Giải mã sự lột xác đầy bất ngờ trong xây dựng nông thôn mới ở Gia Viễn

Sau khi xuất sắc đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đang từng bước vững vàng hướng tới nông thôn mới nâng cao, với điểm tựa từ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân.

 

 

Năm 2023, huyện Gia Viễn phấn đấu có thêm 5 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là tiền đề quan trọng để đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2024, với mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân.

Đẩy nhanh tốc độ

Dễ nhận thấy, thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa mạnh mẽ khắp các địa phương, nhất là ở các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu trên địa bàn huyện.

Không khí thi đua chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, nhà cửa, cơ sở vật chất. Nhân dân đồng lòng góp công, góp của, trồng cây xanh, đường hoa để cảnh quan môi trường “sáng, xanh, sạch đẹp”.

anh tin bai

Nông thôn mới huyện Gia Viễn đang có những cuộc "lột xác" ngoạn mục trong những năm qua (Ảnh: BNB).

Đơn cử, An Ninh là 1 trong 10 thôn của huyện được công nhận đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu ở giai đoạn 1 năm 2023. Đường làng ngõ xóm nay xanh, sạch. Người dân phấn khởi trước sự đổi thay tích cực của quê hương, hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới.

Qua kiểm tra thực tiễn, cho đến nay, cả 6/6 xã được giao chỉ tiêu đều đã lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết phù hợp với quy hoạch chung của huyện. Cơ sở hạ tầng các xã tiếp tục được đầu tư nâng cấp, nhiều tuyến đường được duy tu, mở rộng, lắp đặt thêm biển báo an toàn giao thông, hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh.

Các nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn tại các xã cũng được trang bị các thiết bị để phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người dân; 6/6 xã đều có trạm y tế kiên cố đạt chuẩn. Về giáo dục, 6/6 xã có 3 cấp học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, ít nhất một trường đạt chuẩn mức độ 2.

Với những thành công đang có, về cơ bản, 5 xã Gia Trấn, Gia Hòa, Gia Phú, Gia Vượng, Gia Minh đủ điều kiện xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xã Gia Thanh đủ điều kiện xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Đây là cơ sở để Gia Viễn duy trì mục tiêu về đích huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.

Điểm tựa từ sản xuất

Có thể thấy, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Gia Viễn đang được thực hiện liên tục, hiệu quả và nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người dân địa phương. Đặc biệt, để có được thành công hiện tại, huyện đã làm rất tốt quá trình chuyển cơ cấu nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị.

Điển hình, để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; khơi thông dòng vốn để người dân phát triển sản xuất; dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…

Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tại các xã liên tục tăng lên qua các năm. Cụ thể, năm 2023: thu nhập bình quân đầu người của xã Gia Thanh là 74,9 triệu đồng/người/năm; xã Gia Trấn 71,6 triệu đồng/người/năm; xã Gia Hòa 70,2 triệu đồng/người/năm; xã Gia Phú 68,3 triệu đồng/người/năm; xã Gia Vượng 69,9 triệu đồng/người/năm; xã Gia Minh 68,1 triệu đồng/người/năm.

anh tin bai

Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là điểm tựa xây dựng nông thôn mới ở Gia Viễn (Ảnh: BNB).

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các xã đều có những sản phẩm đặc trưng: Gia Thanh có sản phẩm nấm; Gia Trấn có sản phẩm hạt sen, tâm sen sấy; Gia Hòa có sản phẩm na dai Ba Non; Gia Phú có ruốc cá thảo dược vị nghệ và chả cá; Gia Vượng có nón lá; Gia Minh có ruốc cá trắm, cá chép Đức Tính.

Những năm gần đây, huyện Gia Viễn đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, chuyển đổi diện tích trồng lúa, trồng cây màu kém hiệu quả sang các mô hình đa canh.

Riêng đối với cây màu, huyện chú trọng thâm canh cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, phù hợp với tập quán canh tác và thổ nhưỡng của địa phương như dưa chuột, dưa bở, dưa lê, cà chua... Trong đó, dưa bở và dưa lê được đánh giá là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao trong ngành trồng trọt của Gia Viễn. Hiện nay, toàn huyện có trên 65 ha cây dưa lê và dưa bở tập trung ở các xã Gia Thắng, xã Gia Tiến và Gia Phương. Tổng số hộ dân đang tham gia trồng dưa khoảng 1.700 hộ.

Dấu ấn từ các HTX

Bên cạnh thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, trong suốt 10 năm xây dựng nông thôn mới ở Gia Viễn, khu vực kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác, cũng đang thể hiện nhiều dấu ấn quan trọng.

Điển hình, được thành lập từ năm 2019, HTX nuôi trồng thủy sản xã Gia Minh đang trở thành một trong những lá cờ đầu dẫn dắt hoạt động sản xuất thủy sản theo hướng an toàn sinh thái tại địa phương.

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, HTX đã tiến hành chuyển đổi diện tích 20ha vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả, hàng năm chỉ cấy được 1 vụ sang nuôi một số loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cá trôi, chép, trắm...

Để hoạt động hiệu quả, Hội đồng quản trị phân công cụ thể cho thành viên theo từng vị trí như bộ phận chuyên về vốn, bộ phận chuyên về hoạt động mua bán sản phẩm… Trước khi vào vụ sản xuất, HTX tìm đối tác ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch, đồng thời đứng ra ký hợp đồng mua thức ăn cho cá, cá giống và thống nhất phương án sản xuất theo hình thức gối vụ.

Với những đóng góp tích cực của HTX, cùng thành công của ngành chăn nuôi thủy sản, xã Gia Minh liên tục gặt hái thành công trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hiện, xã có thu nhập bình quân 68,1 triệu đồng/người/năm. Năm 2023, xã đã cơ bản đạt đủ các tiêu chí để về đích xã nông thôn mới nâng cao.

Không chỉ tại Gia Minh, bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện Gia Viễn có từ 1 - 3 HTX hoạt động hiệu quả, trực tiếp hoàn thành tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất. Các HTX cũng đang phát huy vai trò “bệ đỡ” kinh tế hộ, đóng góp tích vào các tiêu chí về thu nhập, việc làm, an ninh trật tự xã hội, giao thông,… Sự ra đời của HTX là bước ngoặt giúp các hộ nuôi cá tại địa phương chuyên nghiệp hóa sản xuất, mở rộng liên kết, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới.

Có thể thấy, với những đóng góp của các HTX, tổ hợp tác, cùng sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự đồng thuận của nhân dân, phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Gia Viễn đã gặt hái được những thành tựu quan trọng, tạo nền tảng vững vàng để hướng tới những mục tiêu cao hơn trong các năm tới.

Theo Lệ Chi/Thời báo kinh doanh

 

 

 

 

 


 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

   LIÊN MINH HỢP TÁC XÃ TỈNH LÀO CAI

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lào Cai

Địa chỉ: Tầng 5 Khối 6 Đại lộ Trần Hưng Đạo, Phường Nam Cường, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai 

Điện thoại: (0214)3.888.169

Email: contact-lmhtx@laocai.gov.vn


 
Chung nhan Tin Nhiem Mang