KTTT, HTX 6 tháng đầu năm 2020: Cả nước thành lập mới 752 HTX, 10 Liên hiệp HTX, gần 6 nghìn THT
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 25.282 HTX, tăng 2.002 HTX so với cùng kỳ năm 2019; trong đó 16.012 HTX nông nghiệp, 8.087 HTX phi nông nghiệp; 1.183 Quỹ Tín dụng nhân dân; 91 Liên hiệp HTX và 120.811 tổ hợp tác (THT), trong đó có 72.304 THT nông nghiệp (chiếm 59,8%), 48.501 THT phi nông nghiệp (chiếm 40,4%).

Tổng vốn điều lệ đạt trên 36,6 nghìn tỷ đồng, trung bình 1,434 tỷ đồng/HTX; tổng giá trị tài sản đạt trên 181,74 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 2% so với năm 2019); doanh thu bình quân đạt 1,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 185 triệu đồng/HTX, thu nhập thành viên, người lao động đạt trung bình 2,7 triệu đồng/người/tháng. Số HTX sản xuất, kinh doanh có hiệu quả đạt 58% tổng số HTX đang hoạt động. Các THT có vốn góp ước đạt 22 nghìn tỷ (trung bình 182 triệu đồng/ tổ hợp tác); doanh thu bình quân đạt 232 triệu đồng/ tổ hợp tác; thu nhập bình quân người lao động đạt 2,4 triệu đồng/người/tháng.

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cùng đoàn công tác khảo sát vùng trồng cây cao lương huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam

Sáu tháng đầu năm 2020, cả nước thành lập mới 752 HTX, đạt 30,08% chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là 573 HTX (chiếm 76,19%), phi nông nghiệp là 179 HTX (chiếm 23,81%). Thành lập mới 10 liên hiệp HTX, gần 6 nghìn tổ hợp tác, đạt 60% chỉ tiêu kế hoạch năm 2020.

Khu vực HTX thu hút trên 7,2 triệu thành viên (tăng 13.968 thành viên so với 12/2019) và 2,5 triệu lao động (tăng 2.799 lao động so với 12/2019).

Thời gian vừa qua, HTX đang trở thành loại hình phổ biến, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tổ chức sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân. Các HTX, liên hiệp HTX thành lập mới đều có chiến lược, định hướng phát triển, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, liên kết thành viên là các doanh nghiệp (chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty là thành viên liên kết cấp quốc gia) tham gia cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra, điều này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và hoạt động.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, có 172 HTX giải thể (trong đó, 38 HTX nông nghiệp và 134 HTX phi nông nghiệp) do các HTX yếu kém, hoạt động kém hiệu quả. Các HTX, liên hiệp HTX giải thể trên cơ sở tái cấu trúc, thành lập mới, liên kết thành các HTX quy mô lớn, hoạt động hiệu quả. Các tổ hợp tác giải thể nhằm thành lập các HTX với loại hình đa dạng.

Bên cạnh đó, cán bộ quản lý HTX, liên hiệp HTX có xu hướng trẻ hoá, có năng lực quản trị, tinh thần khởi nghiệp, năng động, tích cực tìm kiếm và huy động nguồn lực về vốn, công nghệ cao, quan tâm xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm của HTX, đã xuất hiện nhiều mô hình thu hút lao động trẻ, có trình độ, kiến thức và nhiệt huyết khởi nghiệp trong khu vực HTX, được nhiều địa phương quan tâm.

Hiện nay nhiều HTX đã thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Dựa trên tình hình đó, các địa phương trong cả nước đã chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế tập thể, HTX gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP, Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả theo Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đề án xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị…, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất.

Hiện nay, cả nước có trên 1.700 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, công nghiệp cao (tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó có 1.147 HTX nông nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế hộ thành viên.

Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả điển hình như HTX lâm nghiệp công nghệ cao tỉnh Phú Yên (với quy mô cấp tỉnh), HTX bò sữa Evergrowth tỉnh Sóc Trăng (đã xây dựng thành công và đưa vào hoạt động nhà máy trộn thức ăn tinh cho bò sữa), HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào tỉnh Lâm Đồng sản xuất rau an toàn, liên kết với các siêu thị và trực tiếp tiêu thụ trên 52 tỉnh trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc; HTX thanh long Tầm Vu ở Long An; HTX xoài La Ngà ở Định Quán, Đồng Nai...

Một số Liên hiệp HTX điển hình như Liên hiệp HTX nông sản an toàn tỉnh Sơn La, Liên hiệp HTX tiêu thụ an toàn nông sản an toàn Việt Nam, Liên hiệp HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (DonaCoop), Liên hiệp HTX chế biến xuất khẩu thanh long Bình Thuận, Liên hiệp HTX Artemia tỉnh Sóc Trăng; Liên hiệp HTX số 1 tỉnh Lâm Đồng...

Nhìn chung, đa số các HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác sản xuất lúa gạo, rau củ quả có sản lượng ổn định, cung ứng các dịch vụ cho thành viên. Các HTX có bị ảnh hưởng nhỏ sau dịch bệnh Covid-19 nhưng đã hoạt động ổn định lại ngay sau đó do nhu cầu thị trường trong nước tăng, giá bán tăng. 5,2% số HTX bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến diện tích và sản lượng thu hoạch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể, HTX tuy có tăng, nhưng tăng chậm, nhiều HTX có qui mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực tài chính yếu do quản trị yếu, phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, địa phương, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, khả năng huy động nguồn lực và áp dụng công nghệ cao còn hạn chế, khó tiếp cận vốn; một số Liên hiệp HTX chưa làm tốt vai trò "đầu kéo" hỗ trợ HTX thành viên; tổ hợp tác hoạt động chưa ổn định...

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng mạnh tới các HTX trong lĩnh vực thủy sản, phi nông nghiệp; một số HTX chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do dịch bệnh tả lợn Châu Phi vẫn chưa được kiểm soát ngăn chặn dứt điểm, hiện đang dần hồi phục và từng bước thực hiện tái đàn.

Để tiếp tục hỗ trợ khu vực KTTT, HTX phát triển, 6 tháng cuối năm 2020, cơ quan Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới, vai trò và lợi ích của kinh tế tập thể, HTX mang lại cho thành viên, gắn với nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng, khó khăn vướng mắc của các thành viên tư vấn, hỗ trợ HTX sau dịch bệnh Covid-19.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút hầu hết các HTX, Liên hiệp HTX là thành viên của Liên minh HTX cấp tỉnh, thành phố để có điều kiện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, nắm bắt và phản ánh chính xác tình hình hoạt động của kinh tế tập thể, HTX; mở rộng khả năng và phạm vi cung cấp dịch vụ công, xúc tiến thương mại cho phần lớn HTX, tư vấn và hỗ trợ pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên.

Đẩy mạnh xây dựng, triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện 63 mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị; hỗ trợ 24 mô hình HTX sản xuất. Nâng cao năng lực hỗ trợ, tư vấn và cung ứng dịch vụ theo nhu cầu của HTX.

Song song với đó, cơ quan Liên minh HTX Việt Nam tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA), các tổ chức hợp tác xã các nước, các tổ chức đại diện và hỗ trợ HTX các nước để học hỏi kinh nghiệm, hợp tác, liên kết và mở rộng thị trường.

Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động kinh tế tập thể, HTX để nắm bắt sát tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và dự báo xu hướng phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Trung tâm Thông tin - Tuyên truyền (Liên minh HTX Việt Nam)

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang