Mở rộng thị trường cho HTX trong mùa dịch
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản của các HTX đang trong giai đoạn thu hoạch có nguy cơ ùn ứ, khó tiêu thụ, giá bán giảm. Do đó, việc cần kíp trong giai đoạn này là phải tìm hướng mở rộng kết nối tiêu thụ nông sản bằng nhiều kênh khác nhau cho các HTX, tổ hợp tác.  

Đây là một trong những nội dung được nêu ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến Chương trình 503 (Chương trình kết nối cung - cầu nông sản cho các HTX, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị) do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức ngày 25/8.

Đưa nông sản ra thị trường

Từ khi ban hành Chương trình 503, công tác kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đã được hệ thống Liên minh HTX Việt Nam đẩy mạnh. Tính từ ngày 4 - 24/8, đã có 1.024 tấn rau củ quả của các HTX, tổ hợp tác (THT) được tiêu thụ.

Báo cáo của Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) cho thấy, tổng kết từ 5 Liên minh HTX tỉnh (Hòa Bình, Bắc Ninh, Cao Bằng, Yên Bái, Đồng Tháp) đến thời điểm này đã kết nối tiêu thụ được 490 tấn rau củ, quả, cá, gạo; 64.000 quả trứng vịt, trứng gà và 1.250 lít dầu ăn các loại.

Riêng Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã hỗ trợ tiêu thụ cho các HTX đạt 3.219 tấn, trong đó số lượng nông sản thu mua tại TP. Hồ Chí Minh là 2.569,6 tấn và tại TP. Hà Nội  472,45 tấn, các tỉnh thành khác 177,25 tấn.

Đặc biệt, Cổng thông tin điện tử kết nối cung cầu tuy mới bắt đầu đi vào hoạt động khoảng 2 tuần nhưng đã có trên 8.000 lượt truy cập, 700 tài khoản được lập và đưa được 589 sản phẩm của các HTX, THT lên Cổng thông tin kết nối cung cầu.

Xác định được vai trò của Chương trình 503, Trung tâm Phát triển thương mại và đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) đã kết nối được với 25 HTX ở Bình Thuận và 5 doanh nghiệp xuất khẩu ở trong và ngoài nước. “Dự kiến đầu tháng 9, sản phẩm thanh long của Liên hiệp HTX thanh long Bình Thuận sẽ có chuyến xuất khẩu đầu tiên sang thị trường Trung Quốc”, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết.

Ngoài ra, Trung tâm còn kết nối 3 HTX chuyên sản xuất mít với doanh nghiệp thu mua, 32 HTX sản xuất nông sản với 9 đầu mối bao tiêu, 15 HTX thực phẩm với 3 doanh nghiệp chế biến...

Có thể thấy, Chương trình 503 đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Đặc biệt đã giúp các HTX, THT giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản bằng nhiều kênh tiêu thụ khác nhau, từ đó góp phần tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Từ khi ban hành Chương trình 503 (từ 4/8) đến 24/8, Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp đã kết nối với Tổ công tác hỗ trợ cung cầu của Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ các HTX và nông dân tiêu thụ 7.214 tấn rau củ quả, đồng thời đưa 60 tấn nông sản của HTX vào tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy lượng sản phẩm tiêu thụ chưa lớn so với nhu cầu của HTX. Bên cạnh đó, nhiều HTX chưa có điều kiện cơ sở vật chất, nhất là phương tiện kết nối thông tin. Cán bộ của các HTX phần lớn là cao tuổi, trình độ và kỹ năng công nghệ, cập nhật thông tin còn hạn chế; khả năng tham gia các hội nghị trực tuyến hay đưa thông tin lên Cổng thông tin kết nối cung cầu chưa kịp thời nên chưa tiếp cận được với các đơn vị thu mua.

Kết nối cung cầu giúp mở rộng đầu ra nông sản cho HTX và người dân.

Từ thực tế hỗ trợ các HTX trong tiêu thụ nông sản, ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư cho biết, sản phẩm của các HTX khá đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, quy mô, sản lượng nông sản lại nhỏ, không ổn định. Nhiều HTX chưa đăng ký được chất lượng sản phẩm như VietGAP, GlobalGAP, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm... nên rất khó khăn khi tiếp cận với các doanh nghiệp bao tiêu, nhất là các siêu thị.

“Đặc biệt, có những HTX chưa bảo đảm khâu bao gói, có sản lượng và năng lực cung ứng chưa cao. HTX khi chào hàng thì mặt hàng rất ít, đơn điệu, logistics rất khó khăn”, ông Phong cho biết.

Đồng tình với quan điểm của ông Vũ Quang Phong, bà Lê Thị Kim Oanh cho biết muốn xuất khẩu được thanh long sang Trung Quốc thì HTX phải có số lượng sản phẩm lớn, đảm bảo chất lượng và đồng đều. Với điều kiện này, hiện chỉ có Liên hiệp HTX thanh long Bình Thuận có thể đáp ứng được vì sản lượng thu hoạch của Liên hiệp từ 5.000-10.000 tấn/năm.

Bà Oanh cũng cho biết, hiện nhiều HTX không quen bán hàng online mà chỉ quen bán hàng trực tiếp tại vườn. Ngoài ra, HTX cũng gặp khó khăn về phần đóng gói sản phẩm nên hạn chế cơ hội đưa nông sản ra thị trường.

Chủ động tiếp cận thị trường

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các HTX. Để thích ứng trong hoàn cảnh này, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, cần đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ cho các HTX qua tất cả các kênh phân phối. Tuy nhiên, sau đó cần sàng lọc ra kênh tiêu thụ dài hạn.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh, có 3 kênh tiêu thụ dài hạn mà hiệu quả cho HTX chính là sàn giao dịch điện tử, trong đó có Cổng thông tin kết nối cung cầu; hệ thống siêu thị, với Saigon Co.op là đơn vị chủ lực; và kênh xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao vẫn bảo đảm được thương hiệu cho các HTX trong chuỗi kết nối cung cầu.

“Khi cung cấp sản phẩm, nguyên liệu cho các doanh nghiệp phân phối, HTX bị mất thương hiệu trong khi sản phẩm do chính HTX làm ra”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho biết và lưu ý cần có tư vấn, hỗ trợ để bảo đảm thương hiệu cho HTX.

Tìm đầu ra cho nông sản của HTX chính là "cuộc chiến" dài hơi, trường kỳ nhưng để làm được điều này, theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, các Liên minh HTX tỉnh, thành phố phải nắm rõ được tổng cung - cầu sản phẩm của các HTX như quy mô sản xuất, chủng loại, sản lượng...

Siêu thị là một kênh tiêu thụ nông sản bền vững cho các tổ hợp tác, HTX.

"Bên cạnh đó, cần phải thay đổi nhận thức của các HTX trong quá trình thực hành sản xuất, tức là phải tỉ mỉ, cẩn trọng ở từng khâu như thu hái, đóng gói, vận chuyển... thì mới tiếp cận được khách hàng, đặc biệt là các siêu thị, doanh nghiệp xuất khẩu", Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh lưu ý.

Một điều dễ nhận thấy là hiện nay, diện tích canh tác của các HTX còn nhỏ lẻ, manh mún nên sản lượng không nhiều, gây khó khăn trong việc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Để tháo gỡ khó khăn này, Tổ kết nối cung cầu cho các HTX ở các tỉnh phía Bắc do Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh làm Tổ trưởng đã thống nhất sẽ thành lập một HTX thương mại để làm "đầu tàu" ở Ninh Bình để kết nối các HTX với đơn vị bao tiêu một cách chuyên nghiệp. Đặc biệt, khi thu hút được sự tham gia của Saigon Co.op vào việc thành lập HTX thương mại thì vấn đề kết nối cung cầu sẽ được thực hiện theo hệ thống và chuyên nghiệp hơn.

Hiện nay, ngoài bán hàng truyền thống, bán hàng online đang là kênh tiêu thụ có lợi thế, nhất là trong mùa dịch Covid-19. Ông Bùi Quang Tùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhờ đẩy mạnh hình thức bán hàng online, giao hàng tận nơi mà HTX Sunfood Đà Lạt đã tiêu thụ được nông sản tới các tỉnh, thành ngay trong lúc dịch bệnh.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là số HTX làm được như HTX Sunfood Đà Lạt là không nhiều, nguyên nhân là do HTX chưa mạnh về công nghệ thông tin. Chính vì vậy, chú trọng đào tạo công nghệ thông tin cho các HTX là điều mà Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh đặt ra để nâng cao hiệu quả về xúc tiến thương mại cho HTX. Điều này cũng tạo thuận lợi cho HTX trong việc sử dụng hóa đơn điện tử trong thanh toán khi làm việc với các nhà phân phối.

 

Ông Hoàng Hải, Quản lý ngành hàng cấp cao Saigon Co.op:  Hiện, sản phẩm của HTX nào đạt tiêu chuẩn đã được Saigon Co.op nhanh chóng đưa vào hệ thống tiêu thụ. Các đầu mối ở Hà Nội,  Quy Nhơn, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Mỹ Tho, Long Xuyên sẽ giúp HTX thuận lợi hơn trong việc vận chuyển nông sản trong mùa dịch. 

Saigon Co.op  đang cùng TP. Hồ Chí Minh thực hiện việc bảo đảm lương thực thực phẩm cho người dân trong mùa dịch. Để làm tốt điều này, Saigon Co.op ưu tiên kết nối với các HTX, liên hiệp HTX. Đặc biệt, Saigon Co.op đã hướng dẫn quy trình chào hàng, mong thời gian tới sẽ có nhiều HTX kết nối với Saigon Co.op, từ đó giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản trong mùa dịch trên cả nước.

Ông Bùi Quang Tùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng: Việc triển khai Chương trình 503 của khu vực Tây Nguyên tương đối đồng bộ. Hiện nay, Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng đã giúp 10 HTX đăng ký đưa nông sản lên Cổng thông tin kết nối cung cầu. Theo thống kê, mỗi ngày, Tổ kết nối cung cầu đã hỗ trợ xuất ra khoảng 300 tấn nông sản đi TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây và một số tỉnh khác. Nhờ đó, nhiều HTX có sản lượng tăng 30% so với khi chưa có dịch. 

Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng sẽ cùng các cấp ngành chuyển các chợ truyền thống ở nông thôn thành các HTX. Các HTX này sẽ có khu vực giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm của các HTX. Điều này vừa giúp HTX mở rộng được đầu ra, vừa xây dựng được thương hiệu.

Ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX Hòa Bình: Từ khi triển khai Chương trình 503, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ thông luồng xanh cho 12 HTX, mở 2 điểm bán hàng tại TP Hòa Bình. Để Chương trình 503 hiệu quả hơn, chúng ta nên đi sâu vào hỗ trợ các sản phẩm chuyên đề, tức là mỗi tuần tập trung vào 1 - 2 sản phẩm chủ lực để nâng khả năng tiêu thụ. 

Do quy mô sản xuất của HTX còn nhỏ lẻ trong khi nhà cung cấp cần số lượng lớn nên việc thành lập HTX thương mại làm đầu mối là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực tự bán hàng cho HTX bằng cách liên kết với các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ nông sản. Điển hình là Hòa Bình đang liên kết với sàn thương mại Voso và đơn vị này đã trực tiếp hướng dẫn quy cách thu hoạch, đóng gói… cho HTX.

Theo Huyền Trang/https://vnbusiness.vn/

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang