Phát huy thế mạnh của HTX phi nông nghiệp

Thời gian qua, nhiều HTX phi nông nghiệp đã năng động đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, khu vực kinh tế này cũng cần những đột phá để phát triển vững vàng.

 

Theo số liệu từ Liên minh HTX Việt Nam, đến cuối năm 2021, cả nước có 9.316 HTX phi nông nghiệp, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, chiếm 34,7% tổng số HTX cả nước, giảm 576 HTX so với cuối năm 2012, tăng 5.290 HTX so với cuối năm 2002. Ngoài ra, đến cuối năm 2021, cả nước còn có 16 liên hiệp HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp, 44.226 tổ hợp tác (THT) phi nông nghiệp.

HTX ngày càng năng động

Đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của HTX tăng 1,6 lần so với năm 2011, tăng 8,2 lần so với năm 2002, gấp 1,4 lần so với HTX nông nghiệp, đạt  bình quân 2,88 tỷ đồng/HTX (trừ quỹ tín dụng nhân dân).

Có thể thấy, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX và 10 năm thi hành Luật HTX 2012, các HTX, THT, liên hiệp HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp vừa tăng số lượng hằng năm vừa phát triển đa dạng ngành nghề như: thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân, môi trường, du lịch, y tế…

HTX Vụn Art (Hà Nội) hoạt động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và đang tạo việc làm cho 30 lao động là người khuyết tật

Nhiều HTX phi nông nghiệp chú trọng sản xuất kinh doanh khép kín theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Điển hình như HTX Kim Ngân, HTX mây tre đan lục bình Toàn Lộc (Hậu Giang); HTX Kim Hưng (TP. Cần Thơ).

Có được điều này là do Nghị quyết 13-NQ/TW đã được thể chế hóa trong Luật HTX 2002, hiện đã được thay bằng Luật HTX 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng là HTX, liên hiệp HTX lĩnh vực phi nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, Chỉ thị, Quyết định; các bộ, ngành đã ban hành các Thông tư, Quy định và hướng dẫn về HTX lĩnh vực phi nông nghiệp.

Chẳng hạn  như Bộ Công thương quy định lồng ghép hỗ trợ HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Bộ Giao thông Vận tải cũng chú trọng  phát triển HTX vận tải trong quy hoạch phát triển của ngành, quản lý đối với HTX, liên hiệp HTX vận tải… Đây là những nền tảng xác lập được môi trường thể chế cho các HTX phi nông nghiệp hoạt động.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các chính sách hỗ trợ còn tập trung cho HTX nông nghiệp nhiều hơn, điều này đã tạo tâm lý mặc cảm đối với HTX lĩnh vực phi nông nghiệp, gây khó cho HTX trong quản lý điều hành... Một số văn bản hướng dẫn ban hành vẫn chưa phù hợp với nhu cầu phát triển của HTX phi nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập.

Tiêu biểu như  một số quy định trong Luật HTX năm 2012 còn bất cập làm cản trở sự phát triển của HTX như: quy định về sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, quy định về việc làm, tỷ lệ vốn góp không quá 20%, sử dụng nguồn vốn thuộc tài sản không chia của HTX để góp vốn, mua cổ phần, đăng ký, tổ chức lại, chuyển đổi, giải thể HTX, quyền hạn của đại hội thành viên... Quy định về kiểm toán HTX, chuyển đổi HTX... chưa được hướng dẫn thực hiện.

Ông Phan Huy Sự, Giám đốc HTX Vận tải Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết kiểm toán HTX là rất cần thiết nhằm tạo sự minh bạch cho các thành viên và đối tác. Kiểm toán còn giúp hội đồng quản trị và ban giám đốc quản lý điều hành hiệu quả, tạo điều kiện để HTX huy động vốn và vay vốn. Tuy nhiên, quy định về kiểm toán của Luật HTX năm 2012 và Điều 20 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP còn chung chung, chưa đi vào cuộc sống đã gây khó khăn cho các HTX phi nông nghiệp.

Hiện nay, Nhà nước cũng chưa có quy định về trách nhiệm xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về HTX; chưa có chính sách cụ thể đối với HTX lĩnh vực phi nông nghiệp.

Đặc biệt, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất kinh doanh của nhiều HTX phi nông nghiệp. Theo Liên minh HTX Việt Nam, khoảng 65% HTX phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng hóa tồn đọng nhiều, chi phí bảo quản, lưu kho bãi tăng, giá trị xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh (giảm 45,3%).

Ông Nguyễn Minh Thiên, Giám đốc HTX Đình Lâm (TP Hòa Bình) chia sẻ HTX chuyên sản xuất gạch bê tông. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, trong 2 năm nay, hàng hóa của HTX có thời điểm không bán được hoặc bán nhưng rất chậm làm ảnh hưởng đến đời sống thành viên. Hiện, HTX phải làm đơn xin giãn nợ thêm một năm. Nếu tiêu thụ hàng hóa thuận lợi, HTX mới có tiền trả các khoản vay phục vụ phát triển sản xuất.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Thực tế, hầu hết các HTX, liên hiệp HTX lĩnh vực nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh theo mô hình phân tán thì phần lớn các HTX, liên hiệp HTX lĩnh vực phi nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh theo mô hình tập trung. Thành viên góp vốn để đầu tư trang thiết bị, máy móc để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho thành viên nên đã phát huy được nội lực của mô hình kinh tế tập thể.

Theo phân tích của Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp hoạt động có điểm khác so với các HTX nông nghiệp. Dù về phương thức sản xuất kinh doanh, về thị trường hay về ứng dụng công nghệ cao thì các HTX phi nông nghiệp đều nổi trội hơn, đặc biệt là những HTX phi nông nghiệp ở các đô thị với sự thuận lợi về thị trường, công nghệ thông tin, điều kiện kinh tế…

HTX phi nông nghiệp có những điểm nổi trội hơn trong ứng dụng công nghệ, tiếp cận thị trường, đầu tư máy móc.

Đặc biệt, nếu như nhiều HTX nông nghiệp ra đời từ khi có Nghị quyết số 13-NQ/TW đều bị chi phối mạnh của địa phương, nhất là các HTX thành lập để hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới thì các HTX phi nông nghiệp lại khác. Các HTX phi nông nghiệp chủ yếu phát triển theo cơ chế thị trường nên ít bị chi phối bởi chính quyền địa phương.

Trong bối cảnh hiện nay, khu vực kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục có những khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung của đất nước, nhưng vẫn có nhiều cơ hội và thuận lợi mới cho phát triển, đó là: Dư địa và lợi thế thành lập mới HTX trong các lĩnh vực phi nông nghiệp còn lớn; nhu cầu hợp tác, sáp nhập để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tăng quy mô về vốn, tài sản, thành viên, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ, quản trị, nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh… ngày càng tăng và phát triển mạnh.

Chính vì vậy, để phát triển HTX phi nông nghiệp, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh, cho biết cần có chính sách phù hợp với HTX ở từng vùng, miền. Bên cạnh đó, việc sửa đổi một số quy định trong Luật HTX năm 2012 như mức góp vốn, quy định kiểm toán, tổ chức lại HTX… là điều hết sức cần thiết. Song song đó, cần có các chính sách ưu đãi phù hợp cho HTX phi nông nghiệp vì hiện nay các chính sách hỗ trợ HTX đều bị lồng ghép vào nhiều chương trình.

“Nếu có chính sách phù hợp thì các HTX phi nông nghiệp sẽ ngày càng phát triển, từ đó thúc đẩy kinh tế tập thể đi lên theo hướng hiệu quả, bền vững”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực phi nông phát triển nhanh, bền vững, thì sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong tư vấn, hỗ trợ, cung ứng dịch vụ công, giám sát và thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên đóng vai trò rất quan trọng.

Theo Huyền Trang/Thời báo kinh doanh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang