Mường Khương phát triển tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp
Thay vì làm ăn riêng lẻ, thời gian qua, nông dân huyện Mường Khương đã mạnh dạn liên kết tạo thành các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, nhằm chia sẻ, hỗ trợ nhau và tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao bán ra thị trường.

Kiểm tra chè búp tươi trước khi chế biến.

Thực hiện Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Mường Khương xác định cần tạo lập liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp. Xuất phát từ thực tế, nông dân các xã trên địa bàn huyện đã liên kết với nhau thành lập các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp theo các ngành hàng chủ lực, gồm chè, chuối, dứa, quýt, lợn đen. Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Việc thành lập các tổ hợp tác sản xuất theo các ngành hàng chủ lực là xu thế tất yếu, bởi sự liên kết giữa các hộ nông dân cùng lĩnh vực sản xuất sẽ giải quyết được những hạn chế, như cạnh tranh thiếu lành mạnh, mạnh ai người nấy làm, dễ bị tư thương, doanh nghiệp ép giá, dẫn đến tình trạng được mùa mất giá.

Thực tế hoạt động của các tổ hợp tác trồng chè ở xã Lùng Vai là câu trả lời thuyết phục nhất. Ông Dương Văn Thường, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng chè thôn Tảo Giàng cho biết: Trước khi có tổ hợp tác, mỗi hộ làm một kiểu, nơi nào mua giá cao thì họ mang chè búp tươi đến bán, thành ra các cơ sở chế biến chè trong tình trạng nơi thừa, nơi thiếu nguyên liệu, đến khi vào kỳ thu hoạch rộ, các cơ sở giảm lượng thu mua, dẫn đến người dân chỉ còn cách mang về hoặc bán với giá rất thấp. Tuy nhiên, từ khi thành lập tổ hợp tác, người trồng chè thôn Tảo Giàng đã liên kết chặt chẽ với nhau trên tinh thần “muốn đi xa phải đi với nhiều người”, không còn mạnh ai nấy làm, mà luôn thống nhất vì lợi ích chung.

Chính vì vậy, người trồng chè thôn Tảo Giàng đã ký hợp đồng cả năm với 3 cơ sở chế biến chè, với giá ổn định từ 6.000 đến 7.000 đồng/kg chè búp tươi. Hơn nữa, các cơ sở thu mua cam kết thu mua hết sản lượng chè búp tươi của người dân đã ký kết hợp đồng, nếu sản xuất khó khăn thì vẫn thu mua với giá không thấp hơn 6.000 đồng/kg.

Rõ ràng, sự ổn định trong sản xuất là điều mà cả người dân và các cơ sở chế biến rất cần. Ông Hù Văn Năm, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng chè thôn Đồng Căm cho biết: Thôn có 85 hộ trồng chè thì có tới 75 hộ tham gia tổ hợp tác. Các hộ trồng chè đã loại bỏ tư tưởng nơi nào mua giá cao thì bán cho nơi đó, mà họ đã quyết định ký kết hợp đồng lâu dài với các cơ sở sản xuất để tìm sự ổn định về giá cũng như các cam kết, thu mua hết chè búp tươi của người dân và thanh toán ngay.

Là 1 trong 3 cơ sở ký kết hợp đồng thu mua chè búp tươi của các tổ hợp tác trồng chè tại xã Lùng Vai, Hợp tác xã Chè Mường Khương đã và đang thực hiện đúng cam kết. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Chè Mường Khương khẳng định: Việc ký kết với các tổ hợp tác thay vì từng hộ riêng lẻ như trước đã giúp chúng tôi chủ động hơn, không bị áp lực bởi cạnh tranh của thị trường, các thành viên của các tổ hợp tác cơ bản thực hiện đúng cam kết. Rõ ràng, việc thành lập các tổ hợp tác trồng chè là chủ trương đột phá của địa phương, mang lại lợi ích cho cả người trồng chè và cơ sở chế biến.

Ông Nguyễn Tiến Lượng, Chủ tịch UBND xã Lùng Vai cho biết: Việc thành lập các tổ hợp tác trồng chè ở 14 thôn trên địa bàn xã nhận được sự đồng thuận cao của người dân. UBND xã chỉ định hướng, còn các hộ bàn và tự quyết định, lựa chọn cơ sở chế biến để liên kết sản xuất. Từ khi các tổ hợp tác đi vào hoạt động, UBND xã không phải đau đầu giải quyết những sự việc liên quan đến tranh chấp mua bán nguyên liệu như trước. Hiện xã có 14 tổ hợp tác trồng chè với hơn 700 thành viên, đã ký kết cung cấp 7.000 tấn chè búp tươi/năm cho các cơ sở chế biến.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho hay, huyện đã thành lập được 38 tổ hợp tác sản xuất chuối, dứa, quýt, chè và chăn nuôi lợn đen, tập trung ở các xã Bản Lầu, Bản Sen, Lùng Vai, Thanh Bình, Tả Ngài Chồ. Trong đó, các tổ hợp tác trồng chè ở Lùng Vai đã phát huy hiệu quả rõ nét, liên kết chặt chẽ các hộ nông dân và hướng đến sản xuất bền vững. Trong thời gian tới, Mường Khương sẽ đánh giá và nhân rộng mô hình tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp đến các xã còn lại trên địa bàn huyện.                              

Theo Thanh Nam/Báo Lào Cai

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang