sự xuất hiện của HTX và tổ hợp tác ở vùng DTTS và miền núi đã giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân.

Ông Hoàng Xuân Lương, Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, kể tháng 4/2023 vừa qua, ông được mời tham gia đoàn của Ban kinh tế Trung ương đi khảo sát, tổ chức các tọa đàm, hội thảo tại Tây Nguyên về phát triển rừng, trong đó có các mô hình kinh tế của người dân. Khi đi xuống các vùng núi, vùng sâu vùng xa của Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Đắk Nông… tôi thấy các tổ hợp tác chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu. Trong 3 năm trở lại đây, khu vực này đã hình thành thêm một số tổ hợp tác trồng chuối. Chuối là sản phẩm xuất khẩu rất tốt, có những hộ gia đình trong tổ hợp tác thu được 200 triệu đồng/năm nhờ trồng chuối.

Tuy nhiên, ông Lương cũng thẳng thắn nhìn nhận tại các vùng DTTS và miền núi hiện nay, số lượng HTX còn ít, quy mô nhỏ. Nhằm giải quyết những khó khăn để các tổ hợp tác, HTX thành “bà đỡ” cho người dân phát triển kinh tế, cần có hỗ trợ cụ thể.

Về vốn, ông Lương cho rằng ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội, trong thời điểm hiện nay, nguồn tiền trong hệ thống ngân hàng khá tốt, vì thế nên chỉ đạo cho một số ngân hàng khác tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi.

Về chính sách tiêu thụ sản phẩm cho HTX và tổ hợp tác vùng DTTS và miền núi, chúng ta phải có hoạch định chương trình lớn, ở tầm quốc gia để đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm lâu dài cho người dân.

Một khó khăn nữa cần tháo gỡ đó là việc nâng cao trình độ cho đội ngũ quản lý của tổ hợp tác thông qua các lớp tập huấn như hiện nay chúng ta đang làm. Tuy nhiên, nên chú trọng vào công tác quản lý.

Còn theo bà Chu Thị Vinh, việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào phát triển HTX là việc cần phải làm. Các HTX khi ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất sẽ tăng được sự liên kết, hợp tác với nhau, không những giúp các thành viên HTX tại địa bàn mà còn liên kết được với các HTX trong cả nước, thậm chí ở cả nước ngoài khi có cùng chí hướng, cùng ngành nghề, cùng mục tiêu.

Đồng thời, bà Vinh nhấn mạnh, cần phải tuyên truyền vai trò của KTTT, HTX, tổ hợp tác để người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc miền núi biết về lĩnh vực này, từ đó họ có thể tìm hiểu về việc xây dựng tổ hợp tác, HTX sẽ đem lại lợi ích gì cho họ. Khi người dân đã có nhận thức, tham gia vào tổ hợp tác, HTX chắc chắn để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, họ sẽ thích ứng, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số để đảm bảo phát triển bền vững.

Theo Nguyệt Ánh/Thời báo kinh doanh

 

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang